Saturday, July 23, 2022

BÊN KIA BỜ SÔNG VỆ

________________________         

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTiI-Y4GixrJmG236DJFmenih8YBDeQGayRwcDU75On8wfLUcNi

    



       

Buổi sáng Tân thức dậy sớm, đun ấm nước, pha tách trà đầu tiên trong ngày. Tiếng nước reo vi vu trong buổi sáng mùa đông, khiến anh cảm thấy bâng khuâng. Bởi những khi tĩnh lặng một mình, tiếng nước reo trên bếp lửa hồng, tiếng gà gáy lạc lõng giữa ban trưa, tiếng chó sủa bâng quơ trong đêm vắng…tất cả đã gợi lại trong lòng anh hình ảnh của một thuở ấu thơ nhiều kỷ niệm u buồn! 

Tân mở máy PC, xem tin tức từ thân hữu bốn phương gởi đến. Trên trang Web của một bạn đồng môn, có bốn câu thơ:


  Chiều tháng chạp trở về bên sông Vệ   

Dòng nước này đang đổ xuống làng tôi

Sông thì chảy mà không đò xuôi ngược                      

Tôi ngẩn ngơ như mất Mẹ bên đời….


Anh đọc bốn câu thơ mà nhớ Mẹ vô cùng. Khi Mẹ còn sống, hàng tuần anh vẫn tâm sự với Mẹ qua đường dây viễn liên, vượt qua nghìn trùng xa cách của một Thái bình dương mênh mông. Nay Mẹ đã khuất, anh mới thấm thía tâm trạng u buồn, cô đơn, ngẩn ngơ khi nhớ đến Mẹ hiền và những kỷ niệm về Mẹ thuở sinh tiền. 

                                                                      

*    *    *


 Tân còn nhớ rõ một buổi chiều tháng chạp năm 1954, dưới mưa phùn lạnh buốt, Mẹ dắt díu các con hối hả bước xuống chiếc đò ngang nhỏ bé qua bên kia sông Vệ. Đàng sau họ là đám công an đang đuổi theo. Và phía trước, bên kia sông lá cờ vàng đang tung bay phất phới trên chiếc cột cao, uốn lượn trong mưa gió chiều đông. Nơi đó là bến bờ Tự do. Đã sáu mươi năm trôi qua, những cảm giác hãi hùng, chen lẫn nỗi vui mừng năm xưa vẫn chưa phai mờ trong tâm trí một bà cụ sắp đến tuổi bách niên. Thế thì đứa con lớn nhất của bà làm sao có thể quên được cái quá khứ đau thương kia? 

   Cả quãng đời thơ ấu của Tân, cuộc sống của gia đình anh luôn thay đổi, rày đây mai đó! Khi cuộc chiến tranh Việt Pháp nổ ra, cha mẹ của Tân đưa gia đình từ Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, về quê cũ tỉnh Bình Định. Sau đó, gia đình di chuyển từ Bình Dương, Bồng Sơn đến Trung Lương,Thế Thạnh, , rồi cuối cùng về lại làng cũ An Lương, Hưng Lạc …

         Tỉnh Bình Định thuở ấy do Viet Minh kiẻm soát. Cha anh lúc ấy, có lẽ e ngại “vợ yếu, con đông”, ngại con đường “dinh tê về thành” quá xa xôi nguy hiểm…. Cho nên ông không thể ca bài “Bên Cầu Biên Giới” của Phạm Duy khi trở về thành phố! Mãi đến khi VM phát động phong trào “tinh giản biên chế”, cho “về vườn” những người tham gia kháng chiến mà không vào đảng, thì cha anh mới đưa gia đình về quê ở Hưng Lạc, dệt vải sinh sống. Riêng Tân phải bỏ học, về nhà tập cày bừa mảnh ruộng do đại gia đình bên nội phân chia…   

       Một buổi trưa cuối tháng bảy năm 1954, anh đang cày dưới ánh nắng hè gay gắt, người chú chạy đến vui mừng kêu lên:

      -Thôi đừng cày nữa cháu ơi! Đình chiến rồi! Hoà bình tới nơi rồi! Thôi về nhà để xem cha cháu dự tính thế nào đây?.... 

      Tân ngẩn ngơ đứng nghe người say sưa nói về “đình chiến, hoà bình”. Đôi bò không người điều khiển vẫn tự động đi tới, kéo lê chiếc cày, suýt làm gãy cái “nông cụ cổ lỗ” nhưng đáng quý thời bấy giờ! Ngày hôm sau, có người quen của chú Út từ Quy Nhơn, tìm đến nhà gia đình Tân, nói nhỏ với Ba anh:

-Thưa anh, anh Út đã bỏ đơn vị bộ đội, không xuống cảng Quy Nhơn để ra Bắc. Hiện đang trốn ở nhà em! Anh ấy nhắn anh nên tìm cách trốn ra vùng Quốc gia. Hãy làm nhanh, nếu trễ tụi công an sẽ đến bắt anh xuống tàu đi tập kết, anh à! 

Người chú vội vã giúp Ba của Tân làm giả giấy tờ đi đường, cải trang làm người đi buôn đường dài. Ông lặng lẽ đưa mắt giã từ vợ con, rồi đạp xe lên đường “dinh tê” về vùng Quốc Gia đang tiếpthu, phía bắc tỉnh Quảng Ngãi…

Một tuần sau, Mẹ anh cũng chuẩn bị dẫn các con đi theo luôn. Bà nhờ dì Ba xin giấp phép đi đường và dì  hướng dẫn gia đình chị và các cháu ra đi. Họ phải đi bộ, xe goòng,  xe ôtô ray… trên suốt quãng đường từ Phù Mỹ, Bồng Sơn, Tam Quan đến Quảng Ngãi, phía nam sông Vệ. 


*    *    *


      Dì Ba khá gầy ốm, mảnh khảnh, hầu như suốt đời kém may mắn và khổ cực. Tuy nhiên bà có đức tính đáng quý là chịu đựng gian khổ và thương yêu người khác, nhất là chị mình và các con của chị…Bà goá chồng từ lúc sinh người con thứ năm, cũng là cô gái út! Ông chồng của bà đã theo đám con buôn hàng chuyến, ra mãi tận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để mua “hàng ngoại” về bán lại cho dân chúng địa phương. 

      Sau đó ông bị bệnh đột ngột rồi qua đời nơi đất khách! DÌ Ba ra tận nơi, thuê người hốt cốt đem về quê nhà chôn cất. Từ đó dì bắt đầu theo các bạn gái đi buôn bán hàng ngoại ở vùng do Pháp kiểm soát. Dì Ba có người láng giềng tốt bụng, cũng goá chồng như bà và có người con gái đang học cấp I. Cô gái tên Hoa, nước da bánh mật xinh xắn. Cô gái học xong cấp I, ở nhà phụ mẹ buôn bán ở chợ để nuôi các em còn nhỏ dại. Dì rất thương bé Hoa nên nhận làm con nuôi. Thỉnh thoảng khi xin giấy phép “đi buôn đường dài” dì Ba khai bé Hoa là con, đi theo phụ giúp bà mang xách hàng hoá…

      Sau mỗi chuyến đi buôn, cô gái mua một món quà nhỏ về tặng bạn bè thân thiết, trong đó có Tân. Trong một chuyến đi buôn với dì Ba, Hoa đã mua cây bút máy từ vùng Pháp kiểm soát về tặng anh . Đối với Tân, đó là cây bút máy đầu tiên trong đời, hiệu Kaolo. Cây bút màu nâu, có những sọc ngang vàng đục, hơi nặng và to. Ngòi viết hình tháp, có những vòng xoắn ốc. Khi vặn nhẹ phần cuối của cây viết, ngòi thuỷ tinh từ từ ló ra. Khi viết xong, có thể vặn ngược lại, ngòi rút dần vào bên trong. 

      Những năm sau này, khi đi học ở Huế, Sài gòn…Tân không bao giờ thấy lại loại bút máy như thế nữa! Bởi sau 1954, những loại bút có chứa mực bên trong như  Pilot, Waterman, Parker…đã thay thế cây Kaolo xưa cũ- cây viết đã có nhiều dấu ấn kỷ niệm đối với thế hệ học sinh trước năm 1954 như anh.


                                                             *    *    *


      Đêm gia đình Tân ra đi, bầu trời mờ ảo với ánh trăng thượng tuần. Đoàn người lặng lẽ khởi hành, phân tán từng nhóm nhỏ để tránh sự dòm ngó của công an VM. 

      Đoàn người lặng lẽ rảo bước dưới ánh trăng mờ. Đường sá lúc ấy vắng lặng đến rợn người! Khi đi ngang qua Gò Rộng, Mẹ anh vừa đi vừa lẩm nhẩm cầu nguyện. Gò Rộng là nơi công an VM đã xử bắn người bạn thân của cha Tân, sau khi kết tội ông đã tổ chức cuộc chống đối VM gần năm năm trước. Đến nhà ga Phù Mỹ, trời đã khuya. Họ đã đi bộ khoảng hai tiếng đồng hồ, không ngơi nghỉ! Mọi người mệt nhoài, dựa vào vách nhà ga, hoặc lăn ra nằm ngủ trên đám rơm khô rải rác trên sàn nhà ga…

Mờ sáng hôm sau, dì Ba thức dậy mua vé xe goòng đi Bồng Sơn cho tất cả mọi người. Riêng người cậu của Tân phải quay về nhà. Cậu lưu luyến chia tay bà chị cả và các cháu. Có lẽ cậu nghĩ, rồi đây “ muôn dặm đường xa, giang sơn cách  trở”, không biết bao giờ mới gặp lại những người thân yêu này? 

Những năm cuộc chiến Việt Pháp ác liệt diễn ra, máy bay Pháp thường oanh tạc chợ búa, nhà cao tầng, cầu cống, các phương tiện giao thông…Tại nhà ga Phù Mỹ, xe lửa thuở ấy chỉ là những toa không mui, không vách, chỉ còn sàn xe với bốn bánh sắt, được gọi là xe gòn (hoặc goòng, từ tiếng Pháp: wagon). Đó là phương tiện giao thông sơ sài và kém an toàn, nhằm giúp những hành khách di chuyển đường xa…Hành khách lên xe, ngồi xuống sàn, lưng sát vào nhau, ôm chặt lấy mũ nón và hành lý của mình. Ở bốn góc sàn xe, có dựng những cây trụ nối nhau bằng dây thừng quanh bốn phía. Mục đích giữ cho khách trên xe được “an toàn”! Ba công nhân khỏe mạnh đẩy xe trên đường ray đã được sửa chữa sau khi bị bom tàn phá. Tuy nhiên có những đoạn đường bắt qua chiếc cầu bị sập, nên xe phải chạy trên đường sắt cheo veo như đi trên cầu treo! Mỗi khi xe lên dốc, phải nhờ những nam hành khách khỏe mạnh xuống xe đẩy phụ. Đến lúc xuống dốc xe chạy nhanh, những người đẩy xe (cả công nhân lẫn hành khách đẩy phụ) vội lên xe ngồi, mặc cho chiếc xe gòn chạy tự do, với tốc độ nhanh dần theo độ dốc! Đến thị trấn Bồng Sơn, phía bắc tỉnh Bình Định, hành khách xuống xe, đi đò qua sông Lại Giang, nơi cầu Bồng Sơn bị bom phá sập. Sau đó mọi người đi bộ đến ga Bồng Sơn.     

Tối hôm ấy, khi mẹ của Tân cùng dì Ba vào nhà ga Bồng Sơn mua vé xe lửa, đã gặp người nhân viên bán vé tên Phi- một bạn cũ của cha Tân. Ông  nhìn mẹ TÂn trong giây lát,  rồi  dè dặt hỏi:

- Có phải chị Khang đây không?  

Thấy mẹ Tân im lặng, ông nói tiếp:

- Chị mua vé đi đâu đây? Đi Quảng Ngãi à?

Mẹ Tân e dè đáp :

     - Dạ phải…   

Thấy thái độ do dự, lo lắng của mẹ Tân, ông Phi trao vé cho bà, rồi bước ra khỏi quầy bán vé, giao công việc cho nhân viên khác…Ông kéo người vợ của bạn cũ ra khỏi nhà ga, rồi nhìn quanh, hạ giọng nói nhỏ:                       

      - Tôi nghe nói anh Khang dinh tê về thành, nhưng không rõ đi đâu. Chỗ thân tình tôi nói thật với chị: nhắn anh ấy cứ cố mà đi. Nếu quay trở lại họ bắt đi tập kết ra Bắc, sẽ không có ngày về với gia đình đó, thưa chị!

     Mẹ Tân cũng thấp giọng nói nhỏ với người bạn cũ của chồng:

      - Thưa anh! Tôi và các cháu nhờ cô em dẫn ra Quảng Ngãi, để tìm đường đi Huế. Nhà tôi đã đi trước ra ngoài đó rồi! Họ đang cho người theo dõi bắt tôi lại. Nếu anh không thương tình, anh cứ báo cáo cho công an. Còn nếu anh nghĩ đến tình bè bạn với anh Khang, xin anh kín miệng cho…

      Ông Sơn im lặng giây lát, rồi nhẹ nhàng nói:                                                                                                                                                                 

      - Thật tội nghiệp cho chị! Đường xa đi nguy hiểm lắm. Khi nãy tôi thấy chị đi với cả gia đình, tôi đã đoán ra rồi…Thôi, chúc chị đi gặp nhiều may mắn.  

Mẹ Tân cảm ơn người bạn tốt bụng ấy, rồi vội trở lại với các con và dì Ba đang chờ đợi trong nhà ga Bồng Sơn.


                                                          *    *    *


      Sáng sớm hôm sau, gia đình Tân cùng dì Ba lên xe lửa đi Quảng Ngãi. Đến phía nam sông Vệ,   tàu dừng bánh. Vùng đất bên kia sông, trước ngày ký Hiệp định Genève, cũng do VM kiểm soát. Nhưng hôm nay, quân đội Quốc Gia đã đến đây tiếp thu, sau khi bộ đội VM rút dần về Quy Nhơn để xuống tàu thuỷ ra Bắc.

      Hành khách xuống xe lửa, đi bộ thêm một quãng đường dài mới đến bến đò sông Vệ. Trời lúc ấy sắp về chiều. Mưa phùn mùa đông lất phất bay. Xa xa, con sông Vệ chia đôi tỉnh Quảng Ngãi, trắng xoá một màu. Mẹ Tân ôm bé gái út vào lòng; Tân cõng em gái lớn; Hoa - con gái nuôi của dì Ba - dắt em trai của Tân; mọi người đi sát bên nhau cho đỡ lạnh. Dì Ba đưa gia đình vào trú tạm nhà người bạn thân nằm gần đường lộ, chờ dì đi đổi tiền Tín phiếu của VM, lấy tiền Quốc gia. Chủ nhà nhóm bếp, pha trà mời mọi người uống cho đỡ lạnh. 

Tân ngồi xa bếp, nhìn ánh lửa bập bùng mỗi khi cơn gió bấc lùa qua khe cửa. Anh cảm thấy lạnh buốt. Tuy nhiên, tiếng nước trong ấm reo vang khiến Tân thấy vui vui. Nỗi lo lắng âm ỉ trong lòng anh suốt những ngày trốn chạy, giờ đây đã tạm lắng xuống. Anh quay sang hỏi Hoa, cô bạn học cũ đã từng tặng cây viết máy Kaolo trước đây:

      -Những khi theo dì Ba đi buôn đường xa, Hoa có qua vùng này không?

Cô gái vui hẳn lên:

      -Có chứ! Hoa với mẹ Ba đã qua sông Vệ, ra tận Quảng Nam, mua “hàng ngoại” về quê mình bán lại đó anh…!

Nàng nhìn Tân, nói tiếp, giọng ngậm ngùi:

      -Chốc nữa đây, gia đình anh sẽ qua sông Vệ, rồi còn đi xa nữa…! Hoa phải quay về với gia đình. Biết bao giờ anh mới trở lại chúng em, thăm quê An Lương?

    Tân cảm thấy xúc động bởi những lời chân tình của người con gái đã chia sẻ cực nhọc, hiểm nguy trong suốt những ngày trốn chạy vừa qua với gia đình anh. Chiều nay là buổi cuối cùng, anh còn đi bên cạnh Hoa. Anh qua sông, dì Ba ở lại, cùng với cô gái nuôi trở về với gia đình.  Còn Tân, biết bao giờ anh trở lại quê nhà để thăm những người thân yêu này? 

      Khi dì Ba trở về, trao tiền mới đổi cho mẹ Tân. Dì cám ơn bà chủ nhà, cùng mọi người hối hả đi xuống bến sông. Trên bến lúc ấy đã vắng khách. Gia đình Tân bước xuống đò ngang,dì Ba và cô bé Hoa đứng trên bến trông theo. Chiếc đò được hai người lái chống chèo, lướt nhanh trên sóng nước, hướng về bờ bắc sông Vệ.  




http://quangngaichannel.com/wp-content/uploads/2015/12/letrungdinh-1971.jpg

      




Khi con đò ra giữa sông, Tân nhìn sang bờ trước mặt, phần đất Tự Do mà gia đình anh sắp bước lên. Nơi đó sẽ khởi đầu một cuộc sống mới lạ, ấm no, hạnh phúc mà trong suốt chín năm qua gia đình anh chưa bao giờ  được hưởng. Lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy lá cờ vàng phất phới tung bay trong gió đông. Trên nền vàng tươi mát, nổi bật ba đường kẻ đỏ song song, dịu dàng như những cánh chim đang uyển chuyển bay. Từng đoàn xe nhà binh đang đổ quân, chạy tới chạy lui như mắc cửi tiếng ì ầm vang lên không dứt. 

      Với gia đình Tân, kể từ đây, những ám ảnh của chín năm kháng chiến, của chết chóc, của đói khổ…sẽ không còn nữa! Tân nhìn mẹ khi thấy bà đang thở phào nhẹ nhõm. Nét mặt bà tươi vui, trẻ trung trở lại sau những ngày trốn chạy đầy căng thẳng, lo âu…Các em của Tân cũng chỉ trỏ reo vui khi nhìn quang cảnh tấp nập lạ lẫm trên bờ bên ấy.

      Tân quay nhìn sang bờ phía nam sông Vệ. Trên bến, dì Ba và cô con gái nuôi đang đứng đó trông theo. Nhìn hai người thân yêu cô đơn trên bến sông vào buổi chiều đông xám xịt, vắng ngắt, Tân thấy lòng bâng khuâng…Rồi đây, dì và cô bé Hoa sẽ quay trở lại gia đình, sống tiếp những ngày tháng ê chề buồn tênh. Anh sực nhớ đến câu nói của cô bạn học cũ: biết bao giờ anh trở lại để thăm những người thân yêu này ở chốn quê An Lương? 

      Nhưng cuối cùng, năm mươi sáu năm sau, từ đất Mỹ xa xôi, Tân đã trở về thăm quê cũ vào một ngày mùa đông năm 2010. An Lương bấy giờ đã hoàn toàn thay đổi. Ngôi nhà bên ngoại Tân, nơi mà một buổi chiều tối năm 1954 gia đình anh trốn chạy VM, đã đổi chủ. Những người hàng xóm, lợi dụng chức quyền tại địa phương, đã chiếm giữ làm của riêng. Cây cối trong vườn bị họ triệt hạ để xây cất thêm nhà cho thuê mướn.     

       Ngày nào, Dì Ba cùng với cô gái nuôi tên Hoa đã phụ giúp gia đình TÂn trong suốt quãng đường từ An Lương đến bến đò sông Vệ năm xưa, nay không còn nữa. Người dì thân yêu đã mất năm 1982, trong một tai nạn xảy ra tại nhà ở Sài gòn. Còn Hoa, cô bạn học đã tặng anh cây viết máy Kaolo năm xưa, đã bị chết trên đường từ Quy Nhơn về Phù Mỹ do VC giật mìn xe đò trước năm 1975…  

                                                     *    *    *

Tân cầm tách trà đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời Cali hôm nay đã sang thu, lành lạnh, với sương mù giăng kín không gian. Tân bỗng liên tưởng đến cảnh mưa phùn gió bấc, mờ mịt trên sông Vệ của sáu mươi năm về trước.   Anh như thấy lại hình bóng Mẹ, gầy yếu mảnh khảnh, dắt díu các con nhỏ, cùng với người em gái dẫn đường ra Quảng Ngãi để trốn tránh Việt Minh. Anh như thấy lại hình bóng cô đơn của dì Ba và cô bạn học thuở thiếu thời, đứng trên bờ nhìn theo gia đình anh đang lênh đênh trên chuyến đò ngang  sông Vệ. Kể từ đó, anh đã xa dần quê cũ An Lương, và cuối cùng, mãi mãi xa quê hương đất nước, mãi mãi xa dì Ba và cô bạn học bé nhỏ năm nào. 

      Thời gian vẫn vô tình trôi đi như nước chảy qua cầu. Và hôm nay, nơi xứ sở tỵ nạn, dẫu lòng anh có nặng trĩu những nhớ nhung luyến tiếc, những hoài niệm u buồn… cũng không làm sao trở về những ngày tháng quá khứ ở quê cũ, cho dù chỉ để sống lại giây phút cảm động đầy mến thương của buổi  chiều trên bến sông Vệ năm xưa…

        Tam Bách Đinh Bá Tâm


  







No comments: