**********************************
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Tân về Sài gòn đã hơn một tuần. Anh rời bỏ đất nước đi tỵ nạn ở xứ Mỹ xa xôi đã từ lâu. Lòng hoài vọng cố quốc, nỗi nhớ thương mẹ già, những kỷ niệm của quá khứ...tất cả như tiếng hát nhân ngư huyền bí đã réo gọi anh trở về. Nhưng khi về đây, bạn xưa người cũ cũng chẳng còn ai. Và gìữa mảnh đất chôn nhau cắt rốn - mà nay đã thay tên đổi chủ - anh có cảm giác như kẻ xa lạ, một “ngoại nhân” dưới mắt những đồng bào cùng màu da, cùng ngôn ngữ với mình. Anh bỗng thấy cô đơn như Lưu Nguyễn lúc về trần mà lòng thật buồn chẳng biết ngỏ cùng ai. Cho nên suốt ngày chỉ quanh quẩn bên mẹ già, hoặc đi thăm vài bà con thân thiết, vẫn còn chút gắn bó tình cảm với anh.
Một buổi tối, anh theo người em trai đến một quán cà phê; để tìm lại hương vị một ly cà phê nồng ấm thuở nào; để nghe những bản nhạc xưa được trình bày nơi đó. Quán cà phê là một căn nhà khá rộng, cạnh một biệt thự cổ xưa, khuất nẻo trên đường Công Lý cũ. Khi vào quán, khách sẽ đi qua một khu vườn rộng, trên con đường lát đá, dưới ánh sáng chập chờn, mờ ảo của những chiếc lồng đèn màu hồng giăng mắc trên những tàn cây trong vườn. Không khí trong quán thật ấm cúng thân mật, với ánh đèn tỏa sáng xanh nhạt. Những chiếc bàn nhỏ kê sát tường, cách biệt nhau, nhưng đủ tạo một khoảng cách thân mật giữa những tâm hồn có cùng mối đồng cảm văn nghệ. Một khoảng trống sát tường được soi sáng để làm sân khấu, trên đó có một máy vi âm, một cặp loa thùng, và hai nhạc công, một chơi đàn guitar điện và một chơi đàn contre-bass. Ðây là một loại quán cà phê văn nghệ, mà ca sĩ chỉ là khách đến uống cà phê, nhân một cơn ngẫu hứng, trình bày một bài hát xưa, nhẹ nhàng, lãng mạn...
Một cô gái, dáng mảnh mai, nhẹ nhàng bước đến trước máy vi âm, tự giới thiệu bài hát. Tân ngồi im lặng, nhấm nháp cà phê, lắng nghe nàng cất giọng trầm ấm ca bài: Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Ðoàn Chuẩn, một nhạc sĩ Miền Bắc, tác giả những bài tình ca lãng mạn. Giọng nàng bỗng vút lên cao :
Thấy hối tiếc
nhiều, thuyền đã sang bờ, đường về không lối
Dòng đời trôi
đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều
Ðập gương xưa
tìm bóng
Nhưng thôi
tiếc mà chi, chim rồi bay , anh rồi đi
Ðường trần
quên lối cũ
Người tình xa
cách mãi
Cuộc tình khôn
hàn gắn thương lòng...
Bỗng dưng, Tân nghe đâu đây tiếng hát như từ quá khứ vọng về. Có phải cô ca sĩ
tài tử này là Thu chăng? Chắc hẳn
là không!
Vì đã hai mươi lăm năm rồi, thời gian đâu có dừng lại
để giữ mãi nét thanh xuân cho nàng ! Và nhất là giọng hát của nàng ngày xưa, hình như có một âm
hưởng thiết tha, não nùng hơn giọng ca của cô ca sĩ tài tử trẻ đêm nay. Khi cô gái ngưng tiếng hát, cúi chào khán thính giả, Tân bước lên sân khấu
trao tặng nàng một bông hoa hồng thay cho lời khen ngợi. Cô chăm chú nhìn anh trong một thoáng, cám ơn và đi về bàn
mình.
Trước khi rời quán cà phê, Tân dừng lại
trước bàn cô ca sĩ tài tử ấy, nhìn nàng mỉm cười ngợi khen một lần nữa,
đoạn lịch sự hỏi nàng:
- Xin lỗi cô, cho tôi tò mò hỏi cô một điều được không?
Nàng
nhìn Tân, rồi nhìn người thanh niên ngồi chung bàn với nàng:
- Cháu tên Thủy. Ðây là anh Cường, chồng cháu. Chú cần hỏi gì, xin cứ tự
nhiên ạ!
Tân đắn đo trong giây lát, nhìn cô gái
trẻ như để gợi lại những kỷ niệm trong quá khứ:
- Vừa rồi, nghe cô hát, tôi
chợt nhớ đến một người. Người ấy thật giống cô, từ khuôn mặt đến giọng hát, và cả bài hát đó nữa...
-
Thưa chú, bài hát vừa rồi do chị cháu dạy từ lâu...
Tân tò mò hỏi thêm:
-
Thế chị cô tên chi? Hiện đang ở đâu?
Cô gái đáp:
-
Chị cháu tên Thu. Bây giờ chị ấy không còn nữa…
Người chồng của Thủy đưa mắt nhìn nàng, lịch
sự đứng dậy lấy cớ bước ra ngoài:
-
Em ngồi đây thưa chuyện với chú, anh ra ngoài mua bao
thuốc lá ...
Tân hỏi tiếp cô gái, mà anh cảm thấy
như đã quen từ lâu:
- Cô là em cô Thu à? Tôi là Tân. Hai mươi mấy năm trước, khi còn ở Việt nam, tôi đã từng đến Cơ sở Sản xuất Giấy của ba mẹ cô thăm chị Thu! Cô còn nhớ không?...
Cô gái có vẻ vui mừng, reo lên:
- Ô! Chú Tân đây à? Trông chú
thật khác xưa. Lúc nãy, khi chú trao bông hoa trên sân khấu, cháu thấy
chú có vẻ quen quen, mà không nhận ra. Xin lỗi chú nhé! Ba mẹ cháu đã mất rồi. Chị
Thu cũng đã bặt tin sau lần vượt biên thứ nhì
… Hôm nay gặp chú thật bất ngờ! Ðây là địa chỉ nhà cháu. Khi nào rảnh rỗi,
xin mời chú đến chơi. Cháu sẽ kể lại tâm sự chị Thu cho chú nghe nhé!
* * *
Chuyện đời
quả lắm bất ngờ. Bất ngờ kỳ lạ như quãng đời của Tân
hai mươi năm về trước, khi anh mới từ
một trại “cải tạo” Miền Bắc trở về. Thời
gian ấy anh chưa có “quyền công dân”, chưa có công ăn việc làm, đang “tạm trú” tại chính căn nhà của
mình cùng vợ và bốn con nhỏ! Mỗi tuần, anh phải đến trình diện với công an địa
phương. Mỗi tháng, anh phải tham dự một buổi họp của tổ Dân phố, để mọi người đóng góp ý kiến xem người cựu tù “cải tạo” đang bị quản chế này đáng được trả quyền công dân chưa?! Hàng đêm, anh cùng với các bạn đồng cảnh ngộ phải thức giấc giữa đêm khuya, khi tên “công an khu vực” đến gõ cửa gọi
đi canh gác dân phòng...Và mỗi ngày, anh
cố gắng đi tìm một công việc làm, để kiếm sống, và cũng khỏi bị buộc đi “kinh tế mới”...Trong hoàn
cảnh bị dồn nén cùng cực đó thì anh gặp Thu.
Hôm ấy, Tân đang đến Liên Hiệp Xã - một cơ quan thuộc
Phòng Công nghiệp Quận - để nhờ giới thiệu việc làm. Anh bỗng thấy một cô gái bước vào. Thiếu nữ còn trẻ, ăn mặc khá sang trọng. Cô tháo cặp kính mát, tươi
cười chào nhân viên trong văn phòng. Người cán bộ phụ trách chỉ Tân, nói với cô gái:
- Có chú Tân mới tới nhờ tìm việc làm. Chị Thu giới thiệu với bà chủ, nhận chú vô làm ở Tổ hợp Giấy của chị
được không?
Cô gái quay sang cúi chào Tân. Nàng
nhìn anh, với ánh mắt dịu dàng, pha chút nhí nhảnh của cô gái ở tuổi làm dáng
và biết mình xinh đẹp. Cô gái cho anh địa chỉ Tổ hợp Giấy Thu Thủy và mời anh đến
đó ngày mai. Đoạn cô cúi đầu chào tạm biệt, hối hả lên chiếc xe Honda Dream màu
đỏ bắt mắt, mở máy phóng đi.
Tổ hợp Thu Thủy là cơ sở sản xuất khăn
ăn bằng giấy cung cấp cho nhà hàng. Khi Tân đến, cô tiểu chủ ra đón tiếp niềm nở,
hướng dẫn anh đi một vòng trong cơ sở sản xuất. Thành phẩm sản xuất là những tờ
giấy mịn mỏng thay khăn trên bàn ăn, có trang trí hình vẽ mỹ thuật, có mùi nước
hoa thoang thoảng. Nhưng nguyên vật liệu để biến chế là những loại giấy phế thải
bẩn thỉu, nhàu nát và không thơm tho như vậy! Tất cả những loại phế thải ấy được
ngâm trong những bồn chứa nước pha hoá chất, tạo nên một hỗn hợp bèo bọt đục ngầu.
Sau khi đi một vòng để xem qua các “công đoạn sản xuất”
khăn ăn bằng giấy, cô Thu mời Tân vào phòng làm việc của hãng. Cô nói với anh:
- Cháu có nghe các cô cán bộ trên Liên
Hiệp Xã cho biết chú vừa đi “cải tạo” về, cần việc làm. Nhưng tiếc là hãng đã
có cháu làm kế toán rồi, nên không thể mời chú vào làm được. Mấy hôm trước có
ông chủ hãng giấy người Hoa nhờ cháu tìm cho một chân kế toán. Cháu sẽ giới thiệu
chú đến gặp ông chủ hãng giấy Hồng Phát ấy. Nếu chú cần tìm hiểu thêm về chuyên
môn kế toán, cứ đến đây cháu sẽ giúp ý kiến cho.
Sáng hôm sau Tân đến cơ sở sản xuất giấy
Hồng Phát, và được ông chủ đón tiếp niềm nỡ, sau khi anh nói được cô Thu giới
thiệu. Anh phân vân tự hỏi, không biết cô tiểu chủ của hãng giấy Thu Thủy đã nói
thế nào, mà ông chủ Hồng Phát đã tín nhiệm giao phó cho anh mọi công tác đối
ngoại của hãng. Từ việc thiết lập sổ sách
kế toán, đến việc giao dịch ngân hàng, thuế vụ…
Thỉnh thoảng Thu ghé qua hãng giấy Hồng
Phát, gặp ông chủ hãng đồng nghiệp để bàn thảo công việc làm ăn. Sau đó cô đến
phòng làm việc của người tân kế toán để xem anh cần giúp đỡ gì không ?
Một hôm, Tân đến Liên Hiệp Xã Quận, được
thông báo cơ quan này sắp mở lớp “Kế toán XHCN”. Nói là để “trau dồi nghiệp vụ” cho các kế
toán viên của tổ hợp, nhưng thực ra, “cơ quan chủ quản” bắt buộc các tổ hợp tư
nhân phải học qua. Để rồi dần dần họ đưa vào guồng máy kinh tế quốc doanh.
Lớp kế toán mở cửa vào buổi chiều mỗi
ngày, trừ hai ngày cuối tuần. Tân chăm chỉ đến lớp đều đặn. Nhưng cô Thu thì ngược lại! Cô tiểu chủ của
hãng giấy Thu Thủy còn bận công việc giao dịch, nên không thể chuyên cần đến lớp! Thỉnh thoảng cô ghé qua nơi anh làm việc, nhờ Tân ghi chép bài vở. Để
rồi sau đó, Tân đến nhà nàng trả lại tập vở đã ghi chép hôm trước. Những khi
ấy, anh cùng nàng ra một quán nước, uống một ly nước “sinh tố” ngọt ngào, mát
rượi. Mát như lời cám ơn thân ái của nàng đối với người bạn vong niên cùng lớp
kế toán vậy.
Cuối khoá, học viên tổ chức buổi tiệc trà
chia tay. Những học viên có chút máu văn nghệ lần lượt lên sân khấu ca hát. Hôm
ấy cô Thu cũng muốn chứng tỏ tài nghệ, đã trình bày một bản nhạc của Đoàn Chuẩn
- một nhạc sỹ Miền Bắc, tác giả của những bản tình ca. Dưới ánh đèn
mờ ảo, trông nàng thật diễm lệ trong chiếc áo đầm màu đen, hở cổ, dài chấm gót chân. Tóc nàng xoã bờ vai, chờn vờn bay theo gió của chiếc quạt trần
chạy hết tốc lực. Nàng trình bày thật hay bản nhạc tiền chiến “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay”. Giọng ca
nhẹ nhàng, trầm ấm, thiết tha, lôi cuốn khán thính giả với dáng vẻ yểu điệu,
quyến rũ của nàng… Hơn hai mươi năm sau, hình ảnh ấy, giọng ca ấy vẫn còn lưu mãi trong ký ức của anh.
Buổi tiệc trà chia tay - với phần văn
nghệ, đã chấm dứt khá muộn. Lúc ra về, Tân mới biết chiếc xe đạp của mình bị
xẹp lốp. Anh từ từ dắt xe ra cổng, hy vọng giờ này vẫn còn người vá xe đêm,
ngồi chờ người khách gặp vận rủi như anh. Bỗng nhiên, một chiếc xe Dream đỏ dừng lại bên
Tân. Người lái chiếc Honda mặc chiếc áo đầm đen nhìn anh hỏi, giọng ngạc nhiên:
-Khuya rồi sao chú chưa đạp xe về?
Tân lúng túng khi nhận ra người đó là Thu.
Anh lấy giọng khôi hài đáp:
-Con ngựa sắt tôi bị bịnh, nên tôi dắt đi
tìm thú y chữa trị đây!
Cô gái xuống xe, dắt bộ cùng đi với Tân.
Cô nhìn anh gợi ý:
-Giờ này không còn ai vá xe đâu chú! Chú
chịu khó dắt xe về nhà ba mẹ cháu gần đây để gởi. Ngày mai đi làm, ghé lấy xe
đi vá cũng không muộn…
Tân ngạc nhiên nhìn cô gái:
-Nhà tôi ở mãi quận Nhất, gần rạp Hưng
Đạo. Cô khuyên tôi tôi chạy bộ về nhà, rồi ngày mai chạy bộ đến lấy xe đi làm
à?
Cô Thu mỉm cười nhìn anh, đề nghị:
-Cháu đâu dám khuyên chú chạy bộ xa xôi, vất vả như thế? Chú chỉ cần lái
chiếc xe Honda này về nhà nghỉ ngơi. Ngày mai chú đem trả lại cho cháu, rồi lấy
xe đạp đi sửa cũng được!
Cô gái nói thêm, giọng khôi hài nhưng ẩn
chứa tấm lòng chân thật của nàng :
-Chú đừng lo mất xe đạp! Đàng nào cháu
cũng “thế chấp” chiếc Honda này cho chú rồi mà!
Hai người im lặng đi bên nhau. Đêm đã bắt
đầu khuya.Tân nhìn con đường dài hun hút trước mặt, mờ tối dưới ánh đèn tù mù.
Con đường mang tên Ba Tháng Hai này, trước đây là đường Trần Quốc Toản. Và cũng
giống như sự “đổi mới” những con đường thành phố, tên Sài Gòn quen thuộc với
người dân Miền Nam hơn ba trăm năm qua, cũng chịu cảnh đổi chủ thay tên. Anh
quay nhìn về phía sau. Trên con đường này, hai mươi năm trước theo học ở ngôi
trường Hành chánh Sài gòn, anh đã thấy trước mắt một viễn ảnh huy hoàng, một
niềm hãnh diện được phục vụ quê hương. Nhưng rồi sau đó nước mất nhà tan, Miền
Nam rơi vào tay CS, anh phải đi tù “cải tạo”như hàng ngàn quân cán chính cùng
số phận!
Thu thấy người bạn vong niên đi bên nàng
im lặng khá lâu, bèn lên tiếng:
-Chú Tân à! Hôm trước cháu nghe thầy dạy
kế toán cho biết:ngày xưa chú cũng là một viên chức hành chánh Miền Nam, cuộc sống
khá giả lắm! Bây giờ sống cực nhọc thế này, làm sao chú có thể kéo dài mãi được
? Chú có ý định tìm cuộc sống mới không?
Nhập ngừng một giây, Thu hạ thấp giọng nói
nhỏ với Tân:
-Cháu nghĩ :Hạnh phúc chỉ có thể tìm được
nơi cuối chân trời. Chỉ có cách là vượt biên thôi chú ạ!
Tân quay nhìn nàng. Dưới ánh đèn đường, đôi
mắt nàng chăm chú nhìn anh, cái nhìn chân tình với chút xót xa. Anh buồn bã
đáp:
-Tôi chưa có ý nghĩ đó cô Thu ạ!. Đơn giản
vì không có tiền, mà gia đình thì đông người quá…
Thu ngập ngừng giây lát, rồi quay sang nói
với anh:
-Bao giờ chú có ý định đó, hãy đến nhà
cháu. Cháu sẽ giúp chú, chú Tân nhé!
Tuy nhiên, sau đó Tân không còn có dịp nào
trở lại gặp cô Thu nữa…Một buổi chiều gần cuối năm, Tân đi làm về qua nhà cô
Thu nhìn thấy hãng giấy Thu Thủy treo đèn kết hoa! Từ nhà bước ra, cô Thu trong
chiếc áo cưới màu trắng, cũng dài và đẹp như chiếc áo dạ hội màu đen trong đêm
văn nghệ hôm cuối khoá lớp kế toán. Đi bên cạnh, chú rể trịnh trọng trong bộ veston trắng, dìu cô dâu bước vào chiếc
xe hơi có trang trí những dây hoa đẹp mắt . Đó là lần cuối Tân trông thấy cô Thu, cô bạn trẻ cùng học lớp kế
toán với anh.
Năm sau, Tân và gia đình được chấp thuận đi định cư tại Mỹ, theo diện HO. Từ đó, anh không biết tin tức gì về cô Thu, người thiếu nữ trẻ đẹp, có giọng
hát thật truyền cảm, biết thương mến kính trọng người sa cơ lỡ vận sau thảm họa đất nước năm 1975!
* * *
Buổi chiều
hôm ấy, khi bóng nắng đã xuống thấp trên thành phố Sài gòn, khi những kỷ niệm
xưa đã sống lại mãnh liệt trong lòng
Tân, anh lần theo địa chỉ, tìm đến nhà cô Thủy. Vẫn ngôi nhà cũ của bố mẹ nàng,
cạnh Xưởng Giấy ngày xưa. Theo lời kể lại của Thủy, khi chị Thu của cô cùng chồng
vượt biên, chính quyền biết được, đã đóng cửa và tịch thu cơ sở sản xuất giấy Thu Thủy. Trong chuyến vượt biên ấy, tàu
của họ bị hỏng máy, cô Thu cùng chồng bị bắt lại. Họ bị giam riêng trong hai
nhà tù khác nhau ở Rạch Giá. Mấy tháng sau, Thu được thả về. Người chồng bị
bệnh và chết trong trại. Năm sau, nàng lại đóng tiền vượt biên một lần nữa. Và
từ đó, không ai còn biết tin tức gì về nàng!
Tân im lặng nghe người em gái của cô Thu kể về nỗi bất hạnh của chị
mình. Anh quay mặt đi để che dấu cảm xúc đang dâng tràn trong tim. Ngoài kia,
thành phố vẫn ồn ào nhộn nhịp. Tiếng xe cộ ì ầm, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rao
hàng...vang vọng vào chốn tịch mịch nơi đây. Anh thẫn thờ
quay lại, chào từ biệt cô Thủy đã có nhã ý mời anh đến đây, sau buổi tối tình cờ cho anh nghe bài hát đầy kỷ niệm xưa.
* * *
Khi Tân bước
ra khỏi nhà vợ chồng Thủy, màn đêm đã buông xuống. Anh bước dọc theo đường phố quen thuộc,
con đường mà hơn hai mươi năm trước anh đã gặp Thu và được nàng giúp đỡ trong những ngày tháng bế tắc của cuộc đời. Có lẽ từ lâu nàng đã nung nấu trong lòng
ý nghĩ rời bỏ đất nước đi tìm Tự do, và sau đó đã gợi ý cho anh tham gia cuộc
vượt biển để tìm cuộc sống mới đáng sống hơn. Nhưng anh đã từ chối, còn nàng
quyết chí theo đuổi dự tính của mình. Anh đã đến được xứ sở của Tự do! Còn Thu, giờ này đang ở đâu? Phải chăng nàng
đang ở một nơi xa xôi nào đó trên địa cầu bao la này; hay nàng đang nằm yên
trong lòng đại dương , với niềm ước mơ không bao giờ toại nguyện?…
No comments:
Post a Comment