Sunday, July 31, 2022

ANH CÒN NHỚ HAY ANH ĐÃ QUÊN

_________________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

Cánh đồng muối Cà Ná - panorama

Chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines từ Sài Gòn ra Quy Nhơn hạ dần độ cao. Bỗng hành khách bên trong thân tàu cảm thấy một va chạm mạnh đến giật nẩy mình. Tiếp theo là tiếng bánh xe rít lên khi máy bay hạ cánh xuống phi trường, giữa một vùng cây cỏ khô cằn hoang vu… Tân nhìn ra ngoài cửa sổ hỏi người em bên cạnh:

-Đây là đâu? Phi trường Quy Nhơn phải không em? 

Người em mỉm cười nhìn anh trả lời: 

- Dạ không. Phi trường Quy Nhơn đâu còn nữa anh! -. 

Đoạn cậu ấy giải thích thêm cho “người về từ phương xa” biết nhiều sự đổi thay ở một đất nước gần bốn mươi năm thay ngôi đổi chủ.

-Đây là phi trường Phù Cát. Phi trường Quy Nhơn đóng cửa từ lâu rồi anh à…

Quy Nhơn! Hai tiếng ấy vang lên như từ cái quá khứ êm đềm của những ngày Tân đi tập sự ở đây, sau hai năm học lý thuyết tại Học viện QGHC Sài Gòn. Ngày ấy, chính quyền tại tỉnh Bình Định đang xúc tiến việc giải tỏa đất đai để lập một phi trường quân sự tại Phù Cát, cách Quy Nhơn khoảng 30 cây số về phía bắc. Ngày ấy, Tân đã từng mong ước trở về thăm quê cũ Hưng Lạc, ở phía đông bắc Quy Nhơn. Nhưng vì tình hình an ninh bất ổn, nên giấc mơ ấy chưa thành sự thực. Mãi cho đến hôm nay… 

Người em của Tân gọi điện thoại, liên lạc với một người quen ở Quy Nhơn. Khoảng non một giờ sau, chiếc xe hơi nhỏ đến đưa hai anh em Tân ra khỏi phi trường. Xe chạy về phía bắc, theo quốc lộ 1 đến thị trấn Phù Mỹ. Gần trưa, xe ngừng lại ở một tiệm ăn trên quốc lộ. Em của Tân gọi món bún tôm Trà Ổ nổi tiếng tại đây cho ba người trên xe. Tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm hấp dẫn, ăn kèm với bánh tráng gạo nướng dòn tan, ngon lành. Tân như sống lại những ngày thơ ấu êm đềm hơn năm mươi năm về trước, bên bờ đầm Thị Nại nhiều cá lắm tôm…Sau khi người tài xứ cẩn thận từ chối uống rượu, cậu em mời Tân nhấp một chung rượu Bầu Đá, “để anh biết hương vị rượu quê nhà. Ngọt, thơm nhưng dễ làm say lòng khách uống”…Rồi mọi người lên xe tiếp tục cuộc hành trình, qua ngã Bình Dương để về Hưng Lạc…

                                                                *      *       *

Hôm ấy là ngày giỗ Tổ của giòng họ Tân. Đã hơn năm mươi năm, kể từ những ngày cuối thu năm 1954, cùng gia đình trốn chạy Việt Minh ra Huế, hôm nay Tân mới trở về quê cũ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, quang cảnh chẳng thay đổi là bao. Từ cánh đồng ruộng muối loang loáng ánh nắng hè, vẫn còn vang vọng tiếng tát nước vào ruộng bì bõm.Vẫn tiếng nước chảy ì ầm vào các đìa nuôi cá rộng bao la, chung quanh có bờ đê cao nghệu.  Xa xa, về phía tây, ngọn núi Yên Ngựa vẫn sừng sững như đã từng ngự trị nơi đó muôn kiếp nào! Từ quốc lộ 1, người tài xế rẽ xuống hương lộ. Và trên con đường nhỏ dẫn đến vùng biển, xuyên qua thôn xóm Hưng Lạc, Tân gặp một chiếc xe vận tải chở quặng titan chạy ngược chiều. Cạnh hình ảnh mới mẻ, tân tiến ấy, anh vẫn thấy những người dân quê lam lũ tát nước vào khu ruộng muối giữa nắng cháy trưa hè. Và khi qua cánh đồng lúa khô cằn anh vẫn thấy những nông phu cần cù làm việc, với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”! Cảnh vật, cuộc sống vẫn như nửa thế kỷ trước, khi anh còn bé sống ở địa phương này!

Xe rẽ vào một khu nghĩa trang lớn. Nơi mặt tiền là một căn nhà lợp tôn khá rộng- nơi hội họp bà con vào hai ngày giỗ trong năm. Nó đã được xây cất từ khi nhà từ đường cũ của dòng họ bị “chính quyền cách mạng” tịch thu, rồi san phẳng để làm khu ruộng muối quốc doanh.

Khi xe dừng lại trước căn nhà từ đường mới, Tân đã thấy mọi người tề tựu đông đảo. Một vài người hăm hở ra chào đón, vui mừng nhận ra Tân, người bà con đi xa quê nhà đã lâu. Tân được cậu em giới thiệu từng người bà con trong dòng họ. Khi hai anh em bước xuống khu nhà bếp, Tân thấy một thiếu phụ trẻ đang ngồi thái rau. Cạnh nàng, những người đàn bà khác đang tất bật chiên xào nấu nướng…

Khi thiếu phụ ngẩng lên chào hai người, em của Tân giới thiệu:

-Đây là chị Liên cháu thím Khải. Ngày xưa chị Liên với anh em mình cùng đi học trường làng, anh Tân còn nhớ không?

Tân nhìn Liên. Cả một chuỗi dài quá khứ hiện lên dồn dập. Tuy nhiên, hình ảnh cô nữ sinh sư phạm vụt hiện lên rõ nét nhất:

-Chào cô giáo. Cô còn nhớ thời gian tôi gặp cô bốn mươi năm trước ở trường sư phạm Quy Nhơn không?

Liên nhìn anh mỉm cười, nụ cười nhuốm vẻ âu sầu:

-Dạ, chào anh mới về…Em vẫn nhớ. Chỉ sợ anh đi xa lâu quá, không còn nhớ những người ở lại như chúng em thôi!

Anh nhìn Liên, người con gái láng giềng bé nhỏ, xinh xinh mà anh đã chia tay từ mùa thu năm 1954. Để rồi hơn mười năm sau, anh tình cờ gặp lại cô nữ sinh cao lớn xinh đẹp tên Liên ở một trường nữ sư phạm của tỉnh nhà. Sau đó hai người xa cách nhau đằng đẵng. Bây giờ mới gặp lại nhau, thì người con gái ấy dung nhan đã héo úa tiều tụy, nét mặt buồn bã, suýt nữa anh không nhận ra cố nhân… 

 *       *      *


Sau ngày “cách mạng Mùa Thu” 1945, Bình Định là một trong bốn tỉnh miền Nam Trung Việt do Việt Minh kiểm soát. Hồi ấy, chiến tranh chưa lan tràn đến tỉnh này. Nhất là chưa xảy đến ở một làng bé nhỏ bên bờ đầm Thị Nại như Hưng Lạc. Tuy nhiên cuộc sống người dân ở đây khá cơ cực.  Gia đình bên nội Liên là sui gia với gia đình bên nội Tân. Họ làm nghề sản xuất nước mắm, nên cuộc sống tương đối sung túc. Thuở ấy Tân thường đến nhà Liên rủ cô bé đi học trường làng. Anh vẫn còn nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ, như chọc phá chó dữ rồi vụt chạy đi, bỏ mặc cô bé Liên bị chó cắn rách áo. Sau đó Tân bị một trận đòn nhớ đời. Hoặc những buổi chiều hai anh em Tân cùng cô bé lang thang ngoài mé đầm nước ngọt, bắt cua, bắt cá. Tình thân nối kết ba đứa trẻ càng đậm đà theo thời gian khá dài. 

Sau ngày Hiệp định Genève ký kết năm 1954, bộ đội VM tập trung về Quy Nhơn để xuống tàu ra Bắc. Có người bạn cũ mật báo cho ba của Tân biết chủ trương VM bắt thanh niên đi tập kết chẳng khác bộ đội của chúng! Thế là ông liền trốn đi theo những người lái buôn ra đến Quảng Nam, rồi tìm đường ra Huế. Vài tháng sau, xin được việc làm, ông gởi tiền về cho gia đình. Mẹ Tân tìm người tin cậy hướng dẫn gia đình ra miền đất thần kinh đoàn tụ với chồng. Từ đó, Tân xa quê hương bổn kiểng, xa cô láng giềng thuở bé của cậu. 

*        *       *

Cuộc đời Tân, sau khi hoà bình trở lại trên đất nước đã hoàn toàn thay đổi. Cậu được ăn no mặc ấm, được trở lại học đường, với sách vở giấy bút thơm tho…Cuộc sống mới bận bịu khiến cậu quên đi hình ảnh người bạn gái nơi chốn quê xưa. Đậu xong Tú tài 2, Tân thi vào Học viện QGHC. Khi chọn địa phương đi tập sự, như có tiếng réo gọi của quê hương xa cách đã lâu, anh chọn về Quy Nhơn vào năm 1967. 


See the source image



Một năm thực tập tại toà Hành chánh tỉnh Bình Định, cũng như ở các quận tại địa phương này là khoảng thời gian êm đềm, để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm  trong đời Tân. Một hôm, Tân đi theo các đồng môn đàn anh đến viếng trường Sư phạm Quy Nhơn. Trường tọa lạc tại Khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử an giấc ngàn thu. Trường có cơ ngơi đẹp đẽ, thoáng mát. 



Hôm ấy Tân đang ngồi trong phòng tiếp tân, nhìn các nữ sinh tung tăng như bướm lượn trong sân trường. Một nữ sinh - đi cùng với một bạn gái - đến chào anh bạn đàn anh của Tân đang ngồi chờ đợi. Cô nữ sinh ấy cười nói liếng thoắng. Người bạn gái của nàng dè dặt điềm đạm hơn. Tân nhìn người con gái thâm trầm kín đáo ấy, thấy có nét quen thuộc trên nụ cười, ánh mắt của cô. 

Tân đánh bạo hỏi:

-Xin lỗi, trông cô quen quá…Hình như tôi đã gặp một lần ở đâu thì phải?   

Người bạn lên tiếng giới thiệu cô bạn gái với Tân:

-Chị Liên đây là con gái cưng của chủ hãng nước mắm Liên Hưng nổi tiếng đó anh! 

Tân như vụt sống lại kỷ niệm xa xưa:

-Ô, Liên đây à? Sắp thành cô giáo nên khác xưa nhiều lắm …Tôi là Tân, bạn cũ của cô ở Phù Mỹ.   Chắc Liên cũng không nhận ra tôi ? 

Cô bạn cũ thuở ấu thơ nhìn anh mỉm cười:

-Dạ, em nhận ra anh chứ! Nhưng không dám đến chào, chỉ vì sợ lầm thì “quê” quá! 

Thế rồi những kỷ niệm ngày xưa   bỗng sống lại, qua câu chuyện trao đổi giữa hai người bạn thời niên thiếu. Thời gian xa cách mười mấy năm của hai người, nay nhìn lại, như khoảng khắc vừa trôi qua. Nhanh như như ánh chớp mùa hạ; như con thoi qua khung cửi, dệt nên những hình ảnh đẹp đẽ của quá khứ êm đềm.

-Thế bây giờ gia đình Liên vẫn còn ở nhà cũ chứ? 

Cô gái trầm ngâm: 

-Dạ không. Sau năm 54’, gia đình em đến làng khác lập hãng nước mắm Liên Hưng. Em không còn ở nhà phụ cha mẹ đong đo nước mắm như hồi nhỏ nữa. Vất vả, hôi hám lắm anh! Làm nghề “gõ đầu trẻ” an nhàn sạch sẽ hơn, tuy đồng lương không nhiều bằng nghề buôn bán… 

Thế rồi hàng tuần, Tân theo các đồng môn đàn anh đến trường Sư phạm thăm Liên. Đến cuối năm ấy, Tân trở về Sài gòn tiếp tục chương trình tập sự tại Trung ương. Từ đó anh không còn gặp lại Liên nữa.

*       *        *

Sau khi ra trường, Tân đi phục vụ ở các quận xa…Rồi anh lập gia đình, thỉnh thoảng về Sài gòn với vợ con trong dăm ba ngày phép ngắn ngủi...Cuộc đời cô nữ giáo sinh tên Liên cũng bình dị như thế.  Tốt nghiệp sư phạm Quy Nhơn xong, cô xin dạy ở một trường trong địa hạt quận Phù Mỹ. Rồi cô lập gia đình với một giáo viên đồng sự. Thỉnh thoảng cô về thăm cha mẹ ở hãng Liên Hưng, do cô đứng tên làm chủ. Hãng nước mắm ngày càng phát đạt, chuyên bán sỉ cho khách hàng gần xa. 

Sau “mùa Xuân Đại thắng” 1975 của CS Miền Bắc, đời sống người dân Miền Nam hoàn toàn bị đảo lộn.  Những lời trong “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, ngày nay bị đảo ngược. Chính sách cai trị mới của “bên thắng cuộc” là “lấy cường bạo để thay chí nhân”!  Các cấp chỉ huy Quân Cán Chính “bên thua cuộc” và một số trí thức Miền Nam trở thành kẻ có tội với “bên thắng cuộc”. Những gia đình cần cù làm ăn, tích tụ tài sản cho tương lai … bị “đánh tư sản”, nên phút chốc trở nên trắng tay. Sau đó họ bị đuổi đi “kinh tế mới”; để rồi bệnh tật, đói khát khiến họ phải bỏ mạng giữa vùng đất “chó ăn đá gà ăn muối”. 

Trong thời gian Tân bị đi “lao động khổ sai” trong những trại  “cải tạo” từ Nam ra Bắc, gia đình Liên cũng gặp cảnh khốn cùng không kém. Vợ chồng cô đóng tiền đi chuyến tàu vượt biên, bị bắt lại và bị cầm tù vì tội “vượt biên bất hợp pháp”. Liên được trại tù “khoan hồng” cho về trước chồng, bởi cô còn cha mẹ già không người nuôi nấng. Nhưng khi trở về cuộc sống “tự do” bên ngoài, Liên phải đối diện một thực tế tàn nhẫn. Cô bị mất việc làm ở trường học; hãng Liên Hưng do cô đứng tên bị “chính quyền cách mạng” tịch thu… Trong một chuyến thăm nuôi chồng, cô được trại tù báo tin: người chồng đã bị bệnh nặng và chết trước đó vài tuần! Cuộc đời Liên đã chuyển qua khúc quanh vô cùng bi đát, đúng với câu ngạn ngữ “Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”! 

 *      *      *

Buổi giỗ tổ vừa xong thì trời đã về chiều. Mặt trời sắp lặn trên dãy núi Yên Ngựa. Người em đề nghị Tân chuẩn bị trở về Quy Nhơn trước khi trời tối. Khi còn bé, thời gian này là lúc anh em Tân đến nhà Liên, rủ cô bạn gái xuống bờ đầm nước ngọt trước nhà. Đám trẻ bắt cá bắt cua, tung tăng chạy nhảy đến tối .. Nhưng hôm nay, Tân trở về đây như một khách lạ. Anh trở nên xa lạ ngay tại chốn quê cũ của mình. Nơi đây, ngày nay đầy sự theo dõi, vu khống, bắt bớ của chính quyền địa phương. 

http://genk2.vcmedia.vn/N0WoyYblO3QdmZFKPMtKnadHAHTevz/Image/2012/09/Salar-de-Uyuni17-f28d2.jpgKhi Tân đến chào từ giã Liên, nàng nở nụ cười buồn, chúc anh luôn hạnh phúc nơi xứ sở xa xôi  đầy Tự do kia. Nơi ấy nàng không bao giờ biết, chưa bao giờ đến, nhưng niềm mơ ước vẫn thấp thoáng trong giấc mộng. Anh nhìn người bạn gái đã một thời là cô bạn nhỏ tròn trĩnh xinh xắn; là cô nữ sinh trường sư phạm Quy Nhơn, mắt ngời sáng một tương lai huy hoàng đẹp đẽ. Nhưng nay, nàng đã trở nên một thiếu phụ trẻ gầy ốm, xanh xao, mệt mỏi và u sầu…Anh biết nói gì hơn để an ủi “người ở lại”. Nàng đã quá thất vọng với cuộc sống bế tắc, sau chuyến ra đi tìm Tự do thất bại. Anh nhìn nàng, nhìn mãi đến khi chiếc xe chở anh và người em khuất sau hàng tre đầu làng…

Xa xa, màn sương mỏng từ mặt nước bốc lên, bao trùm cánh đồng ruộng muối mênh mông. Trên trời cao, đàn cò trắng đang tung cánh bay về tổ. Quang cảnh buổi chiều miền quê thật im ắng và buồn bã. Tân đưa mắt nhìn lần cuối nơi quen thuộc chốn quê xưa. Trong sương mờ, anh như còn thấy thấp thoáng trong chốn “thiên đường ấu thơ” hình ảnh cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt tròn lấp lánh ánh tươi vui. Nay thì chốn thiên đường tuổi thơ đã mất, chỉ còn lại một thiếu phụ gầy gò, buồn bã. Tân chợt nhớ lại câu nói của nàng khi gặp lại anh, sau hơn bốn mươi năm xa cách: “Em vẫn còn nhớ đến anh…Chỉ sợ anh đi xa lâu quá, không còn nhớ đến những người ở lại như chúng em thôi”!

                                                                                                            Tam Bách Đinh Bá Tâm

No comments: