Friday, July 1, 2022

ÁNH MẮT NĂM XƯA

_____________________________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

Chi Khu Định Quán - 1966/72

Chiếc xe chở khách của Công ty Du lịch Sàigòn bon bon chạy trên đường đi Đà Lạt. Qua khỏi cầu La ngà, xe bắt đầu vượt lên những đồi dốc trên Quốc lộ 20. Xe chậm lại khi lên đồi 110 – trước đây là đồi Trương Văn Phúc, tên của một chiến sĩ VNCH đã hy sinh trước năm 1975. Sau khi xuôi dốc, xe ngừng lại trước khu chợ Định Quán để du khách ăn uống nghỉ ngơi chốc lát.

Tân nhìn quang cảnh nơi đã từng làm việc hơn bốn mươi năm trước đây. Vẫn những mỏm đá vươn cao, chồng lên nhau, lấn sát quốc lộ; vẫn ngôi chùa đối diện khu chợ. Tuy nhiên không còn căn nhà gỗ anh đã ở trước đây, bên cạnh ngôi chùa. Quán nước anh đang ngồì - trước kia là quán ăn Rô be- nay đã cũng đã đổi chủ. Nhà cửa phố xá ở mặt lộ, trong lòng chợ... trông vắng vẻ tiêu điều, khó nhận ra những nét quen thuộc ngày xưa. Bỗng nhiên, bên kia đường, cửa tiệm với bảng hiệu “Tiệm Khâm Hương, Chụp hình Digital…” khiến anh ngạc nhiên lẫn vui mừng. Đã hơn bốn mươi năm rồi, kể từ ngày anh đến làm việc tại quận Định quán, và nhất là sau cuộc đổi đời 1975, tiệm Khâm Hương vẫn còn đó sao?

                                                                    *  *  *

Tân đến nhận nhiệm sở tại Định quán vào một buổi chiều cuối năm 1970. Sau khi vào gặp Đại úy Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng, anh được mời một “chầu nhậu sơ giao” tại quán Rô-be. Chủ quán là một ông già thuộc “dân Tây”, đến mở quán từ lâu tại thị trấn nhỏ trên quốc lộ 20, cạnh “núi đá ba chồng”. Những chuyến xe đò từ Sàigòn đi Đà lạt, thường dừng lại đây để khách ăn trưa, nghỉ ngơi chốc lát trước khi xe chạy tiếp một đoạn đường dài lên dốc, qua đèo. Xe sẽ đến Đà lạt khi trời vừa xẩm tối. Hôm ấy, ông già Rô be đem một chai rượu Tây lâu năm hiệu Napoléon ra mời tân Phó quận mới đến nhậm chức.

  Những ngày sau đó, Tân bị nhức đầu, đau răng. Một phần do anh chưa quen uống rượu mạnh. Nhưng vì xã giao anh không thể từ chối những cuộc nhậu liên tiếp với các viên chức xã ấp địa phương , các trưởng chi sở trong quận. Theo lời chỉ dẫn  của người địa phương, anh đến tiệm Khâm Hương để chữa răng… Ông chủ Khâm Hương quê ở Miền Bắc, theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Ông bà có hai con. Người con gái giống mẹ, nước da trắng, môi hồng và đôi mắt to, tròn long lanh như hai hạt nhãn, đang học trung học. Người con trai út giống bố, nhanh nhẹn tươi cười, còn học tiểu học. 

 Khi bước vào tiệm, gặp ông Khâm Hương Tân trình bày bệnh tật của mình:

- Chào chú, tôi có chiếc răng bị đau, nhưng không có thì giờ về Sài gòn để chữa trị. Chắc chú chữa cho tôi được chứ?

          - Dạ được! Chữa răng là nghề chuyên môn của tôi. Nghe tin Ông về làm việc ở đây, mà chưa có dịp mời ông đến nhà chơi. Nay ông quá bộ tới đây, thật hân hạnh cho chúng tôi quá!  Xin mời ông vào phòng răng bên trong để tôi xem răng ông đau thế nào…

         Thầy thuốc Khâm Hương, tuy thiếu bằng cấp nhưng dư tay nghề, có phòng răng cũng khá sạch sẽ, hợp vệ sinh, nhiều y cụ tối tân chẳng khác một phòng răng ở Sàigòn! Ông xem xét chiếc răng sâu nằm trong cùng hàm dưới, chích thuốc tê và bắt đầu nhổ. Ông làm một mình, không cần phụ tá, nhanh nhẹn, gọn gàng và tạo cho bệnh nhân cảm giác thoải mái, ít đau đớn. Xong ông cho bệnh nhân ngậm một cục bông gòn lớn để cầm máu và khuyên anh về ngậm nước muối và đá lạnh cho đến khi máu hết chảy ra…

        Khi ông Khâm Hương tiễn chân Tân ra về, anh thấy một một cô gái trắng trẻo, áo dài thướt tha bước vào nhà. Thấy có khách lạ, cô gái cúi đầu toan bước vào trong, nhưng ông chủ nhà đã gọi lại giới thiệu:

- Con gái lớn của tôi đó. Cháu nó vừa đi học về. Chào Ông đi con!

Cô gái ngẩng lên lí nhí câu chào. Nhìn người khách lạ đang ngậm miếng bông gòn, tay ôm má, cô gái mở to đôi mắt nhìn, tay che miệng cười và bước vội vào trong.

 Một buổi trưa cuối tuần, Tân đang nằm đọc sách trong căn nhà gỗ cạnh chùa, một iỗngười bạn sĩ quan Chi khu đến nhắc lời mời anh đi ăn giỗ tại nhà ông Xã trưởng. Sau buổi tiệc hôm đó Tân khá say, phải nhờ người bạn sỹ quan đưa về nhà. Chân nam đá chân xiêu, Tân bước lên thềm, loay hoay mở cửa vào nhà. Trong lúc đang nằm mắt lim dim, đầu óc quay cuồng, anh bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tiếng gõ se sẽ rụt rè , rồi ngưng lại. Sau đó có tiếng bước đi, rồi tiếng gõ trở lại mạnh hơn. Khi anh bước ra mở cửa đã thấy hai người con ông Khâm Hương. Cô gái mỉm cười, nhẹ nhàng đưa anh ly đá chanh mát lạnh. Cậu em cẩn trọng đưa bình trà nóng và tách uống trà. 

Cô gái bối rối một lúc rồi cất giọng nhỏ nhẹ:

- Dạ, Bố cháu xin gửi Ông ly nước chanh và ly trà nóng để chú uống cho khỏe…

Anh chưa kịp nói lời cám ơn, cô gái đã cúi chào, mắt long lanh, má đỏ ửng, bước vội ra đường trở về nhà.                                                             

                                                                ****                                                       

Đầu năm 1971,  theo tin tức tình báo, ông  Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng tỏ ra lo lắng tình hình an ninh tại đây. Ông nhờ Cố vấn Mỹ yểm trợ cọc sắt kẽm gai để rào mặt sau Chi khu quân sự. Trái với dự đoán, địch không về quấy phá các Ấp bên ngoài thị xã Định quán, nhưng đã tạo một thiệt hại nặng và bất ngờ bên trong Chi khu. Đêm hôm ấy trời không có ánh trăng. Khoảng nửa đêm, có tiếng chó sủa bên văn phòng Cố vấn Mỹ. Bỗng nhiên đèn điện tắt ngóm, cả Chi khu và bên Cố vấn Mỹ chìm vào bóng tối.  

Bỗng có tiếng chạy rầm rập và nhiều bóng đen chạy trong sân Chi khu. Tiếp theo là hai tiếng nổ ầm ĩ phát ra từ Văn phòng quận, rồi sau đó một tiếng nổ khác nơi  lô cốt trước vòng rào Chi khu.  Từ phòng ngủ trong Chi khu, Tân nhìn ra, không thấy  Văn phòng Quận đâu  cả, chỉ còn trơ lại mảnh tường chơ vơ, loang lổ. Tư thất của Quận trưởng phía sau Văn phòng bị sập một nửa. Sáng sớm hôm sau, Tân lái xe đi ăn sáng, và nhân thể tìm hiểu thêm tin tức cư dân  bên ngoài. Khi lính gác mở cổng Chi khu, anh thấy đám người hiếu kỳ đang đứng trước vòng rào nhìn cảnh hoang tàn đổ nát bên trong. Có tiếng ông Khâm Hương reo lên khi trông thấy anh:

- Chào ông! Ông có bị thương tích gì không ?

Tân lắc đầu, đưa tay chào những người dân đã quan tâm đến tính mạng của anh. Trong đám người hiếu kỳ xôn xao chào hỏi, anh thoáng thấy một khuôn mặt tái nhợt, với đôi mắt mở to đầy lo âu, đen láy như hai hạt nhãn. Anh kịp nhận ra người con gái của ông bà Khâm Hương đang đứng trong đám đông..

 Đầu năm 1973, Tân được lệnh về Tỉnh, nhận nhiệm vụ mới. Hôm rời quận, một buổi trưa thứ Bảy, ông bà Khâm Hương mời Tân cùng một sĩ quan bạn thân đến dùng cơm.  Đã lâu lắm, hôm nay Tân mới được thưởng thức những món ăn đặc biệt của miền Bắc do bà Khâm Hương cùng cô gái “Bắc kỳ nho nhỏ” của họ nấu nướng. Sự tiếp đãi  ân cần,quý mến của họ khiến anh thấy ấm lòng. Sau bữa ăn, anh chào từ giã để lên xe cùng người bạn sĩ quan về Sài gòn. Ông bà Khâm Hương cùng cô con gái tiễn anh ra tận xe đậu trước cửa tiệm. Anh lưu luyến chào ông bà rồi quay sang nói với cô con gái đứng bên mẹ:

- Cám ơn cháu và mẹ cháu đã đãi một bữa ăn với nhiều món “đặc biệt Bắc kỳ” thật ngon! Mong cháu học hành đỗ đạt để còn lên đại học nữa chứ!

Cô gái e thẹn đáp lời:

- Dạ, cháu xin cám ơn Ông.

Lời khen ngợi, khuyến khích của Tân không làm cho đôi mắt cô gái bớt u buồn. Xe Tân đi rồi, ánh mắt của cô còn trông theo, cho đến khi chiếc xe khuất xa nơi triền dốc Định Quán. 

                                                                    * * *

Sau lần chia tay với gia đình Khâm Hương, Tân về làm việc tại quận Xuân Lộc và không có dịp nào về Định Quán thăm lại họ lần nữa. Đầu tháng 3 năm 1975 địch quân bắt đầu tấn công vào Phương Lâm, La Ngà; cuối cùng chiếm chi khu quân sự Định Quán.  Hơn nửa tháng sau, gần ba sư đoàn của địch tấn công Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh. Suốt mười hai ngày đêm, sư đoàn 18 của thiếu tướng Lê Minh Đảo, cùng các đơn vị địa phương quân, các đơn vị Nhảy Dù, Biệt động quân đã chống trả mãnh liệt. Cuối cùng, đêm 20 rạng 21 tháng Tư, Tân cùng  quân, cán, chính quận Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh  đã rút lui theo Sư đoàn 18, qua ngã Bình Ba, Bình Giã, về đến Phước Tuy an toàn.

Một thời gian dài sau đó, với sáu năm trải qua những tháng ngày bị đày ải trong những trại tù “cải tạo” từ Nam đến Bắc, anh đã sống sót để trở về  với gia đình tại Sài Gòn. Rồi anh xin vào làm việc ở một hãng sản xuất đồ nhôm gia dụng thuộc Quận 6, gần cầu chữ Y. Mỗi chiều, sau một ngày làm việc cực nhọc, Tân được người chủ- một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa- mời ở lại dùng cơm, uống với ông ta vài chung rượu thuốc để giải sầu.

Khoảng năm 1983, có chiếc tàu chở người “vượt biên bán chính thức” - đa số là người Hoa - đã bị chìm tại chân cầu chữ Y vào một đêm tối trời.  Những hôm anh đạp xe về nhà trong tình trạng chếnh choáng hơi men, sau những ly rượu thuốc tình nghĩa của ông chủ hãng nhôm, Tân thường dừng lại trên cầu chữ Y. Nhìn dòng nước đục cuồn cuộn dưới chân cầu, anh như thấy ẩn hiện những đôi mắt trợn trừng, những cái mồm há hốc kinh hãi trước khi chìm xuống dòng sông oan nghiệt.

Giữa năm 1992, Tân cùng gia đình đến được bến bờ Tự do. Và rồi, với lòng nhớ thương những thân quyến còn ở lại Việt Nam, cùng những người dân tốt bụng ở địa phương xưa kia anh đã từng phục vụ,  anh đã trở về thăm lại quê hương cũ. 

                                                                 * * * 

Trưa hôm ấy, khi bước vào cửa tiệm “Khâm Hương - Chụp Hình Digital” Tân thấy một thanh niên đang ngồi trước máy vi tính, hí hoáy sửa lại tấm hình lên trên màn ảnh nhỏ. Anh lên tiếng hỏi:

- Này cậu, có phải đây là nhà ông Khâm Hương không?

Cậu thanh niên dè dặt đáp: 

- Dạ phải…Nhưng chú là ai mà biết Ba tôi?

Với một tia hy vọng vừa nhóm lên trong lòng, Tân đáp:

- Tôi là bạn cũ của Ba cậu, từng làm việc ở quận Định quán trước năm 1975, muốn gặp Ba cậu trong chốc lát.

Cậu thanh niên vào bên trong, dìu một ông già gầy ốm bước ra. Ông già nheo mắt nhìn anh: 

- Thưa ông là ai và gặp tôi có việc gì cần không?

Anh nhìn ông chủ tiệm một thời mập mạnh, tươi trẻ mà nay trông quá già nua ốm yếu. Anh nở nụ cười xót xa :

- Chú Khâm Hương không nhận ra tôi sao? Hồi trước năm 75’ chú nhổ răng cho tôi mà nhất định không nhận tiền đó, chú nhớ không? 

Ông già Khâm Hương móm mém cười, quay vào bên trong gọi vợ:

- Ông Phó hồi xưa thường đến nhà mình chơi đó…Nghe nói ông sang định cư ở Mỹ phải không? Lâu quá mới gặp lại ông, nay tôi không nhận ra, thật có lỗi với ông!

Anh nhìn ông bà Khâm Hương. Ông đã gần 70 nhưng trông già trước tuổi. Bà vợ có vóc dáng còn mạnh khỏe, trẻ trung hơn, đôi mắt vẫn còn đẹp như ngày anh làm việc ở quận này. Khi được biết ông Khâm Hương bị bệnh tiểu đường, anh an ủi, khích lệ ông và biếu ông một số tiền để mua thuốc. Họ cảm động vui mừng vì cuộc hội ngộ bất ngờ hôm nay. Anh nhìn căn nhà vắng người, hỏi ông Khâm Hương:

- Tôi đi Đà Lạt chơi, ghé đây ngồi uống nước quán bên kia đường. Khi thấy bảng hiệu Khâm Hương, sực nhớ đến chú. Chắc chú cho người ta thuê hành nghề chụp hình phải không?

Bà Khâm Hương trả lời thay chồng:

- Thưa, đâu có cho ai thuê. Ông không nhận ra cháu út ngồi đó sao?

Tân  sực nhớ lại cậu em út này, ngày xưa cùng người chị bưng trà nước sang căn nhà gỗ của anh bên kia đường.

Anh hỏi ông bà Khâm Hương:

- Thế cô Hồng đâu rồi? Đã có gia đình, tay bồng, tay bế gì chưa?

Một thoáng im lặng bao trùm căn nhà mà ngày xưa, nơi đây tràn đầy tiếng cười vui của ông bà Khâm Hương và của khách hàng ra vào. Bỗng dưng, ông bà đưa mắt nhìn nhau, rồi bà Khâm Hương cúi mặt nức nở, đôi vai rung lên: 

- Cháu nó mất rồi ông ạ! Sau năm 75’, nó lấy chồng người Hoa ở Chợ Lớn, có một đứa con trai kháu khỉnh lắm. Hồi năm 85’, hai vợ chồng đóng mười mấy “cây vàng” để vượt biên bán chính thức. Không ngờ đêm đó tàu đến chân cầu chữ Y thì bị chìm, chết cả vợ chồng con cái. Chết tức tưởi, tội nghiệp quá!

Tân nhìn ông bà Khâm Hương. Họ như hai thân cây héo úa, rũ xuống vì thương nhớ người con gái và đứa cháu ngoại của họ. Anh cúi mặt để dấu dòng nước mắt đắng cay, thương cảm cho số phận bi thảm của người con gái dễ mến của họ.                                         

                                                            * * *

Trước khi từ giã ông bà Khâm Hương, Tân nắm chặt đôi tay gầy guộc, lạnh lẽo của ông và nói lời an ủi, khích lệ. Trời đã về chiều. Mỏm đá ba chồng bên kia đường in bóng trên bầu trời xanh ngắt, vẫn im lìm đứng đó trong bao nhiêu thiên niên kỷ. Nó đã chứng kiến bao cảnh binh đao, chết chóc xảy ra trên mảnh đất khốn khổ này! Anh như thấy lại nơi vách đá núi đá khô cằn đó có bóng đôi mắt trong sáng, đen láy như hai hạt nhãn, ánh lên vẻ dịu hiền của người con gái tên Hồng năm xưa.

Anh nhìn lần cuối quang cảnh khu chợ Định quán. Nơi đây lịch sử đã diễn biến với biết bao sự kiện: đặc công VC đánh sập Văn phòng quận  năm 1971, sau đó chúng đánh chiếm quận lỵ Định quán vào đầu năm 1975.                                                                                                                                                                      



Lịch sử đã sang trang, tất cả đã theo vận nước nổi trôi. Tuy nhiên hình ảnh đôi mắt năm xưa vẫn còn đậm nét trong tâm hồn anh. Suốt bao năm sống tha phương tỵ nạn nơi hải ngoại, anh vẫn mong ước một ngày trở lại quê xưa. Anh muốn về lại địa phương anh đã từng phục vụ trong hơn hai năm - với biết bao hiểm nguy, bao vui buồn, bao đắng cay lẫn ngọt bùi - chỉ mong gặp lại những gương mặt thương mến cũ.  Nhưng tất cả đã đổi thay, kể cả đôi mắt năm xưa mà nay không còn trên cõi đời này nữa! 

TamBáchĐinhBáTâm                                                                                                             

No comments: