Sunday, July 3, 2022

CHIẾC CẦU BIÊN GIỚI

************************************************

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

http://i1080.photobucket.com/albums/j328/LangYPhong/quanbenduongg.jpg

          Tân ngồi yên lặng, mơ màng nhìn qua cửa sổ. Trời đã bắt đầu sang thu. Gió từ biển Thái bình thổi vào mát rượi. Bên kia bờ đại dương, Sài gòn chắc vẫn nóng bức, nhịp sống vẫn hối hả bon chen? Riêng với Tân, thành phố quen thuộc đó là nơi anh đã lớn lên, trải qua bao kỷ niệm vui buồn. Và cũng tại thành phố đó, anh tìm lại mối tình thuở ấu thơ, sau bao thập niên tưởng đã chôn vùi vào dĩ vãng. Anh nhớ lại lần trở về thăm mẹ già vừa qua, tham dự sinh nhật lần thứ chín mươi của Mẹ. Hôm ấy, người em họ có hỏi  anh:                                  

            - Anh Tân còn nhớ ông Chiêu không nhỉ?       

            Anh nhớ ra ngay. Đó là người chủ cơ sở sản xuất đồ nhôm, mà anh đã làm việc trước khi sang định cư tại xứ Hoa kỳ này.

            - Nhớ chứ! Nhưng bây giờ ông ta thế nào rồi? Giàu chưa?

             Cậu em cười đáp: 

           - Không giàu mà trái lại anh ạ! Sau khi anh đi rồi, ông ta làm ăn lụn bại dần, cơ sở ngắc ngoải sắp đóng cửa!

            Tối hôm ấy, Tân theo người em họ đến thăm ông chủ hãng nhôm Chiêu Anh. Đó là một cơ sở làm đồ nhôm gia dụng ở quận Sáu, gần cầu chữ Y. Có lẽ ông Chiêu đã được người em của Tân báo trước nên khi anh đến, đã thấy trong nhà đèn đuốc sáng trưng, mâm bàn bày sẵn để đón người cựu thư ký kế toán mười lăm năm về trước. Ông Chiêu ra tận cổng đón chào. Một vài người bạn của ông cũng có mặt trong buổi tiệc chào đón khách phương xa. Anh nhìn căn nhà mới được sửa chữa sau trận hoả hoạn, mà theo lời ông Chiêu, lò nấu phế liệu bị nổ, làm cháy phần sau căn nhà… Trong góc phòng khách, anh vẫn thấy chiếc bàn làm việc. Cách đây gần hai mươi năm, cũng trên chiếc bàn này, anh đã miệt mài làm việc để giúp cho cơ sở phát triển. Và sau một thời gian, ông chủ cơ sở tậu được xe hơi và đã chở gia đình Tân đến phi trường Tân Sơn Nhất, ngày anh lên đường đi định cư ở Mỹ…            

            Sau khi nâng ly chào mừng ngày tái ngộ với người bạn cũ, ông Chiêu vui vẻ và hóm hỉnh hỏi Tân:

            - Anh Tân còn nhớ cô Dung trên ngân hàng không? Khi anh đi rồi, cô Dung có hỏi thăm anh mỗi khi đến đây kiểm tra…Này! Tôi hỏi thật, anh có bí quyết gì làm cho cô ấy cảm tình với anh lâu quá vậy?             

            Tân thấy ngần ngại khi bộc bạch chuyện tình cảm riêng tư của mình trước mọi người hôm nay. Nhưng anh cũng cảm kích trong lòng vì Dung vẫn còn nhớ đến anh, dẫu thời gian đã trôi qua gần hai mươi năm rồi…

Đầu  năm 1948, có đôi vợ chồng trẻ, ông Khang là cán bộ Hành chánh Tỉnh, bà Khang là cô giáo cấp I, với một nách ba con đã theo chồng, di chuyển theo cơ quan làm việc. Từ huyện Phù Mỹ,  theo quốc lộ 1 đi về Bồng Sơn; rồi lại di chuyển theo tỉnh lộ lên Trung Lương; và rồi theo hướng “lên nguồn” đến Thế Thạnh nằm về phía tây bắc tỉnh Bình Định. Bà Khang, xin vào dạy trường cấp I Thế Thạnh và cho Tân vào học ở đó. Trong lớp có cô nữ sinh tên Dung thấp người, da trắng, mắt to, tóc cắt ngắn kiểu “bum bê” ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh. Các học sinh trong lớp thường ăn mặc xềnh xoàng. Riêng cô bé Dung  mặc quần áo đẹp đẽ hơn, chân mang đôi guốc nhỏ xíu sơn màu hồng. Cô bé trở thành “hoa khôi” trong cái xã hội học đường nhỏ bé gồm cả nam sinh lẫn nữ sinh đó.

****

Bé Dung là chị cả của hai em gái, con một ông cán bộ đồng nghiệp với ông Khang. Hiên nhà họ dùng làm quán nước, mà hồi đó nhiều cán bộ đi công tác ghé qua đặt tên là  “Quán Bên Đường”.  Có lẽ họ họ muốn thi vị hoá chiếc quán nhỏ bé, nhưng đậm đà tình cảm, bằng cách lấy tên bài ca do Lê Trọng Nguyễn viết vào khoảng năm 1946 tại Tam Quan tỉnh Bình Định, trong thời kháng chiến chống Pháp…Chủ quán là một thiếu phụ gốc người Bắc, đã theo gia đình vào Nam lập nghiệp, dừng bước lãng du tại một thị xã phía bắc tỉnh Bình Định. Cô gái gốc Bắc đó lấy người chồng tại địa phhương này- một cựu công chức thời Pháp. 

Về mùa đông, lữ khách ghé vào Quán Bên Đường, ăn chiếc bánh nhân đậu hoặc nhân dừa nóng hổi, uống bát nước chè còn bốc khói thơm tho. Về mùa hè, khách vừa ngồi chờ ly nước dừa xiêm, vừa ngắm bà chủ quán xinh đẹp và khoẻ mạnh. Tay trái cầm quả dừa, tay phải cầm chiếc dao to bà chặt quả dừa nhanh và gọn. Sau đó bà chủ quán tươi cười trao quả dừa chứa đầy “nước mắt quê hương” ngọt lịm cho khách với một chiếc ly thủy tinh...

Cậu bé Tân cũng thường đến  nhìn cảnh chặt dừa độc đáo và thán phục bà. Mỗi lần như thế, bà gọi cô bé Dung đến, cho cô bé và bạn trai vài chiếc bánh rồi  nhìn theo hai cô cậu vừa thích thú ăn quà, vừa nắm tay tung tăng chơi đùa…Tình cảm đôi trẻ thuở ấy nhẹ nhàng óng ả như mây mùa thu, trong sáng như giòng nước suối đầu nguồn.  Đôi trẻ chơi thân với nhau, quấn quýt bên nhau, nửa như anh em ruột thịt, nửa như tình yêu trong sáng, mặc dù ở độ tuổi thiếu nhi đó, Tân chưa biết tình yêu là gì! Tuy nhiên có một lần, một cảm giác êm ái nhẹ nhàng dâng lên trong lòng Tân. 

Một đêm trăng rằm sáng vằng vặc, đám thiếu nhi trong xóm chia hai phe chơi trò “đánh trận giả”. Khi phe đóng vai “thực dân Pháp” đi ruồng bắt  phe “cán bộ kháng chiến” - trong đó có hai cô cậu Tân và Dung, họ tìm nơi ẩn núp. Và hai cô cậu  thấy một hố cá nhân tròn và sâu - thường dùng để tránh máy bay Pháp đến oanh tạc- bèn nhảy xuống chiếc hố tối đen đó. Thời bấy giờ, chưa có các phương tiện truyền thông như báo chí, radio, TV…; nhưng qua lối tuyên truyền rỉ tai, người dân trong vùng do VM kiểm soát quá sợ hãi “thực dân Pháp” đến nỗi trong  trò chơi “đánh trận giả”, đôi thiếu niên lo sợ ngồi nép bên nhau, bất động, tim đập thình thịch!

Bỗng nhiên, trong khoảng không gian bé nhỏ của đáy hầm, chen lẫn trong mùi đất cát, mùi cỏ cây… thoang thoảng hương thơm bồ kết.  Đó là mùi thơm đặc biệt của dầu gội đầu dành cho nữ giới. Nó gợi lên một thứ tình cảm nhẹ nhàng, thanh khiết nhưng sâu đậm, kích thích quả tim đang đập mạnh của cậu! Ngay trước mặt cậu là mái tóc cắt ngắn, đen tuyền của bé Dung… Đôi trẻ ngồi im như thế, vai sát bên nhau, nín thở chờ đợi phe “Tây ruồng bố” đã đi xa, mới tìm cách leo lên khỏi hầm… Họ học cùng trường, cùng lớp; và với tuổi “nữ thập tam, nam thập lục”,  đôi trẻ sau buổi học thường đi chơi với nhau, quấn quýt nhau…

Thế rồi  một sự kiện lịch sử đã làm dự tính của hai bà mẹ tan tành ra mây khói. Hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954 chia cắt đất nước VN làm hai miền Bắc- Nam, lấy vỹ tuyến 17 làm ranh giới. Bộ đội, cán bộ VM thuộc Liên Khu 5 tập trung tại hải cảng Quy Nhơn để xuống tàu tập kết ra Bắc. Cũng có một số bộ đội, cán bộ không muốn ra Bắc, bèn bỏ trốn về quê rồi tìm cách vào Nha Trang, hoặc ra Đà Nẵng - thuộc quyền kiểm soát của quân đội Quốc gia. Trong số đó có bố của Tân. Ông Khang đã giả dạng người đi buôn đường dài từ Bình Định ra Quảng Nam. 

http://www.quocgiahanhchanh.com/goctroi_thuongnho.jpgTừ đó, ông tìm gặp những bạn bè cũ và nhờ họ giúp đỡ phương tiện để ra Huế. Ba tháng sau, bà Khang cũng dẫn Tân và các em nhỏ, tay bồng tay bế tìm cách ra đến Huế sum họp với chồng. Trường hợp bố mẹ Dung thì khác hẳn. Khi bà chủ “Quán Bên Đường” nghe tin chồng sẽ đi tập kết, bà xin đưa cả gia đình cùng đi. Bà ước muốn trở về Bắc, nơi quê hương bản địa của bố mẹ bà … Và từ đó, theo dòng đời đưa đẩy, đôi bạn trẻ đã từng học hành bên nhau,   từng có nhiều kỷ niệm thân yêu suốt quãng đời thơ ấu… đành xa nhau không lời từ biệt. *****                           

Khoảng cuối năm 1981, sau sáu năm dài trong nhà tù “cải tạo”, Tân trở về với gia đình ở Sài gòn. Rồi để tránh bị chính quyền địa phương buộc đi “kinh tế mới”- những vùng xa xôi “chó ăn đá gà ăn muối”- nên anh nhờ người em họ giới thiệu với cơ sở sản xuất đồ nhôm gia dụng Chiêu Anh. Được ông chủ cơ sở sản xuất tin cậy và trả lương hậu hĩnh, Tân cảm thấy cuộc đời đã có chút ánh sáng, sau những tháng năm  đen tối trong chốn lao tù Cộng Sản!  

            Một hôm, ông Chiêu đi Ngân hàng về, vui vẻ báo cho Tân tin mừng:

            - Phòng Tín Dụng Ngân hàng vừa đồng ý cho tổ hợp mình vay tiền để mở thêm phân xưởng sản xuất nhôm dẻo…Chiều nay cô Trưởng phòng đến kiểm tra xem mình có đủ điều kiện vay tiền không. Tôi có hẹn đi ký hợp đồng trên Hóc Môn. Nhờ anh xem lại sổ sách, tiếp đón khi cô ấy tới kiểm tra đấy nhé! 

            Người chủ tổ hợp nhìn Tân, hóm hỉnh nói tiếp:

            - Anh trổ tài thuyết phục, làm sao cho cô Trưởng phòng Tín dụng đồng ý thì chắc chắn Ngân hàng cho tổ hợp mình vay tiền. À, cô ấy tên Dung, chắc cỡ tuổi anh, nhưng nhan sắc còn mặn mà trẻ trung lắm anh Tân à!                                  

            Tân chỉ cười, cho đó là câu nói đùa của ông chủ tổ hợp. Anh xem lại sổ sách kế toán, chuẩn bị trình bày tình hình sản xuất khi có đại diện ngân hàng đến kiểm tra. Bỗng có tiếng xe Honda hai bánh ngừng lại trước văn phòng. Chủ nhân là một phụ nữ trẻ đang tháo cặp kính đen ra khỏi mắt, chăm chú nhìn vào nhà. Thấy Tân đang ngồi ở bàn làm việc cô hỏi:

            - Có phải đây là nhà ông Chiêu không anh? Tôi là Dung, trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng đến kiểm tra tổ hợp Chiêu Anh xin vay tiền. 

            Tân mời người nữ cán bộ ngân hàng vừa xưng là Dung vào nhà. Cô ta khoảng bốn mươi tuổi. So với các cán bộ cùng thời, nhan sắc cô khá mặn mà xinh đẹp! Anh sực nhớ lời ông Chiêu vừa nói sáng nay về cô trưởng phòng Tín dụng, quả không sai! Anh tự giới thiệu mình và cho biết lý do ông chủ tổ hợp không có mặt hôm nay để đón tiếp cô. Qua sổ sách kế toán, anh trình bày tình hình sản xuất của cơ sở bằng những con số cụ thể, rõ ràng. Cô Dung im lặng lắng nghe, mỉm cười. Bỗng nhiên, qua nụ cười rộng mở, với chiếc răng khểnh của cô cán bộ, Tân bỗng bắt gặp một hình ảnh quen thân trong quá khứ! Cũng nét mặt, nụ cười, hai chiếc răng khểnh kia, hình như đã quen thuộc đối với anh. Những hình ảnh đó, từ quá khứ hiện về, lãng đãng, chập chờn trong trí anh… Bất chợt cô Dung quay lại nhìn Tân một thoáng… rồi cô đứng lên kiếu từ ra về:

            - Nhờ anh nói lại với anh Chiêu: cơ sở sản xuất có tiến bộ, sổ sách phân minh, có đủ điều kiện vay tiền! Tôi sẽ trình “lãnh đạo” và sẽ thông báo kết quả  đến các anh. Thôi tôi phải về. Xin chào anh Tân nhé!

            Bỗng Tân có cảm giác nuối tiếc về cuộc hội ngộ quá ngắn ngủi, chia tay quá đột ngột. Anh đứng lên, giọng thân mật:

            - Rất tiếc không có ông tổ trưởng hôm nay để tiếp đón cô. Tôi xin đại diện, mời cô ra quán cà phê gần đây uống ly nước, cô Dung nhé? ...   

            Cô Dung nhìn Tân mỉm cười, giọng đùa nghịch:          

            - Vâng ạ, xin “nhất trí” với anh. Thế ta đi bộ nhé?

            Tân cùng Dung lững thững ra đường, đến quán nước gần đó. Anh kéo ghế cho người đẹp ngồi rồi hỏi cô   

- Cô Dung uống gì để tôi gọi? “Sinh tố”, cà phê sữa đá, hay thức uống gì khác?

           - Cám ơn anh, cho Dung một ly Ovaltine sữa đá thôi!

            Tân ngạc nhiên nhìn cô gái. Anh tưởng Dung sẽ gọi “sinh tố”, loại nước trái cây tươi  mà các cô gái miền Nam thường thích uống, nhất là trong mùa hè nóng bức. Nhưng cô gái Bắc bộ này lại thích Ovaltine, một loại “hàng nước ngoài” mà thời gian đó trở nên khan hiếm vì Việt nam đang bị cấm vận kinh tế! Thức uống được mang lên, Tân nhấp từng ngụm cà phê sữa mát rượi, nhìn cô gái  đối diện mà thắc mắc trong lòng. Anh lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng giữa hai người:

            - Xin lỗi cô Dung, tôi xin tò mò hỏi cô một tí nhé. Nghe giọng nói của cô, tôi thấy có âm hưởng miền nam Trung bộ. Hình như trước đây cô có ở vùng Bình Định? 

            Dung nhìn Tân gật đầu:

            - Anh nói đúng! Chắc anh cũng từng ở tỉnh đó?          

            Tân đáp giọng thành thật:

            - Đúng vậy, cô Dung. Quê tôi ở Bình Định. Nhưng tôi theo cha mẹ di chuyển khắp nơi như Bồng Sơn , Thế Thạnh…Năm 1954,tôi theo gia đình di chuyển ra Huế…

            Dung nôn nóng ngắt lời, giọng tươi vui:

            - Anh cũng từng ở Thế Thạnh à? Thế anh còn nhớ “Quán Bên Đường” không ? Bà chủ quán là mẹ tôi đó… Thế sau thời gian ấy anh đi đâu và làm gì ?  

            Tân im lặng giây lát. Có nên nhận mình là cậu bé Tân, đã từng yêu thương cô bé Dung của Quán Bên Đường không? Bé Dung nay đã trở thành cô cán bộ Dung, quên cả mối tình đẹp đẽ thuở xưa, không nhận ra cậu bé Tân đang ngồi trước mặt mình… Nhưng nhắc lại làm chi “chuyện một chiếc cầu đã gãy”, khiến ai kia không còn nhớ lại ngày xưa hai người đã có một  mối tình êm đẹp, giao lưu trên dòng sông êm đềm của tuổi thơ!

             Anh buồn bã trả lời Dung: 

- Sau đó, tôi di chuyển qua nhiều nơi, làm nhiều công việc. Sau năm 1975, tôi đã trải qua nhiều đau khổ, nhục nhằn! Thôi nhắc lại làm chi! Tôi chỉ còn nhớ chiếc “Quán Bên Đường” thuở xa xưa vì ở đó tôi có nhiều kỷ niệm đẹp cô Dung ạ!… 

            Dung im lặng cúi xuống ly nước, uống từng ngụm nhỏ. Trông cô có vẻ  mơ màng. Thỉnh thoảng cô ngẩn lên nhìn Tân, tư lự. Nhưng cô không nhắc gì về tuổi thơ êm đềm trong thời gian ở chiếc quán xinh xinh ngày xưa! 

            Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Anh và Dung đứng dậy ra khỏi quán. Anh đưa đưa cô về tổ hợp Chiêu Anh để lấy xe. Cô cán bộ ngân hàng lịch sự cúi chào Tân rồi lên xe ra về. 

                                                                         *  *  *

Đầu năm 1992, Tân được chấp nhận cho đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Ông Chiêu có nhã ý tổ chức bữa tiệc thân mật tại nhà để khoản đãi kẻ sắp ly hương. Buổi chiều hôm ấy, khi anh đến nơi, đã thấy hai vợ chồng gia chủ ra đón chào. Mâm bàn thức ăn đã bày sẵn. Những công nhân làm việc trong cơ sở sản xuất nhôm đều có mặt để dự buổi tiệc chia tay với người cựu thư ký tổ hợp Chiêu Anh. Bỗng nhiên Tân  nghe tiếng xe gắn máy dừng lại trước nhà. Ông Chiêu ra đón khách, đưa vào giới thiệu: 

            - Hôm nay vợ chồng tôi có mời cô Dung tham dự bữa cơm gia đình để tiễn đưa anh Tân đi nước ngoài. Xin mời cô Dung ngồi xuống đây. Anh Tân cũng ngồi gần “người đẹp” để nói chuyện cho vui…

            Hôm  nay cô Dung ăn mặc sang trọng hơn lần đến kiểm tra tổ hợp trước đây. Với chiếc áo pull màu beige chiếc quần jean xanh nhạt, đôi má và làn môi tô điểm chút phấn son, người đàn bà trung niên dạo này trắng trẻo, xinh đẹp hẳn ra.             

             Dung quay sang chào Tân và hỏi: 

            - Thế bao giờ anh đi?

            - Tôi đang chờ mua vé máy bay xong rồi lên đường…

            Dung nhìn Tân hỏi tiếp:

            - Thế anh đi nước nào? Rồi bao giờ trở về thăm quê hương?

            Tân đáp, giọng tâm tình:

            - Tôi sẽ đi định cư ở Hoa kỳ, cô Dung ạ. Đến khi nào cuộc sống mới ở xứ Mỹ ổn định, tôi mới trở về thăm bà con…

            Dung tiếp lời Tân :

            - Chúng tôi  mong chờ  ngày ấy lắm, anh Tân ạ!…  

            Nói xong cô nâng ly chúc Tân “thượng lộ bình an”. Tân đưa mắt nhìn Dung. Anh nâng ly bia, uống một hơi như để che dấu nỗi buồn của kẻ sắp xa quê hương. Ông chủ nhà và mọi người cũng nâng ly trong tiếng “dô! dô!” vui nhộn của thực khách trong bàn tiệc.  Gần cuối buổi tiệc chia tay, cô Dung cáo từ về trước. Sau đó, Tân cũng chào từ biệt và cám ơn gia chủ rồi ra về. Đến cổng, anh thấy Dung vẫn còn  đứng bên chiếc xe gắn máy như đang chờ đợi ai! Tân dừng xe đạp ngạc nhiên hỏi:

            - Cô Dung chưa về sao? 

            Dung nhìn anh nói nhỏ:

            - Dung chưa muốn về. Còn chờ anh cùng đi bộ nói chuyện cho vui. Anh sắp đi xa rồi, chưa chắc mình còn gặp lại, phải không anh Tân?

            Hai người dắt xe đi bên nhau. Họ dừng lại trên cầu chữ Y, tựa thành cầu ngắm trăng mười sáu. Đêm nay trăng tròn và đẹp quá, lấp lánh ánh bạc dưới dòng sông xanh thẫm. Tân lấy trong túi bao thuốc lá Ba Số Năm (555) mà ông Chiêu đã biếu anh chiều nay, quẹt diêm châm lửa hít một hơi dài như để che dấu bối rối. Đột nhiên, Dung phá tan bầu không khí im lặng với câu nói bâng quơ:

            - Khói thuốc thơm quá anh nhỉ? Dung thích nhất mùi thuốc lá quyện trong gió về đêm…

            Bỗng nhiên, nàng nhẹ nhàng tâm sự:

            - Anh Tân biết không, Dung nhận ra anh từ lâu rồi, khi nghe lại giọng nói và khi anh nhắc lại kỷ niệm “Quán bên đường” ở Thế Thạnh. Nhưng vì công ăn việc làm, Dung không dám tỏ vẻ quen thân với anh trước mặt mọi người. Nhất là khi Dung biết anh từng làm việc trong chính quyền Miền Nam trước đây.

            Tân hít mạnh hơi thuốc, búng mẫu thuốc lá đã tàn xuống dòng sông xanh thẫm, giọng tự ái :

            - Thế thì Dung cứ “phớt lờ” tôi đi như mọi người, hà cớ phải thanh minh?

            Bỗng Tân ngưng lại vì thấy thái độ hằn học vô lý của mình! Anh hạ giọng nhẹ nhàng nói:

- Xin lỗi Dung. Tôi sắp xa Dung rồi. Lần này vĩnh viễn xa nhau. Sao mình không giữ tình cảm êm đẹp như ngày xưa? Cám ơn Dung đã còn nhận ra tôi, dù tôi đã trải qua bao khổ nhục, đọa đày trong những tháng ngày sau năm 1975!



lang man dem trang pho co hoi an hinh 14

             Anh quay sang nhìn Dung, bắt gặp đôi mắt ái ngại đau buồn của nàng đang nhìn anh. Anh bỗng thấy mến thương người bạn gái thuở thiếu thời của mình. Những kỷ niệm xưa lại trở về, tràn ngập trong lòng anh. Anh nhớ đến mùi hương bồ kết, đến mái tóc đen cắt ngắn ôm lấy đôi má bầu bĩnh của cô bé Dung ngày xưa ở Quán Bên Đường. Nhưng nay, tất cả đã đổi thay; vì cuộc sống mới, vì hoàn cảnh của nàng đã khác xa anh.  

            Dung thở dài, nắm tay anh:

            - Thôi Dung xin về. Chúc anh lên đường may mắn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống mới ở nước ngoài. Dung chỉ cầu mong thỉnh thoảng anh nhớ đến Dung, nhớ đến những ngày tháng êm đềm thơ mộng của chúng mình ngày xưa... 

            Tân giữ chặt bàn tay người bạn gái; bàn tay thật ấm, nhưng không còn mềm mại nữa…Nàng đứng im lặng nhìn anh, đôi mắt ngấn lệ dưới ánh trăng. Đoạn nàng quay đi như để che dấu xúc cảm, rồi lên xe ra v

                                                          *        *         *

Tân đứng bên cầu lặng lẽ nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của nàng trên chiếc xe gắn máy Honda màu đỏ, khuất dần trên đường vắng… Tân nghĩ đến tình cảm lâu dài từ thuở ấu thơ của Dung và anh. Anh chợt nhớ đến bài “Quán Bên Đường”của Lê Trọng Nguyễn:       

Đây quán bên đường, mái khói lam chạnh nỗi lòng                                 

Đây quán bên đường, lòng chan chứa bao niềm thương…                                                                                                                    

Anh và Dung đã ấp ủ trong lòng bao nhiêu thương mến, bắt đầu từ nếp quán xinh xinh đó. Nhưng sau bao năm chia cách rồi tái ngộ, giờ đây giữa họ có “chiếc cầu biên giới”… Rồi mai đây anh sẽ lên đường đi định cư nước ngoài, bỏ lại sau lưng những thống khổ nhục nhằn, những mất mát tuổi xuân. Anh ra đi, nhưng vẫn mang theo hình bóng của Dung, hình bóng nên thơ nơi chiếc Quán Bên Đường. Nơi đó đã chớm nở mối tình một thời thơ dại; nhưng cuối cùng anh đành thở dài để mãi mãi xa nhau… 

                    Tam Bách Đinh Bá Tâm

No comments: