__________________________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Mcv
M
MMỗi chiều, Kim thường lái xe đến trường Ðại học Cộng đồng gần nhà để tập thể dục. Thói quen đó bắt đầu từ năm năm qua, từ ngày anh ghi danh vào học tại trường này. Và mặc dù đã thôi học, hàng ngày anh vẫn vào đây để tiếp tục luyện tập thân thể, để tâm trí được thoải mái khi gặp lại các người bạn cũ còn học nơi đây, gặp lại các nam nữ huấn luyện viên đã từng tận tâm hướng dẫn anh.
Khi bước vào phòng tập, tiếng va chạm leng keng quen thuộc của những dụng cụ thể thao, tiếng nhạc rầm rập hoà với tiếng hô nhịp nhàng thanh thoát của cô hướng dẫn viên.., đã khiến Kim cảm thấy tinh thần hưng phấn, máu huyết chảy mạnh trong cơ thể... Anh như bị bầu không khí nhộn nhịp, quen thuộc đó hấp dẫn, lôi cuốn...
Kim lấy tờ báo The Chronicle của trường đặt trên kệ sách. Ngay ở trang đầu, mẩu tin ngắn khiến anh bàng hoàng:
Cô Clara Lewinsky, giáo sư Anh ngữ của trường trong hơn mười năm, đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 9 tháng Bảy vừa qua.
Buổi lễ tưởng niệm cô Lewinsky đã tổ chức vào thứ Năm tại Giảng đường Phân khoa Mỹ thuật. Trong bài phát biểu cảm tưởng, cô Nancy Livingstone, giáo sư kế nhiệm đã phát biểu: “Cô Lewinsky là vị giáo sư kỳ diệu nhất. Càng quen biết cô, tôi càng thấy cô là người bạn tốt thật sự, có thể cùng chia xẻ với chúng tôi nhiều quan điểm chính trị, giáo dục, và khiến chúng tôi cảm thấy phấn khởi trong công việc của mình...
Cạnh bản tin là bức hình cô giáo Lewinsky đang ôm một bó hoa hồng, với đôi mắt to, thật đẹp, và đôi môi mỉm cười thật tươi! Bên dưới có ghi hàng chữ:
Ðây là Clara Lewinsky! Chúng tôi sẽ không bao giờ quên cô.
Kim cầm tờ báo quay trở ra, bước đi như người mộng du, quên cả chào các bạn quen thân trong phòng tập. Người cựu sinh viênlão niên ấy, thời gian đã điểm bạc mái đầu, mà lòng vẫn còn dâng tràn xúc cảm trước cái chết của cô giáo trẻ, cô giáo lớp Ðàm thoại Anh ngữ mà anh đã theo học hơn một năm về trước.
Hồi ấy, Kim ghi danh học lớp Speech 100- Nói Chuyện trước Quần Chúng. Ngày đầu tiên, anh bước vào phòng học thật sớm, đã thấy một cô giáo tóc vàng, khuôn mặt còn trẻ, đang cúi xuống chăm chú đọc tên sinh viên trên hồ sơ. Khi anh bước đến gần để chào, cô ngẩn lên mỉm cười:
- Chào anh. Anh đã ghi danh học lớp này chưa? Tên anh tên là gì nhỉ?
Kim nhìn vào khuôn mặt khả ái của cô giáo, đôi mắt to tròn…bỗng nhiên cảm thấy bối rối, quên cả câu trả lời...
Dưới mái tóc vàng được bới cao, khuôn mặt của cô thật trắng trẻo, xinh đẹp. Trên chiếc mũi nhỏ, cao, thẳng tắp là đôi mắt tròn, to, xanh biếc như màu khung trời Bắc Âu, quê hương đầu tiên của nàng. Ðôi mắt màu lam phi yến của cô giáo trẻ ấy đã thu hút tâm hồn vốn nhạy cảm của chàng sinh viên ngoại quốc cao niên, vừa mới đến Mỹ vài năm. Chàng phải tập nói một ngôn ngữ mới, tập thích ứng một văn hóa mới, vốn có nhiều khác biệt văn hóa quê hương mẹ đẻ của mình. Và cô giáo trẻ đã thông cảm những khó khăn ấy, như mẹ cô đã gặp phải khi di cư sang đất Mỹ ba mươi năm trước đây.
Bố mẹ cô sinh ra và lớn lên ở Nga. Nhưng cũng như những người trí thức đã chống lại đường lối cai trị độc đoán của chủ nghĩa Bolchevitch, bố của cô đã bị lưu dày đi Tây Bá Lợi Á, và đã bỏ mạng tại đó. Mẹ cô đã được một người bà con cư ngụ tại Hoa Kỳ hướng dẫn, tìm đường vượt biên sang Mỹ lúc cô còn bé.
Cô gái gốc người Nga lớn lên tại một xứ sở tự do, hấp thụ nếp sống thật mới mẻ, thật văn minh tiến bộ... nhưng cô vẫn mang trong lòng những hoài niệm về người cha đã hy sinh cho lý tưởng tự do tại quê hương cũ. Cho nên, sau giờ học, cô giáo thường hỏi han trò chuyện với Kim về quá khứ của chàng, hỏi thăm về cuộc chiến tại đó gần ba mươi năm trước, về trại tập trung “cải tạo” mà cô nghĩ rằng nó cũng không khác nơi bố cô đã bỏ mạng tại quê nhà của cô năm xưa. Ðối với cô, những kỷ niệm trong quá khứ như một áng mây mờ, bí ẩn, nhưng đầy yêu thương và hấp dẫn. Và cô muốn khám phá , tìm hiểu...như muốn nối lại mối cảm thông với quá khứ đau thương của bố mẹ ngày xưa.
Ðối với Kim, người sinh viên cao niên mới định cư tại đất Mỹ này, trong những ngày đầu trở lại môi trường học đường, trở lại với thế giới sách vở thơm tho, với tiếng cười nói hồn nhiên của tuổi học trò... anh bỗng thấy lạ lẫm! Các bạn học chung quanh còn rất trẻ, đều có màu da, màu tóc khác anh. Anh chỉ ngồi im lặng, chăm chú nghe giọng nói thanh tao của cô giáo, muốn nhìn lối trang phục kín đáo trang nhã, nhưng cũng thật đẹp và sang của cô gái có dòng máu Nga La Tư ấy.
Cô giáo dạy về nghệ thuật “nói chuyện trước quần chúng” còn diễn tả những động tác của đôi tay, của dáng điệu...để hấp dẫn người nghe; và cả ánh mắt, nụ cười... để qua đó, truyền đạt những cảm xúc cần thiết để khán thính giả cảm thông được với diễn giả. Cho nên, đối với Kim, những buổi nghe cô thuyết giảng đã khiến anh thích thú say mê. Anh có cảm tưởng như xem một vở kịch độc thoại một màn, một cảnh... với một diễn viên trình bày thật linh hoạt, thật xuất sắc; và những lúc đó, đối với Kim, thời gian như ngừng lại.
Anh ngồi bất động trên chiếc sinh viên, im lặng lắng nghe, quên cả ghi chép, quên cả phát biểu ý kiến. Thỉnh thoảng, cô giáo trẻ nhìn về phía anh, như mỉm cười cảm thông, như khích lệ người sinh viên cao niên, lần đầu tiên đến tham dự một lớp học ngoại quốc. Những khi ấy, đôi mắt cô như tươi cười, màu lam phi yến trong lòng mắt ánh lên một vẻ huyền bí hấp dẫn. Khi lớp học sắp mãn, cô giáo yêu cầu các sinh viên chuẩn bị chọn một đề tài cho bài thi cuối khóa sắp tới. Kim như bừng tỉnh, thu dọn sách vở, quyến luyến chào cô giáo trước khi ra về. Cô ân cần hỏi anh:
- Kim, anh có hiểu rõ những điều tôi giảng hôm nay không?
- Tôi hiểu rõ lắm, cô Lewinsky.Cám ơn cô.
Cô giáo sư trẻ cười nhẹ, khuyến khích Kim:
- Không sao đâu! Tôi thấy anh thông minh và chăm chỉ học hành lắm...Thế anh đã định chọn đề tài gì cho buổi thi cuối khóa chưa? Ví dụ như: Cuộc chiến Việt nam, Trại “Cải Tạo tại” Việt Nam...
Kim đăm chiêu suy nghĩ, đoạn trả lời:
- Tôi chưa quyết định ngay bây giờ. Có lẽ tôi sẽ chọn một đề tài có tính cách thời sự tại Hoa kỳ này. Tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để không làm cô thất vọng.
Khi cô giáo và Kim rời lớp học, trời bên ngoài vẫn còn mưa, kèm theo những cơn gió lạnh. Anh nhìn cô giáo, và thấy cô chẳng mang theo dù hoặc áo mưa chi cả. Cô bước ra ngoài, co ro vì lạnh. Cô che miệng húng hắng ho, khuôn mặt tái nhợt. Kim nhìn cô giáo ái ngại, và lên tiếng đề nghị:
- Cô đứng đây nhé. Tôi sẽ đi nhanh ra xe lấy dù và áo che mưa cho cô. Cô bị lạnh phải không?
Cô giáo trẻ nhẹ gật đầu xác nhận, đoạn cô nhìn người sinh viên tốt bụng:
- Ồ! Không sao, tôi không muốn làm phiền anh đâu. Tôi sẽ chờ hết mưa để về nhà thôi!
Kim vờ như không nghe thấy những lời từ chối lịch sự ấy, bước vội ra bãi đậu xe. Anh biết cô giáo bị bệnh từ lâu, và vẫn cố gắng đến trường giảng dạy đều đặn. Tin đồn cô bị ung thư phổi mãn tính đã có từ lâu, và sự cố gắng khắc phục đau đớn, tuyệt vọng của cô đã khiến sinh viên lẫn giáo sư đồng nghiệp càng thêm kính phục, thương mến cô.
Khi Kim trở lại, cô giáo vẫn còn đứng đó, hai tay ôm đôi vai, co ro chống chọi với cơn gió lạnh. Anh trao cả áo mưa và dù cho cô, nhưng cô chỉ nhận chiếc dù, kèm theo lời cám ơn và trả lại chiếc áo mưa cho người sinh viên cao niên cũng đang run rẩy vì lạnh. Hai người đi song song ra bãi đậu xe.
Bỗng nhiên Kim chợt nhớ lại hai câu đối chữ Hán thời xưa ở Việt Nam :
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân
( Tạm dịch: Mưa không có then cài mà giữ được khách).
Sắc đẹp không là làn sóng, mà dễ nhận chìm người)
Anh nhìn cô giáo đang im lặng đi bên cạnh, tóc vàng bay bay trong gió như những sợi tơ óng vàng, đôi mắt màu lam đăm chiêu nhìn bầu trời ẩm đục giăng giăng mưa nhẹ. Cô giáo trẻ gốc người Nga này đã mang trong người giòng máu can trường của người người bố, bản tính cần mẫn, chịu đựng của người mẹ. Cho nên, mặc mưa gió, mặc cơn bệnh trầm kha kéo dài đã bao năm tháng, cô vẫn vui vẻ vượt qua, cố nén trong lòng nỗi bất hạnh của đời mình. Có bao giờ cô nghĩ đến ngày phải lùi bước trước cơn bệnh hiểm nguy, để rồi xuôi tay nhắm mắt không? Có bao giờ cô nghĩ rằng ngày đó, sẽ có nhiều người đến nhỏ những giọt lệ tiếc thương trên quan tài của cô không? Nhất là những người đã từng ái mộ hương sắc của cô, những người đã từng chìm đắm trong ánh mắt đẹp của cô...
Tiếng cô giáo gọi to phía sau khiến Kim sực tỉnh:
- Kim, quay lại đây, xe tôi đậu nơi đây mà! Tôi còn phải trả lại chiếc dù cho anh nữa chứ!
Cô nhìn anh, cười hóm hỉnh, khuôn mặt đã ửng hồng trở lại:
-Anh nghĩ gì mà quên mọi người chung quanh thế? Nghĩ đến đề tài thi cuối khóa chăng?.Cám ơn anh đã giúp đỡ tôi hôm nay. Hẹn gặp anh trong buổi học tuần sau. Nhớ chuẩn bị chu đáo bài thuyết trình cuối khóa nhé!
*****
Ðể khỏi phụ lòng tin cậy của cô giáo trẻ, Kim đã chuẩn bị bài thuyết trình thật kỹ lưỡng. Anh đánh máy sẵn bài nói chuyện, đứng trước tấm gương lớn để tập những điệu bộ, những thao tác cần thiết của một diễn giả trước đám đông...Kèm theo đó, anh viết một dàn bài tóm lược trên tấm bìa cứng, thật lớn, kèm theo đó những hình ảnh dẫn chứng thật sống động...
Khi cô giáo gọi tên, Kim mỉm cười bước lên bảng đen viết tên chủ đề bài thuyết trình của mình: Vì Sao Phải Bắt Tay Kẻ Cựu Thù? .Cạnh đó, anh treo bảng dàn bài tóm lược bài thuyết trình. Ðoạn, anh đứng trước bục thuyết trình, im lặng đưa mắt nhìn toàn thể lớp học, giới thiệu tên họ.. và bắt đầu cuộc nói chuyện.
Trước hết người sinh viên cao niên mô tả về cuộc chiến tranh Việt nam ba mươi năm trước đây. Là một nhân chứng lịch sử của đất nước anh, và từng là một quân nhân đã chiến đấu cạnh những quân nhân Hoa Kỳ tại Việt nam, Kim muốn trình bày cho thế hệ trẻ ở xứ sở tự do này một trang sử đau buồn của những người Mỹ đã từng tham chiến, từng rút lui khỏi chiến trường Việt nam, với năm mươi tám ngàn đồng đội của họ đã ngã xuống nơi đó.
Khi Kim đưa tay kéo tấm giấy che phủ bảng tóm lược bằng bìa cứng xuống, để lộ những hình ảnh sinh động, hấp dẫn, cả lớp im lặng theo dõi...Dưới bức họa đồ nước Việt nam chia đôi bởi vỹ tuyến 17, là những đoàn xe Molotova đang di chuyển qua núi rừng từ Bắc vào Nam; những chiếc trực thăng đang chở thương binh tử sỹ Mỹ nhuộm đầy máu me; những cảnh nhốn nháo bỏ chạy ở Tòa Ðại Sứ Mỹ trong ngày Sài gòn thất thủ năm xưa.
Tiếp theo, hình ảnh những người tù “cải tạo”, gầy ốm bệnh hoạn, đang kéo chiếc xe chở đầy đá đi trên một sườn đồi trong trại tập trung tại Miền Bắc Việt nam.
Anh nhắc lại lời của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon phát biểu năm 1972, được Bernard Brodie ghi lại trong quyển “Việt Nam: Vì Sao Chúng ta Thất Trận”:
“Ðường lối đó đã bỏ rơi bạn hữu chúng ta. Chúng ta đã đánh mất niềm kính trọng của những bạn đồng minh đối với đất nước Hoa kỳ này .”
Người sinh viên cao niên của một lớp học tại Mỹ, thật đau lòng khi nhắc lại những thảm cảnh của cuộc chiến ở Việt nam năm xưa, những nghịch lý của lịch sử và chính trị. Anh đưa mắt nhìn các sinh viên trẻ trong lớp học và tự hỏi: họ đã biết gì về một cuộc chiến xảy ra khi họ chưa chào đời, hay chỉ biết qua sách vở, qua những tuyên truyền sai lạc?
Anh đưa mắt nhìn cuối lớp học, nơi đó cô giáo Lewinsky đang ngồi lẫn với các sinh viên trẻ, đang đưa mắt nhìn anh, khuyến khích anh bằng một nụ cười thân ái và cảm thông. Tay trái cô giáo đang cầm một chiếc máy quay phim, tay phải cô ghi chép những nhận xét và phê điểm phần trình bày bài nói chuyện của anh.
Khi Kim chấm dứt bài thuyết trình, cả lớp rào rào vỗ tay. Anh ngỏ lời cám ơn những bạn trẻ đã tán thưởng sự trình bày của một sinh viên nước ngoài về một cuộc chiến xa lạ đối với thế hệ của họ. Anh cũng mời họ đóng góp ý kiến, phê bình... Một sinh viên da trắng tóc nâu, dáng người cao lớn, đứng lên tươi cười hỏi Kim:
- Vì sao anh trình bày bài nói chuyện thật sống động và hào hứng với vẻ mặt nghiêm trọng, thiếu cả một nụ cười như vậy?
Kim nhìn người bạn học trẻ từ tốn giải thích:
- Cám ơn bạn đã đưa ra một nhận xét thật đúng. Tôi cũng biết rằng: trong nghệ thuật nói chuyện, nụ cười có thể hấp dẫn người nghe, tạo sự thành công cho diễn giả. Tuy nhiên, thưa anh bạn trẻ, có khi nào anh mỉm cười khi nhắc lại những hình ảnh đau buồn của quá khứ, mà nơi đó, hàng triệu đồng bào đã bỏ mạng; nơi đó gần sáu mươi ngàn chiến hữu đồng minh, đã rời xa quê hương Kim bình để đến chiến đấu tại một đất nước xa lạ, và phải bỏ mình nơi đó vì hai chữ Tự Do? Nếu bạn hiểu được điều đó, bạn sẽ hiểu vì sao tôi đã không thể mỉm cười trong suốt bài nói chuyện này.
Khi lớp học đã mãn, các sinh viên cùng cô giáo chụp một tấm hình để làm kỷ niệm. Ðó là tấm hình duy nhất mà Kim có được, trong đó bóng dáng xinh đẹp của cô giáo trẻ với đôi mắt màu lam và mái tóc tóc hoe vàng, nổi bật giữa những mái tóc đen, nâu và những khuôn mặt với màu da, màu mắt khác nhau. Kim bước đến cám ơn và chào từ biệt cô giáo. Cô nhìn anh với đôi mắt âm u, mỉm một nụ cười buồn và nói:
- Kim, anh rất tiến bộ trong môn Ðàm thoại Anh ngữ. Anh nên tiếp tục học thêm nữa...Năm tới tôi sẽ chuyển sang dạy ở trường khác, và chỉ dạy bán thời gian thôi. Cũng có thể tôi sẽ nghỉ hẳn vì dạo này sức khỏe của tôi yếu quá…
Kim ái ngại nhìn cô giáo. Dạo này trông cô gầy và xanh hơn trước. Anh thấy trong đôi mắt màu lam u buồn của cô, ánh lên một vẻ đẹp não nùng. Anh đã từng nghe nói về đôi mắt sáng kỳ lạ của những người mắc bệnh lao đến thời kỳ trầm trọng. Anh đã không ngờ rằng đó là lần cuối cùng, anh nói chuyện với cô giáo trẻ, người mà anh đã có thiện cảm từ buổi học đầu tiên.
Cô giáo cúi xuống cầm lấy máy quay phim, tránh cái nhìn ái ngại của người sinh viên. Ðoạn cô đưa anh một mảnh giấy và nói tiếp:
- Đây là số điện thoại và địa chỉ nhà của tôi. Tôi sẽ gửi anh đoạn phim thuyết trình của anh hôm nay và cả những tấm hình chụp trong lớp nữa. Tạm biệt anh nhé. Hy vọng sẽ gặp nhau...
Nhưng kể từ ngày đó, Kim không còn gặp lại cô giáo trẻ có đôi mắt màu lam ấy nữa. Một tháng sau, anh nhận được cuộn băng video và những tấm hình cô giáo chụp chung với sinh viên lớp Speech 100, như cô đã hứa. Kèm theo đó là một đoạn thư ngắn, đại ý : cô đã vào điều trị ở một bệnh viện…, nhưng cô không cho biết tên bệnh viên ấy. Kim cầm lá thư buồn rầu suy nghĩ: Cô Lewinsky không muốn làm phiền anh phải mất thì giờ đi đến bệnh viện thăm cô; hay chỉ muốn lưu lại trong lòng người sinh viên cao niên đã ái mộ cô, một hình ảnh trẻ đẹp mãi mãi về sau?
****
Bóng chiều đã đổ xuống từ lâu. Trên băng đá trong khuôn viên trường đại học Cypress vẫn còn một cựu sinh viên lão niên đang ngồi trầm ngâm, im lặng, quên cả sương chiều thấm lạnh đôi vai. Hình ảnh ấy nhắc nhớ lại cảnh cuối cùng trong phim Forest Gum do Tom Hank đóng vai chính. Người cựu chiến binh của chiến trường Việt nam năm xưa, một buổi chiều ngồi trên băng đá trong công viên ở thành phố Nữu ước, u buồn kể lại cuộc đời mình. Anh đã từng được huy chương anh dũng, đã từng giàu có, vinh quang. Nhưng cuối cùng, lúc anh trở về quê cũ, người vợ yêu quý đã chết vì bệnh ung thư.
Sau khi khách khách bộ hành trong công viên nghe xong câu chuyện buồn của anh, đọan bỏ đi, anh ngồi lại một mình, cô đơn, buồn bã, mơ màng nhìn theo chiếc lông chim màu trắng, chập chờn bay bay trong gió chiều. Chiếc lông chim trắng mong manh đang bay kia, có giống hình ảnh cuộc đời trôi nổi, phù du của anh chăng?
Tiếng chuông điểm giờ đều đều vang vọng trong khu đại học vắng lặng. Tiếng chuông ấy nhắc Kim nhớ lại những buổi tan học của lớp Speech 100 năm xưa, và lần chia tay cuối cùng với cô giáo trẻ Lewinsky sau buổi thi cuối khóa. Giờ đây, tiếng chuông ấy giống như hồi chuông báo tử trong truyện Chuông Gọi Hồn Ai? của đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway. Kim nhìn lên bầu trời đang nhuộm bóng hoàng hôn xanh thẳm. Anh chợt như thấy lại đôi mắt màu lam phi yến của cô giáo trẻ năm xưa. Và hôm nay, cô giáo xinh đẹp dễ mến và tận tụy Lewinsky không còn trên cõi đời này nữa…
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment