Tuesday, July 26, 2022

ĐÊM GIÃ BIỆT

C:\Users\Tam Dinh\Pictures\Ành sunset-in-Huntingtion-Beach-California.jpg

     

__________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM



Tôi đến vừa đúng lúc chiếc máy bay của hãng Jet Blue hạ cánh xuống phi trường Long Beach, miền Nam California. Chẳng chờ đợi lâu đã thấy Dũng xuất hiện ở cổng số 2, hấp tấp bước ra, đôi giày thể thao như lướt trên mặt đất.  Dáng dấp phong trần, mái tóc dài lốm đốm bạc, cặp kính cận loang loáng … khiến anh có vẻ vừa trí thức vừa nghệ sĩ. Anh nở nụ cười tươi, cởi mở và thân mật chào tôi:

-Hello! Bạn tới lâu chưa? 

-Không lâu lắm. Tôi đến sớm, nhưng chờ cổng bên kia. Chờ mãi, sực nhớ bạn đi bằng máy bay Jet Blue nên chạy sang đây…

Chúng tôi đến chỗ nhận hành lý và cùng  đi bộ sang parking bên kia đường lấy xe…

                                                       *  *  *

Dũng là bạn đồng song với tôi, cùng một khoá học ở trường Hành chánh Sài gòn hơn bốn mươi năm về trước. Hồi ấy chúng tôi không thân nhau lắm bởi sở thích, môi trường sinh hoạt , lãnh vực giải trí… khác nhau. Anh ta trạc tuổi tôi, nhưng với những nốt mụn “dậy thì” điểm xuyết trên khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười luôn nở trên môi… khiến anh có vẻ trẻ hơn tuổi nhiều! Trong suốt ba năm học lý thuyết ở trường, kỷ niệm còn lưu lại trong ký ức tôi là hình ảnh một cậu sinh viên  trẻ và gầy, ngồi ghếch trên chiếc velo solex đen, một chân chống đất, mỉm cười theo dõi những câu chuyện tiếu lâm của nhóm bạn “ăn tục nói phét” chúng tôi ! Anh không phải là “thường trú nhân” của Ký túc xá như chúng tôi, nhưng tôi nhớ mãi hình ảnh của anh bởi dáng vẻ khoan hòa, lặng yên đáng mến ấy. Rồi chúng tôi chia tay nhau đi tập sự. Tốt nghiệp xong, chúng tôi đi phục vụ ở những nhiệm sở, những địa phương khác nhau ở khắp bốn vùng chiến thuật…

Trải qua bao tang thương biến đổi của cuộc chiến, của thất trận, của tù ngục, của bỏ nước ra đi…chúng tôi tan đàn lạc nghé! Mãi đến gần đây mới liên lạc được nhau và cùng hẹn nhau tham dự một cuộc trùng phùng tại Virginia của những anh em cùng  khoá, hiện cư ngụ trên đất Mỹ, Canada...  Chúng tôi liên lạc bằng điện thư để đóng góp bài vở cho quyển Đặc san Hội ngộ, để tìm chỗ tạm trú ấm áp thân tình trong mấy ngày họp mặt ngắn ngủi. Trong mớ điện thư qua lại như bươm bướm, tôi bỗng thấy những giòng chữ ngắn ngủi, với lời mời thân thiết của Dũng: “Mời bạn sang ở tệ xá của tôi . Có bốn bạn nữa, nhưng bạn ưu tiên được dành sẵn một phòng ấm áp, yên tĩnh để …làm thơ!” 

Tôi vừa cảm động vừa ngạc nhiên, vì ngoài hai truyện ngắn, tôi chỉ gửi vỏn vẹn một bài thơ để đăng trong Đặc san Hội ngộ của khoá học. Anh đón tôi ở phi trường Dulles, đưa về nhà. Anh ở một mình trong căn nhà với hai phòng ngủ với một basement.  Nhìn quang cảnh trong ngôi nhà, khách đến thăm biết ngay gia chủ là một kẻ “độc thân tại chỗ”, đã bỏ nhiều công sức sau giờ làm việc để lau chùi dọn dẹp căn nhà thiếu bàn tay đàn bà! Chúng tôi hàn huyên tâm sự như những chàng sinh viên độc thân thuở còn đi học.

Tối hôm ấy, khoảng năm mươi bạn cùng khóa, các đồng môn khác, vài vị giáo sư trường Hành chánh trước năm 1975 - kể cả ông Viện trưởng cuối cùng của trường - và các thân hữu… tụ họp tại nhà anh “trưởng tràng” tham dự buổi Họp mặt kỷ niệm 40 năm của khoá học. Trong phần văn nghệ, xem lẫn những màn ca múa, có mục kể chuyện khôi hài của Dũng. Với giọng hài hước, anh mô tả lại những đặc điểm của các nam nữ sinh viên trong khoá, đã có những kỷ niệm vui buồn với với anh…Màn chọc cười của anh rất ý nhị, hấp dẫn, lôi cuốn toàn thể cử tọa, nhất là các bạn đồng môn nữ. Đêm đã khuya, nhưng không khí vui nhộn vẫn tiếp tục khiến mọi người còn muốn ngồi nán lại, mãi cho đến khi anh trưởng tràng nhắc nhở buổi dã ngoại ngày mai sẽ bắt đầu sớm, mọi người mới luyến tiếc rời phòng họp ra về ….

Hôm sau, anh trưởng ban tổ chức - một “thổ công” tại địa phương - đưa anh em đi viếng thăm hang động Luray Caverns vùng Virginia.  Hang động được khám phá năm 1878, và từ đó đến nay, đã thu hút hàng triệu du khách đến thăm thắng cảnh nổi danh vùng đông bắc nước Mỹ này.

Trong khung cảnh kỳ bí, với những chùm thạch nhũ từ trần thòng xuống, nhiều màu sắc đẹp đẽ lạ lùng, đoàn chúng tôi say sưa nghe cô hướng dẫn viên da tắng tóc vàng trẻ tuổi xinh xắn thao thao thuyết trình về những công trình tuyệt mỹ của thiên nhiên. Chung quanh chúng tôi, tiếng tí tách của những giọt nước từ trên vách nhỏ xuống, tiếng nhạc vang lên trong chốn tĩnh mịch âm u của hang động sâu trong lòng đất, phát xuất từ chiếc đàn organ thật lớn (the Great Stalacpipe Organ), một dụng cụ âm nhạc vĩ đại nhất hoàn vũ. C:\Users\Tam Dinh\Pictures\Ảnh Hang Lurayở Virginia.jpg

Sau gần một tiếng đồng hồ đi theo cô hướng dẫn viên, chui sâu trong lòng động, thưởng ngoạn những cảnh đẹp lạ lùng, màu sắc huyền ảo, chúng tôi dừng lại ở một khoảng trống để nghỉ chân. Mọi người đều tíu tít hay mê chụp hình để kỷ niệm chuyến du ngoạn với bạn thân, với gia đình…Bỗng nhiên, tôi thấy trong vùng ánh sáng mờ ảo, cạnh “Chiếc đàn Organ vĩ đại”, anh bạn “hào hoa cô đơn” của chúng tôi xuất hiện bên cô hướng dẫn viên du lịch tóc vàng đang cười nói, trông như đã quen biết nhau tự thuở nào! Trông họ bẽn lẽn như đôi thanh niên trẻ tuổi, đứng bên nhau với tư thế “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa…” ( Trích Thơ : Nhà Anh Nhà Em của Nguyễn Bính). Các bạn cười vỗ tay tán thưởng, đưa máy lên thu vào ống kính cảnh tượng bất ngờ và thơ mộng đó… Họ muốn ghi lại hình ảnh một người bạn đồng song hào hoa phong nhã, biết gây cảm tình với nữ giới, trong bất cứ hoàn cảnh nào, với bất kỳ người đẹp nào anh thích. Nhưng rồi sau đó, anh không hề nhắc lại câu chuyện “Bích Câu kỳ ngộ” xảy ra trong thoáng chốc với cô gái Mỹ   - gần giống cuộc gặp gỡ lạ lùng kỳ bí  của Trần Tú Uyên với nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu xứ ta ngày xưa.

Rồi buổi hội ngộ các bạn đồng khoá cũng chấm dứt, mọi người giã từ nhau để trở về địa phương mình, gia đình mình, để lại nỗi cô đơn trống vắng cho Dũng, người bạn độc thân của chúng tôi ! Hôm sau, anh bịn rịn đưa tôi ra phi trường để về Cali, hẹn một ngày rất gần sẽ sang vùng Little Saigon để thăm tôi. 

                                                                   *  *  *

Một buổi trưa, trời nắng thật đẹp. Ngồi trong văn phòng mát lạnh, nhìn vạt nắng trong veo như thủy tinh chan hoà khắp không gian bên ngoài, tôi liên tưởng đến những trưa hè bốc lửa ở Sài gòn năm xưa, đến những ngày tháng hạ  ở trại  “cải tạo” Thanh Cẩm miền Bắc, phải  leo núi khuân đá xuống xây nhà tù! Ôi, những tháng năm kinh hoàng vẫn ám ảnh tôi trong những giấc mộng dài, mặc dù tôi đã chạy trốn cơn ác mộng, bỏ nước ra đi đến xứ sở Tự do này gần hai mươi năm qua!  

Trưa hôm nay các bạn đồng nghiệp lần lượt đi ăn trưa. Tôi ngồi trực  văn phòng, chuẩn bị dùng cơm trưa tại chỗ. Có tiếng điện thoại réo, tôi nhấc máy, trả lời theo thói quen: “VNCOC, May I help you?…” Có tiếng cười quen thuộc ở đầu dây bên kia: “Alô! Dũng đây bạn hiền  ơi… Đừng có “xổ” tiếng Mỹ nữa!   Chiều nay tôi sẽ đến văn phòng làm việc của ông. Cho tôi biết địa chỉ để tôi lái xe đến đó nhé !” Văn phòng làm việc của tôi làm nơi làm vic của một Hội Bất vụ lợi (Non-profit Organization) tại Orange County, trong đó có nhiều chương trình và mỗi chương trình có một manager. Người manager trẻ nhất, cô Thu cũng đã đến tuổi “tứ thập ” nhưng vẫn chưa lập gia đình. Khi nàng đi ăn trưa xong, trở lại văn phòng cùng các cô bạn đồng nghiệp, liền hỏi tôi :


-Có ai phone cho cháu không, thưa chú?

Tôi vừa trả lời vừa thầm nghĩ về tính tình cẩn trọng của cô manager trẻ tuổi này:

- Không ai phone cho cô Thu cả, cô cứ yên tâm!  “Ai” mà tôi vừa trả lời cho nàng chính là bà “boss” ở Main Office. Bà Tổng giám đốc với bản tính khá kỹ lưỡng về giờ giấc làm việc của nhân viên, vẫn thường gọi điện thoại để kiểm soát xem các manager có rời văn phòng về sớm, hoặc lấy cớ đi ăn trưa  bỏ văn phòng đi chơi không?!  

Khi cô manager bước vào phòng làm việc, tôi thoáng thấy một bóng người  đứng ngoài hành lang nhìn vào văn phòng . Thì ra Dũng đã đúng hẹn, đến thăm tôi. Anh  mỉm cười, đẩy cửa bước vô, mắt bừng sáng sau cặp kính trắng, hạ giọng như thì thầm:

-Ai vừa nói chuyện với ông trông xinh thế? Giới thiệu với tôi đi! -Cô Thu, manager của tôi đó ông ơi! Vào đây phải nghiêm chỉnh nhé! Đừng có “mắt trước mắt sau” nhìn ngó người ta, đòi làm quen quá nhanh như vậy! Với giọng nói nửa đùa nửa thật, tôi cảnh cáo người bạn “đào hoa” xong, bỗng có một ý tưởng mới thoáng hiện trong đầu: -  Để rồi từ từ tôi giới thiệu cho hai người làm quen. OK? Dũng đổi đề tài câu chuyện:

-Tôi nghe nói nơi đây có chương trình “Cố vấn cho giới tiểu thương” phải không? Ông giới thiệu tôi với người phụ trách chương trình này đi. Sang năm tôi sẽ về hưu đấy nhé! Phải tìm cách mở một business để an hưởng tuổi già chứ, ông nhỉ?

-Ông đã gặp “đúng người đúng việc” rồi đó! Chính người đẹp ông vừa trông thấy là manager của chương trình ông cần tham khảo ! Tôi giới thiệu Dũng, người khách cần tham vấn về hoạt động tiểu thương với cô Thu, manager của chương trình. Mãi lo công việc của mình, tôi không để ý cuộc tham vấn đó kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó Dũng từ phòng manager bước ra, mặt tươi như hoa: -Thế là xong! Cô manager của ông chỉ dẫn tận tình lắm…. Có thể sang năm tôi di chuyển sang vùng này để sinh sống và tiếp tục nhờ cô chỉ dẫn thêm nhiều chuyện nữa… Bây giờ tôi phải ra phi trường để bay sang Arizona làm việc với toán kỹ sư đang chờ bên đó. Cám ơn ông nhiều lắm, bạn hiền!

Thế rồi một tuần sau, người bạn hào hoa của tôi lại đến văn phòng, lần này không phải với lý do “thăm bạn hiền”, mà chỉ cần “tham khảo thêm” với cô manager chương trình “cố vấn tiểu thương”! Không hiểu anh có thu thập được gì về những kinh nghiệm điều hành một cơ sở tiểu thương từ cô manager ấy… nhưng sau buổi “cố vấn”, tôi thấy cô Thu cứ hỏi thăm tôi về “người bạn trẻ của chú”:

-Chú Dũng cùng học một lớp với chú ở Việt nam à? Sao trông chú ấy còn trẻ thế !Chú ấy xem chỉ tay bói vận mệnh cũng hay lắm đó, chú biết không?

Dĩ nhiên tôi biết người bạn “lắm tài, đa tình” này từ lâu rối. Nhưng điều tôi ngạc nhiên là chỉ sau hai lần gặp cô manager để học hỏi về kinh nghiệm mở một cơ sở làm ăn,  người học trò tên Dũng trở thành ông thầy tướng số, xem chỉ tay cô manager để giải đáp về “tình duyên gia đạo,  tương lai sự nghiệp ”  cho cô gái độc thân này! Có lần Dũng tâm sự cho tôi biết anh đã học hỏi, nghiên cứu môn xem chỉ tay, một nghệ thuật rất khoa học, chính xác…Theo anh, môn này đã xuất hiện từ Ấn Độ từ thời thượng cổ. Về sau những bậc thức giả như Platon,  Aristote đã hiến cho vua Alexandre một quyển sách nói về “bí mật bàn tay”, khắc vào bảng vàng bằng chữ Ả rập. Vua bèn cho dịch ra chữ La tinh quyển sách coi chỉ tay nhan đề là " “Khoa Học Kỳ Bí". Từ đó môn này phát triển cho đến ngày nay.

  

   



                                                   *  *  *



Cuối năm  tôi lấy phép thường niên, đi Seattle sum họp với con cháu trong những ngày cuối năm. Ở xứ sở của tuyết rơi, của thông reo vi vu, của mưa rơi tí tách, tôi thật nhớ vùng nắng ráo Cali, nhớ văn phòng làm việc ấm áp tình đồng nghiệp, nhớ ánh mắt nồng nàn, miệng cười tươi tắn của cô manager trẻ tuổi! Cho nên tôi vẫn thường liên lạc điện thư với các bạn trong văn phòng kể cả cô Thu. Đêm Giáng sinh tại Seattle thật lạnh, nhưng cũng thật đẹp như hình ảnh trên những tấm thiệp, với tuyết bay giăng giăng khắp bầu trời âm u lạnh lẽo, và bên trong căn nhà ấm áp với lò sưởi, với cây thông phủ đầy quà do ông già Noel mặc áo choàng đỏ, râu dài bạc trắng…mang đến! Trong căn nhà ấm áp của con gái ở Seattle, các con cháu vây quanh tôi thật vui vẻ. Chúng nói câu “Chúc mừng Giáng sinh” bằng tiếng Việt rành rẽ với ông bà ngoại mà mỗi năm chúng chỉ gặp mặt vài ba lần.

Sau lễ Giáng sinh, tôi nhận được một điện thư của cô Thu từ văn  phòng làm việc chúng tôi ở Nam Cali. Trong thư  chứa đựng những lời tâm sự  của cô gái độc thân với niềm vui chợt đến làm ấm lòng trong đêm Giáng sinh: “… Mùa Giáng sinh năm nay đến với cháu thật vui, thưa chú! Chú Dũng bay từ Virginia đến đây từ trước Chrismas, ghé văn phòng mời cháu đi “ăn Réveillon” vào đêm 24 ở một nhà hàng trên bờ biển Huntington Beach.  Sao chú Dũng không báo trước với chú để tham dự cho vui nhỉ? Tụi cháu đi dọc theo bờ biển xem người ta nhóm những đống lửa cháy bập bùng,   ngồi chung quanh ca hát với nhau. Vui và ấm cúng lắm. Sau đó chúng cháu đến một nhà hàng nhỏ uống cà phê, ăn bánh Noel… thưởng thức Christmas Eve dưới ánh candle light… Oh! It’s so romantic!...Khi nào chú trở về, cháu tâm sự với chú nhiều hơn…Cháu, Thu”


Hết phép, tôi trở về làm việc. Nhìn sắc diện cô manager tôi thấy không còn dấu vết vui tươi như cô mô tả về “đêm  Chrismas Eve” vừa qua với chú Dũng. Một hôm, cô thấy tôi đang trực văn phòng, bèn hối hả đi ăn trưa bên ngoài rồi trở lại sớm hơn mọi ngày. Cô ghé lại ngồi trước bàn tôi, hỏi thăm về những ngày nghỉ phép với con cháu trên Seattle, nhưng không hề nhắc đến “đêm Giáng sinh vui vẻ” với chú Dũng ở Huntington Beach vừa qua. Bỗng Thu hỏi tôi, sau một thoáng ngập ngừng:

- Chắc chú có nhiều kinh nghiệm về hôn nhân, gia đình phải không ạ? Cháu muốn hỏi chú việc kết hôn với người khác chủng tộc có đem lại hạnh phúc cho hai vợ chồng không?

Tôi cảm thấy lúng túng, như trước một câu hỏi hóc búa của giám khảo trong kỳ thi vấn đáp Tú tài hơn năm mươi năm về trước. Thế nào là hạnh phúc? Cô gái này muốn xây dựng hạnh phúc với một người “khác chủng tộc” nào đây? Tôi liền trả lời nước đôi trước khi tìm hiểu thêm về dụng ý của câu hỏi:

-Theo tôi được biết, kết hôn với người khác chủng tộc cũng đem lại hạnh phúc, tuy nhiên trường hợp đổ vỡ cũng khá nhiều. Tôi có người bạn học ban Tú tài năm 1962, anh ta đi du học ở Canada, sau đó dạy Đại học tại đó. Anh lấy cô vợ da trắng tóc vàng, làm họa sĩ, nhiếp ảnh. Họ sống rất hạnh phúc với nhau khoảng mười năm, có với nhau hai người con…cho đến ngày anh mất vì bệnh ung thư, trong vòng tay êm ấm của gia đình. Một người bạn khác,  đi du học tại Tây Đức trước năm 1970 và lấy cô bạn sinh viên nguyên gốc Đông Đức. Họ có một con gái, có nghề nghiệp vững vàng. Sau vài năm chung sống - và trước khi nước Đức thống nhất - gia đình họ tan rã theo kiểu “Anh đi đường anh tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” (Thơ: Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ)!….

Tôi ngừng lại, ngẩng lên nhìn  Thu dò hỏi:

-Nhưng sao cô hỏi tôi câu này, cô Thu? Chắc cô muốn biết ý kiến của tôi  để áp dụng vào cuộc sống tương lai của cô chăng?

Cô gái cúi xuống, ánh mắt đăm chiêu  tư lự, rồi ngẩng lên tâm sự:

-Thú thật với chú, cháu sắp xin nghỉ việc, rời nước Mỹ để sang Canada sống chung với anh bạn học cũ người Mỹ. Anh ấy  đang dạy học tại Toronto, đã mua căn nhà mới, chuẩn bị cho  cuộc sống tương lai, trước khi chúng cháu làm đám cưới  bên đó. Chú thấy thế nào? 

Tôi ngẩn người ra, bất ngờ như bị sét đánh. Hoá ra những lần cô manager gặp gỡ thật lâu để  “cố vấn chú Dũng về tiểu thương”; những lời khen ngợi chú Dũng “còn trẻ lắm”, xem “chỉ tay bói toán hay lắm”; đêm Giáng sinh dạo chơi trên bờ biển với ánh lửa bập bùng đẹp đẽ, với tiếng sóng rì rào…đáng nhớ lắm; ngồi bên nhau thưởng thức đêm Christmas Eve dưới ánh “Candle Light” … “romantic” lắm! Tất cả chỉ là “ảo ảnh của cuộc đời” chăng? Tâm trạng tôi lúc ấy giống như nỗi lòng của cô bán sữa trong truyện Ngụ ngôn của La Fontaine. Vì quá vui mừng khi tưởng tượng sẽ bán được sữa để mua trứng , rồi gà, rồi lợn, rồi  bò…nên cô bé đã nhảy cẩng lên, khiến bình sữa rơi xuống đất vỡ tan, tan luôn giấc mộng giàu sang huy hoàng của cô!

Tôi còn nhớ ngày tôi đến nhà Dũng ở Virginia, tôi đã chứng kiến cảnh sống cô quạnh của anh; và sau đó anh đến thăm tôi ở văn phòng tại Cali, khen ngợi cô manager độc thân, xinh đẹp này, tôi đã nghĩ đến một kịch bản với hai nhân vật, hai diễn viên tôi cảm mến, ước mong họ có một cuộc sống hạnh phúc! Nhưng nay thì vở kịch ấy xem ra chẳng có một kết thúc vui vẻ (happy ending) gì cả! Giờ đây tôi biết trả lời sao trước câu hỏi “Chú thấy thế nào”của cô Thu ? Mấy tháng qua, Dũng bận bịu sắp xếp công việc về hưu : sửa chữa nhà ở Virginia để bán gấp, hoàn tất một số giấy tờ sau khi về hưu, nhờ tôi giới thiệu một realtor quen biết để lo thủ tục mua nhà tại vùng Orange County …,  nên chúng tôi ít liên lạc nhau. 

Cho đến ngày tôi chuyển lời của cô manager đến Dũng, mời anh cùng tôi đến tham dự bữa tiệc chia tay do các bạn đồng nghiệp văn phòng chúng tôi tổ chức, tôi thấy anh im lặng một phút bên kia đầu dây điện thoại. Phải chăng tin bất ngờ này làm anh bàng hoàng, hay niềm xúc cảm bất chợt dâng lên khiến anh nghẹn lời?! Có lẽ để che dấu cảm xúc, anh bình tĩnh hỏi lại:

-Ồ! Nàng xin nghỉ việc ở văn phòng ông đang làm à? Thế nàng đi đâu, ông biết không?

Tôi tỉnh bơ đáp:

-Nàng đi Canada lấy chồng chứ đi đâu! Thế ra ông không biết gì cả à? Nhưng thôi, lại thêm một “chuyện tình đã sang trang”, không nên thắc mắc làm chi  nữa. Ông nên chuẩn bị mua vé máy bay để còn đi dự tiệc với tôi, và “nói câu giã biệt” với nàng nữa chứ?!                                                   *  *  *

Khi chúng tôi đến một nhà hàng Việt nam ở vùng Fountain Valley, đã thấy cô Thu cùng các bạn đồng nghiệp có mặt đông đủ. Cô giới thiệu Dũng- người “khách hàng quen thuộc của chương trình cố vấn tiểu thương” với mọi người. Anh nhìn mọi người cúi đầu chào, cái nhìn dừng lại trên đôi mắt của cô Thu. Buổi tiệc diễn ra trong không khí vui vẻ vì các bạn đồng nghiệp với cô đã quen với cảnh tiễn đưa. Hơn nữa họ cũng mừng cho cô có cuộc sống mới, một lối thoát cho cảnh cô đơn của cô gái sắp quá tuổi xuân thì! Dũng im lặng ngồi uống bia, dấu nỗi buồn thầm kín! Tiệc tan. Trong lúc các cô bạn đồng nghiệp ôm cô manager chúc mừng, Dũng kéo tôi ra khu parking, đứng đợi giây phút nói lời từ biệt. Cô Thu bước ra khỏi nhà hàng, đến gần chỗ chúng tôi đang đứng. Cô nhìn Dũng im lặng một thoáng rồi nhỏ nhẹ và nói, giọng buồn buồn:

- Cám ơn chú Dũng đã đến tham dự tiệc chia tay hôm nay…Cháu rất buồn phải rời vùng Little Saigon vui vẻ này, rời bỏ bạn đồng nghiệp, xa hai chú để sang Canada xây dựng cuộc sống mới. Cháu hy vọng  sẽ còn gặp lại hai chú, nhất là chú Dũng.. . 

Rồi cô nói tiếp  :

             -Cháu sẽ còn về Cali để nhờ chú Dũng xem tử vi, đoán vận mệnh tương lai cháu nữa chứ! 

Cô gượng cười khi nói đùa, nhưng vẻ mặt vẫn buồn rười rượi…

Dũng cố phá tan bầu không khí u buồn, bèn hỏi:

-Bao giờ cô Thu lên máy bay đi Canada, nhớ cho chúng tôi biết để đưa cô ra phi trường chứ?

Cô nhìn Dũng, ngập ngừng giây lát rồi lắc đầu:

-Cám ơn chú. Cháu không dám làm phiền hai chú. Xin để cháu ra phi trường một mình với gia đình là đủ. Cháu rất sợ bị xúc động khi có nhiều bạn bè tiễn đưa ở phi trường, nhất là khi phải đi xa để bắt đầu cuộc đời mới. Xin chú Dũng hiểu cho cháu!



Câu nói cuối cùng của Thu nhỏ dần, như tan loãng trong gió đêm. Cô quay đi, bước nhanh về chỗ đậu xe. Người bạn đa tình của tôi đứng bất động nhìn theo. Một cơn gió từ xa thổi qua không gian trống vắng của khu parking, làm bay bay những sợi tóc bạc lấp lánh dưới ánh đèn đêm. Tôi kéo cao cổ áo, nhìn về phía Dũng và tự hỏi: Phải chăng người bạn đa tình của tôi đang nghĩ đến cảm giác lạnh lẽo ở xứ Canada mà Thu sắp chịu đựng trong cuộc sống mới? Hay anh đang trầm tư về nỗi cô đơn của chính mình trong những tháng năm xế bóng cuộc đời?

Bên tai tôi như văng vẳng tiếng ca nức nở của Thái Thanh, với ca từ buồn tênh trong bản nhạc Đêm Cuối Cùng của Phạm Đình Chương:

Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau.
Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau.
Nhịp bước bâng khuâng ngoài phố lạnh.
Giọt sầu rơi rớt hồn phiêu linh….

                                                                                                                    Tam Bách Đinh Bá Tâm                                                                                                          


No comments: