________________________________________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Ba thương mến,
Con viết thư này trên e-mail, để chuyển thật nhanh đến Ba món quà sinh nhật - một đoá hoa hồng thật đẹp - và những tình cảm thân mến của đứa con gái út đi học xa, đang nhớ về Ba. Con hy vọng Ba còn thức để đọc những lời thương mến của con. Ngày mai, sinh nhật của Ba, Ba có nhớ không? Mẹ đang bận chăm sóc cháu ngoại mới chào đời ở tiểu bang xa, còn các anh chị ở nhà bận đi làm, có thì giờ tổ chức lễ mừng sinh nhật cho Ba không?
Trời đêm nay thật lạnh. Các bạn cùng nhà trọ với con đã ngủ cả. Chỉ có một mình con còn thức để nói chuyện với Ba, hy vọng con sẽ bớt lạnh lẽo cô đơn trong đêm nay.
Ðây không phải là lần đầu tiên con sống xa Ba. Ngay từ ngày còn bé, con đã không có Ba bên cạnh. Vì khi con ra đời, đất nước đã thay ngôi đổi chủ, và Ba đã phải đi vào trại tập trung Miền Bắc trong hơn năm năm. Con còn nhớ trong thời gian đó, con thật buồn vì không có cha bên cạnh như các đứa bạn khác. Bỗng một buổi chiều, có người đàn ông gầy ốm, xanh xao, mang một túi hành trang đã sờn rách bước vào nhà. Cả nhà mừng rỡ, bảo con gọi người đó là Ba. Con đã không nhận ra Ba, vì từ khi bắt đầu hiểu biết, con có bao giờ thấy Ba của mình đâu! Về sau, theo thời gian chung sống dưới mái gia đình, con càng thương yêu Ba. Con thường nghe Ba nói với Mẹ: Ba phải thương yêu con thật nhiều vì trong suốt những năm tháng xa nhà, con thiếu tình phụ tử. Phải chăng Ba cảm thấy thiếu bổn phận làm cha trong suốt những năm dài ấu thơ của con? Và riêng con, đôi lúc nhớ lại lúc Ba mới trở về , tinh thần Ba còn giao động, buồn nản, con đã tỏ ra xa lạ với Ba, con cảm thấy thật xấu hổ! Có phải những tình cảm phức tạp và tế nhị của cả hai, khiến Ba và con càng ngày càng hiểu biết và thương yêu nhau nhiều hơn không ?
Ba thường đưa ra một hình ảnh sống động về cuộc đời: tất cả chúng ta khi sinh ra đều có con đường định mệnh riêng. Cuộc đời chúng ta như những con tàu đi song song nhau. Và những người thân, những bạn bè...gặp nhau ở thế gian này như những chuyến tàu định mệnh; cùng gặp gỡ nhau trong kiếp này để rồi vĩnh viễn chia ly trong kiếp khác. Thế thì trong cõi đời tạm bợ này, sao ta không hết lòng thương nhau, đối xử tử tế với nhau. Để khi người thân bước bước vào cõi vĩnh hằng, người ở lại không phải âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Con nghĩ rằng Ba và con cũng như những con tàu định mệnh trong cõi đời này vậy! Chỉ khác chăng, hai chuyến tàu song song nhau, nhưng có cùng chung mối tương đồng về những sở thích văn thơ, ca nhạc ... Ba thường đọc cho các con nghe những bài thơ tình Ba đã tặng Mẹ từ ngày mới yêu nhau. Sau này sang Mỹ, khi còn học ở College, con có xin phép Ba chọn một bài để đăng vào báo của nhóm sinh viên gốc Việt trong trường. Họ đọc bài thơ một cách thích thú, thán phục và chính con cũng thích những bài thơ của Ba. Con thích thơ văn lắm, nhưng con không thể nào sáng tác được như Ba.
Lúc còn bé, đôi lúc con đã tỏ ra ngang bướng, không vâng lời, khiến Ba phải dùng roi vọt dạy dỗ con. Con đã không khóc khi Ba đánh đòn, chỉ lén bẻ gãy cây roi để lần sau Ba không đánh đòn con nữa. Con nhớ Ba kể về một câu chuyện trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” bên Tàu ngày xưa. Người mẹ vẫn thường đánh đòn con mỗi khi con không vâng lời dạy dỗ; và những khi ấy, người con im lặng chịu đòn, không dám khóc. Nhưng có một hôm sau khi chịu đòn, người con quỳ xuống thưa với mẹ: hôm nay mẹ không khỏe trong người sao? Người mẹ gật đầu và hỏi: vì sao con biết? Người con chí hiếu lúc ấy mới ôm mặt khóc và thưa rằng: vì hôm nay mẹ đánh đòn nhẹ quá, chắc là mẹ yếu trong người; hay mẹ không còn muốn dạy dỗ con nữa?
Trong câu chuyện Ba kể, không có phần kết luận: từ đó người mẹ còn dạy đứa con ngỗ nghịch bằng roi vọt không? Nhưng với Ba, dần dần Ba không tỏ ra nóng giận, và đánh đòn chúng con nữa. Có lẽ những năm tháng dài trong trại tập trung, cuộc sống đói khổ, đau buồn, đã để lại trong lòng Ba những uất ức, phẫn nộ. Mãi sau một thời gian sau, khi đã trở lại cuộc sống bình thường, ấm êm của gia đình, Ba mới trở nên vui vẻ yêu đời. Ba thường ngâm nga một bài thơ đã được sáng tác trong Trại. Trong đó con thích nhất bài Vòm Trời Cao Trên Mái mà Ba đã dịch từ một bài thơ tiếng Pháp( Le Ciel est , Par-dessu le toit)
Vòm trời ấy vẫn cao trên mái
Xanh làm sao, yên tĩnh làm sao....
Cành cây trên mái lao xao
Nhẹ ru trước gió đưa vào giấc mơ
Tháp chuông ấy lưng trời in bóng
Vẫn dịu dàng vang vọng ngân nga
Trên cành, cất tiếng xót xa
Con chim chợt hót khúc ca não nùng
Thượng đế hỡi, dòng đời bên ấy
Sao đơn sơ, sao lắm hiền hòa
Từ nơi phố thị xa xa
Tiếng ồn vang vọng, la đà xôn xao
Mà người hỡi làm chi chốn ấy?
Lệ chan hòa thánh thót khôn nguôi
Ðời anh tuổi trẻ đẹp tươi
Chôn chân mãi mãi nơi này mà chi?
Bài thơ thật nhẹ nhàng và thật buồn. Trong hoàn cảnh mất tự do của một người tù bên Pháp, cách đây hơn hai trăm năm, nỗi buồn của ông ta đã khiến Ba cám cảnh cho thân phận mình trong những năm trong trại tù CS ở Miền Bắc chăng?
Trong những năm đầu định cư ở Mỹ, con ở gần Ba, hướng dẫn Ba ghi danh vào học ở ngôi trường mà con đã trải qua hai năm Ðại học nơi đây. Từ đó, con thấy Ba thích đọc sách, thích sáng tác, thích gợi lại những kỷ niệm xưa. Có lẽ thế hệ những người lớn tuổi chỉ muốn sống lại dĩ vãng, muốn đem dĩ vãng về bổ túc cho cuộc sống hiện tại; còn thế hệ trẻ chúng con, chỉ muốn sống cho hiện tại, nỗ lực làm việc để bồi đắp tương lai. Con rất hiểu Ba, thông cảm những khắc khoải của những người lớn tuổi, hay hoài vọng về những kỷ niệm xưa. Cho nên Ba thường xúc cảm khi viết lại những mẫu chuyện thời thơ ấu, những mối tình trong sáng ở tuổi học trò. Sau khi viết xong một chuyện ngắn, Ba thường đưa cho con xem, và sau đó, chuyển đến các bạn bằng điện thư để hỏi ý kiến...
Con thường hỏi Ba: vì sao Ba say mê sáng tác như thế, thì Ba đã tâm sự: Ba làm công việc của người thợ săn đã về già, một hôm ngồi nhìn ngắm bộ sưu tập đã săn bắn trong thời trai trẻ, để kiểm điểm lại cuộc đời hoạt động trong quá khứ của mình. Có thể những bộ sưu tập ấy chẳng có giá trị gì với khách thưởng ngoạn. Nhưng với ông ta, mỗi bộ da có thể gợi lại hình ảnh đẹp của con thú, hình ảnh của khu săn bắn, và cảm xúc của ông ta khi tham dự cuộc săn bắn đó. Với Ba, khi về già, Ba có thể giải sầu bằng những mẫu chuyện gợi lại cảm xúc thời thanh xuân, giống như người thợ săn ấy chăng?
Ngày con dự định thi vào một trường Dược ở miền Bắc California này, con cứ đắn đo mãi. Nếu con đi học xa, ai săn sóc Ba Mẹ lúc trái gió trở trời, khi Ba Mẹ ốm đau? Chị cả đã đi lấy chồng xa, mãi tận vùng Seattle miền tây bắc nước Mỹ; rồi chị thứ hai đi học Dược tận New York ở miền Ðông xa xôi. Và giờ đây, chị đã ra trường, về làm việc gần nhà, nên cả gia đình sum họp ấm cúng. Nay lại đến lúc con phải đi học xa .
Hôm khai giảng, con mời Ba Mẹ đi tham dự lễ “Mặc Áo Choàng Trắng Truyền Thống Hàng Năm” của Trường. Chưa bao giờ con thấy nét mặt Ba thay đổi nhiều như buổi sáng hôm ấy. Ba đã tươi vui và trang trọng trong bộ quần áo dạ hội, cùng Mẹ và con đến Trường. Ba ngắm ngôi trường một cách thích thú, hãnh diện bước vào cùng cô gái cưng, tân sinh viên của trường. Gần một trăm sinh viên tuần tự bước đến trước các giáo sư để trình diện, giới thiệu tên họ và nơi phát xuất đến đây. Họ là những nam nữ thanh niên ưu tú đến từ các thành phố ở California, ở các tiểu bang khác. Nguồn gốc chủng tộc của họ khác nhau, nhưng có một hoài bão giống nhau: tận tâm phục vụ cho người bệnh, cho nước Mỹ mà họ đã chọn làm quê hương. Sau đó họ được trao áo choàng trắng, có gắn huy hiệu của trường, và mặc vào để làm lễ tuyên thệ.
Ðứng giữa các bạn người Mỹ cao lớn, con cố vươn người nhìn về phía hàng ghế dành cho phụ huynh sinh viên, và con đã nhìn thấy Ba. Ba nhìn con, miệng mỉm cười mà nước mắt rưng rưng. Có phải Ba đã xúc động vì niềm sung sướng thấy đứa con gái út đã sinh ra trong cảnh đất nước đổi thay, gia đình nghèo túng, thiếu sữa, thiếu ăn đến còm cõi..; và đau thương nhất là thiếu tình phụ tử trong hơn sáu năm trời? Hay là Ba nhớ lại đêm tuyên thệ ở Vũ Ðình Trường tại trường Bộ Binh Thủ Ðức năm xưa... mà lòng xót xa cay đắng?
Giờ đây, con đã trở thành người nữ sinh viên áo trắng tại nước Mỹ này, thực hiện được giấc mơ đẹp nhất của đời con, và chắc hẳn Ba cũng vui mừng, hãnh diện vì con. Có lẽ đây cũng là món quà sinh nhật đặc biệt, vô hình nhưng cũng vô giá mà con muốn gửi đến, nhân ngày sinh nhật của Ba. Con mong Ba luôn vui mạnh, tìm lại niềm hạnh phúc trong sáng tác, tìm lại những cảm xúc thuở thanh xuân, mà đã một thời tưởng như mất đi vì những thống khổ triền miên của cuộc đời...
Ông Tân đọc xong những dòng cuối của bức điện thư con gái vừa gửi, mỉm cười, định tắt máy; nhưng ông kịp ngưng lại. Ông còn phải lưu giữ những lời tâm sự thương mến này, lưu lại đoá hoa hồng thật đẹp kèm theo thư này. Ðể ngày mai, đúng ngày sinh nhật ông nhìn lại đóa hồng, để cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao của người cha có đứa con chí hiếu, luôn nghĩ đến cha mẹ, luôn đặt niềm vui người khác trước niềm vui của mình... Niềm hạnh phúc chợt đến khiến ông rưng rưng nước mắt, những giọt nước mắt ngọt ngào niềm vui sướng, hân hoan.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment