___________________________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Tiệc cưới con gái anh được tổ chức vào một chiều cuối thu, tại một nhà hàng ở vùng Little Saigon, Nam California. Anh bước lên sân khấu để cảm tạ quang khách đến dự tiệc. Trước khi mở lời, anh đứng yên giây lát, nhìn xuống quang cảnh trong nhà hàng. Những chùm đèn toả sáng rực rỡ gian phòng tiệc cưới, nổi bật những nét mặt tươi vui của khách tham dự. Và giữa thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu, quan khách hai họ, đôi tân lang tân giai nhân, tay trong tay đang từ từ tiến lên trong tiếng nhạc chào mừng rộn rã. Ánh sáng chiếu vào đôi uyên ương, rực rỡ chiếc áo cưới màu trắng, với nhiều tầng vải lụa bồng bềnh như áng mây chiều. Chiếc khăn voan buộc mái tóc, rũ xuống ngang lưng, làm nổi bật gương mặt xinh xắn, với đôi mắt long lanh hạnh phúc, với đôi môi hồng hé mở tươi vui của cô dâu.
Ái nữ anh đó! Người con gái út đã sống hơn ba thập niên bên cha mẹ anh chị; đã trải qua bao cay đắng ngọt bùi với gia đình. Cô gái út đã sinh ra trong những ngày tàn của cuộc chiến, một cuộc chiến lâu dài, tàn hại nhất lịch sử đất nước. Rồi cùng với các anh chị, cô gái đã theo cha mẹ đi tỵ nạn ởquốc gia đầy tự do nhân ái này. Sau đó, mười hai năm liên tiếp đã theo học tại các trường trung học, đại học - với tám năm học xa nhà; cô gái út chỉ sống gần gũi bố mẹ chưa đến một thập niên. Mười năm Hạnh phúc thoáng qua mau!
Hôm nay là ngày vui, cũng là ngày cuối của cuộc đời độc thân của cô gái. Để rồi con chim bé nhỏ ấy sẽ bay xa, đi xây tổ ấm cho tương lai. Con chim nhỏ ấy chắc sẽ đủ can đảm đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống mới, nhưng sẽ thiếu vòng tay ấm áp của cha mẹ, anh chị như những năm còn sống độc thân với đại gia đình…
* * *
Cũng như ngày vui hôm nay, gần nửa thế kỷ trước, đám cưới bố mẹ cô dâu được tổ chức ở một nhà hàng lớn cuối đại lộ Đồng Khánh, Chợ Lớn. Chú rể là một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Hành chánh Sài gòn. Cô dâu, cựu nữ sinh Gia Long. Khác với những cuộc tình sớm tiến tới hôn nhân như thường xảy ra ở xứ sở “yêu cuồng sống vội” Âu Mỹ, cuộc tình của đôi uyên ấy đã chớm nở tại Sài gòn, kéo dài hơn bốn năm. Bốn năm thật hạnh phúc! Lúc ấy, chàng sinh viên đang ở trong Ký Túc Xá của nhà trường. Vào mỗi chiều thứ Bảy, cô nữ sinh Gia Long, mảnh mai trong tà áo trắng nữ sinh, thướt tha trên chiếc xe Velo-Solex dẫn vào Ký túc xá. Nơi đó, chàng sinh viên đã sẵn sàng chờ đón. Hình ảnh ấy mãi sau này, các bạn đã từng sống trong Ký túc xá của trường Hành chánh ngày xưa vẫn còn nhắc đến như một kỷ niệm đẹp!
Sau đám cưới, anh được giấy thông giấy báo ngày trình diện trường Bộ binh Thủ Đức. Và suốt chín tháng dài đằng đẵng nơi quân trường, anh chỉ liên lạc với người vợ mới cưới bằng những cánh thư gói trọn niềm nhung nhớ, viết dưới ánh hoả châu rọi sáng đồi Tăng Nhơn Phú. Mãn khóa Sỹ quan Thủ Đức, anh được biệt phái về bộ Nội vụ. Rồi từ đây, anh được bổ nhiệm về tỉnh Bình Long. Rồi sau đó về làm việc ở quận Lộc Ninh, quận đầu đời đầy gian nan, nguy hiểm của anh…Và suốt những năm phục vụ tại Lộc Ninh, rồi Định quán, anh chỉ sống một mình để khỏi “vướng bận thê noa” khi địch quân pháo kích hoặc tấn công vào quận.
Đến năm 1974, anh được thuyên chuyển về quận Xuân Lộc . Anh thuê căn nhà tại tỉnh lỵ Long Khánh, đưa vợ và ba con lên để cùng ở tại đây. Chỉ sau hai năm sống hạnh phúc với gia đình bé nhỏ, đột nhiên chiến cuộc leo thang ác liệt vào đầu năm 1975 ở Long Khánh. Trước Tết Âm lịch năm đó, ông Tỉnh trưởng Long Khánh tập họp quân cán chính, tuyên bố tình hình chiến sự căng thẳng sắp tới tại tỉnh nhà. Vị sĩ quan đầu tỉnh yêu cầu quân cán chính các cấp “chuẩn bị tinh thần chiến đấu”… Vài tuần sau, ông lặng lẽ rời nhiệm sở Long Khánh về Sài gòn. Vị Tỉnh trưởng Bình Long về thay thế, kiêm luôn chức vụ Tân tỉnh trưởng Long Khánh!
Trong tình hình chiến sự căng thẳng lúc bấy giờ tại Long Khánh, đứa con gái út của anh sắp ra đời! Anh muốn vợ sinh nở an toàn, nên thuê xe đưa vợ và các con về Sài gòn…Đầu tháng 3, 1975 Cộng quân từ hướng Lâm đồng kéo về đánh chiếm Định Quán, bao vây Xuân Lộc gần nửa tháng. Đêm 20 tháng 3, toàn bộ quân cán chính theo sư đoàn 18 rút lui về Phước Tuy, qua mật khu Bình Giã. Sáng sớm ngày 21, đoàn di tản gồm mấy ngàn người về đến Phước Lễ , sau một đêm dài vượt qua tử lộ Bình Ba - Bình Giã !…
Bắt đầu từ tháng 5, 1975 người dân Sài gòn sống trong thời kỳ đổi đời. Anh ở nhà bồng bế bé út mới ra đời hai tháng, trông nom ba anh chị của bé để vợ anh đi tráng bánh cuốn kiếm sống! Sau đó, anh lên đường đi “học tập cải tạo”, theo tiếng loa thúc dục hàng ngày, với những lời tuyên truyền đường mật “ với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước”! Nhưng rồi người đi “cải tạo” biền biệt suốt nhiều năm trời, để lại vợ con, thân nhân sống trong lo buồn trông ngóng, thiếu trước hụt sau . Trong xã hội lúc ấy người dân thiếu thốn mọi bề. Chủ trương“đánh tư sản”, khiến họ mất hết nhà cửa, của cải ; bị đuổi khỏi nhà, bị đẩy đi “kinh tế mới” bơ vơ, đói khổ, bệnh tật, chết dần chết mòn nơi vùng đất “chó ăn đá gà ăn muối”!…Riêng các trại tập trung, “cải tạo viên” sống trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, thiếu thốn tình cảm gia đình. Trong các trại “cải tạo” từ Đồng Tháp, Cà Mau đến “Cổng Trời” biên giới Việt Trung… tù nhân đã chết rất nhiều vì đói rét, vì lao động kham khổ!
Một hôm anh nhận được gói quà thăm nuôi do gia đình gởi vào. Trong đó có tấm ảnh bốn đứa con từ hai đến bảy tuổi. Bốn khuôn mặt ngây thơ, gầy ốm, phảng phất nỗi buồn thiếu vắng tình phụ tử. Anh nhìn cô gái út, ngồi không vững, phải có bàn tay của mẹ đỡ đần phía sau lưng. Năm năm sau, anh mang tấm thân tàn tạ trở về nhà. Các con lớn, còn nhớ đến cha, đã chạy ra cổng ríu rít đón mừng. Còn cô gái út sáu tuổi, ngơ ngác trước người đàn ông ốm yếu xa lạ. Mọi người bảo cô bé chào cha, bé chỉ lắc đầu, ôm lấy mẹ! Anh nhìn cô gái gầy ốm, kém tươi vui, mà lòng đau như cắt! Cô bé sinh ra trong tình trạng thiếu sữa mẹ, phải nuôi bằng nước cháo pha đường! Nhưng rồi, theo thời gian, gia đình anh đã cố gắng chịu đựng, rồi vượt qua được những thiếu thốn, cơ cực trong cái xã hội đầy tranh đua; chịu sự kỳ thị của những người của “bên thắng cuộc” đối với cá nhân và gia đình mình!
Mười năm sau, anh và gia đình được chấp thuận đi định cư tại Hoa kỳ. Nơi vùng đất mới, các con anh đã trở nên khỏe mạnh trong xứ sở văn minh, đầy đủ vật chất và ấm áp tình người. Hôm nay, nhìn cô con gái út xinh đẹp, mạnh khoẻ bước lên xe hoa, anh cảm thấy niềm hãnh diện, tươi vui đang dâng lên trong lòng. Anh không còn đếm Hạnh phúc theo tháng năm. Anh không còn cảm thấy niềm hạnh phúc gia đình mong manh như cánh hoa trước cơn bão tố phũ phàng của áp bức, bạo tàn như những năm xưa nữa!
* * *
Sau đám cưới, cô con gái chào từ giã cha mẹ để về nhà chồng. Anh bắt tay con rể mới, khi chàng trai lễ phép chào bố mẹ vợ. Anh đến bên cô gáí út đang đỏ hoe đôi mắt, nhẹ nhàng khuyên bảo: “Người xưa thường nói: xuất giá tòng phu, con gái phải theo chồng con ạ! Hôm nay con nên vui lên với niềm hạnh phúc mới, sao lại ủ dột như thế kia?” Cô gái lặng lẽ tiến đến ôm chầm lấy cha mẹ, miệng mỉm cười mà nước mắt rưng rưng…
Sáu năm thơ ấu của cô con gái út sống cơ cực với mẹ và anh chị ở Sài gòn cũng là thời gian cay đắng của anh trong trại tù “cải tạo”. Và khi định cư ở nước ngoài, sau mười năm sống gần cha mẹ, hưởng hạnh phúc mái ấm gia đình chưa được bao lâu, cô gái út lại lên xe vu quy. Hạnh phúc đã thoáng qua mau, thật mau!
Hôm rước dâu, anh đứng cạnh cửa dõi trông con gái lên xe về nhà chồng. Đàng sau khung kính xe, con gái anh đưa tay lưu luyến vẫy chào. Anh nhìn theo, theo mãi cho đến khi chiếc xe rẽ ra đường lộ, hòa nhập vào dòng xe cộ chạy về hướng bắc, đến một thành phố đông đảo người Việt ở miền bắc California. …
Anh thơ thẩn bước ra hiên, ngồi trên chiếc xích đu nhìn chậu hoa cúc con gái mới mua về trưng bày ở vườn sau nhà. Cây hoa đã già, nhưng vẫn còn gắng gượng trổ vài bông hoa cuối mùa. Chẳng khác một nụ cười héo hắt trước khi tàn úa. Anh chợt nhớ đến bài Hoa Cúc Vàng của cố thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật. Nhà thơ ấy đã diễn tả nỗi buồn sau lần vợ đến thăm trong trại tù “cải tạo”:
Chỗ em đứng chờ anh ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay
Nghĩ hoài sống mũi cay cay
Mấy năm mới được một ngày gặp nhau
Hạnh phúc thường hay qua mau
Vắng nhau thì nhớ ở đâu cũng buồn
Tự dưng thương ghế thương bàn
Nơi em đã để cho làn hương rơi Anh muốn kêu lên em ơi, Nhớ gì nhớ đến chết người như không
Tay vò hoa cúc nát lòng
Vàng phai hay ý chờ mong nhạt nhòa?
(Nguyễn Hữu Nhật)
Bài thơ này đã được một bạn đồng tù ở trại Thanh Cẩm phổ nhạc năm 1979 và được anh em đồng cảnh thầm hát trong những lúc nhớ nhà ở Miền Nam xa xôi. Ngày trở về, anh vẫn ngâm nga những câu thơ của nhà thơ nổi tiếng ấy - người cùng hoàn cảnh tù “cải tạo” với anh. Những câu thơ ấy anh đã ngâm nga trong lúc buồn bã, cảm khái cho thân phận mình. Anh không ngờ nó đã khiến cho cô gái út, sau những ngày đầu lạ lẫm với người cha “xa lạ” mới về, bỗng thích thú khi nghe bài thơ ấy!
* * *
Trời đã về chiều. Một cánh hải âu bay qua, lưu lại tiếng kêu lê thê vang vọng trong không trung, buồn não nuột. Quá khứ xa xôi thỉnh thoảng hiện lên trong lòng anh, kẻ tha hương lữ thứ cũng giống như cánh chim di thê kia!. Có lẽ không có một thứ “cháo lú” nào khiến anh quên được những hình ảnh đau thương trong cái quá khứ đen tối ấy. Của cá nhân anh, của gia đình anh và nhất là cô gái út của anh, người con gái đã được sinh ra trong ngày tàn của cuộc chiến, ngày khởi đầu của một xã hội n, đạo đức suy tàn.
Nay thì cái quá khứ đen tối ấy đã lùi xa bên kia bờ biển Thái Bình mênh mông . Nhưng hạnh phúc của những ngày vui tại miền đất tỵ nạn đã thoáng bay nhanh quá! Hôm nay, những hoa cúc vàng cuối thu bỗng khơi lại trong lòng anh những cảm giác năm xưa. Mấy mươi năm mà cứ ngỡ hôm nào, ngày còn nằm trong trại “cải tạo” CS, nhớ nhà ngâm nga hát thầm bài Hoa Cúc Vàng, mong một ngày trở về Miền Nam. Để tìm lại chút hạnh phúc đơn sơ, ấm áp với gia đình. Để ngắm nhìn hoa mai, hoa cúc nở rộ trong dịp Tết Nguyên Đán như những ngày thanh bình và hạnh phúc năm xưa…
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
No comments:
Post a Comment