Saturday, July 9, 2022

QUÊ NGOẠI NĂM XƯA

 __________________________________

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

  http://www.quocgiahanhchanh.com/QueNgoai.jpg


Sáng hôm ấy trời bỗng dưng trở lạnh, âm u với mưa phùn lất phất bay. Mùa đông đã đến miền Nam California rồi. Qua khung cửa kính, tôi nhìn làn mưa giăng giăng khắp bầu trời mà nhớ đến quê nhà xa xăm bên kia vòng trái đất. Trong hơn nửa thế kỷ qua, những quãng đời lạnh lẽo mưa gió thỉnh thoảng lại xảy đến, như những khoảng tối một bức tranh vân cẩu cuộc đời. Đó là thời gian ở trại tù “cải tạo” Thanh Hóa năm 1976. Đó là lúc trốn chạy Việt Minh đến Huế năm 1954. Đó là thời gian còn là một học sinh tiểu học ở làng quê miền trung tỉnh Bình Định, trong những năm sống  trong vùng “kháng chiến”của Việt Minh trước 1954. Và cho đến nay cái cảm giác lạnh căm căm của những buổi chiều mưa phùn gió bấc, co ro trong chiếc áo ngắn tay, cổ hở… trên đường đi học về, vẫn còn vương vấn trong lòng tôi. Đó cũng là thời gian chúng tôi sống ở quê ngoại -một làng quê có phố xá khá trù phú, cách huyện lỵ Phù Mỹ chín cây số về phía đông. 

*  *  *

            Khoảng năm 1950, khi chiến tranh chống Pháp bắt đầu lên cao độ, Ông Bà ngoại tôi di chuyển về một căn nhà gần núi, nhường hai căn nhà ngoài phố chợ cho mẹ tôi. Với gia đình có năm con nhỏ, thiếu vắng người cha vì bận đi công tác xa, mà phải sống trong căn nhà rộng thênh thang cũ kỹ, Mẹ tôi luôn cảm thấy quạnh hiu, lạnh lẽo! Tôi và bốn em nhỏ cùng mẹ đã trải qua cuộc sống như thế  trong sự hoang phế nghèo nàn ở một nơi từng có một thời kỳ huy hoàng sung túc. 

Ông ngoại tôi năm xưa là “Đốc học” của ngôi trường duy nhất trong làng. Trong quá khứ, vị hiệu trưởng ấy đã xếp “cái bút cái nghiên” của một nền Nho học về chiều …để ra Huế học tiếng Pháp tại trường Pellerin.  Nhưng vị công tử tân học đã không quên được nếp sống phong lưu của nền văn hóa cổ truyền. Đó là môn giải trí Hát Bội. Ông tôi đã thuê một gánh hát từ thành phố Quy nhơn về làng; rồi dựng rạp, nuôi đào kép để trình diễn “miễn phí” cho bà con làng xóm xem chơi. Trong khi đó, Bà tôi lo dành dụm tiền bạc, mua xe kéo gọng đồng để Ông tôi đến trường dạy học, hoặc thỉnh thoảng đi chơi xa. Bà tôi còn tảo tần buôn bán, sắm xe hàng chở thuốc lá từ làng quê đến các thành phố lớn để bán, trong số đó có cả Sàigòn, thuộc xứ Nam kỳ ! 

            Tôi đã từng thấy trong những bức ảnh còn lưu lại, Ông tôi ngồi chễm chệ trên hàng ghế danh dự trước sân khấu, cầm dùi đánh trống chầu, cổ võ cho các đào kép diễn tuồng. Về sau, khi gánh hát bội đã vãng, trả lại rạp, trở về Quy nhơn, Ông tôi đã âm thầm đi theo.  Thật ra, không phải Ông tôi say mê tài nghệ của đoàn hát, nhưng  do “phải lòng” cô đào chính tên cô Tư! Bà tôi dẫn gia nhân đi “đánh ghen”, tìm thấy cô Tư ở một làng quê gần Quy nhơn.  Nhìn Ông tôi đang nằm chèo queo trong căn nhà nghèo nàn nhỏ hẹp, Bà tôi muốn rơi nước mắt. Bà gọi cô Tư ra để “nói phải quấy”, sau đó tìm cách mua chuộc, hăm doạ… Tuy nhiên cô Tư vẫn một mực thú nhận “đã nặng tình thương yêu” Ông tôi, nên không thể sống thiếu Ông được! Cuối cùng Bà tôi đành hợp thức hóa mối tình vụng trộm. Và để “cứu vãn danh dự”, Bà đưa cô Tư về sống chung cùng Ông Bà -với thân phận thê thiếp. 

Nếu những cảnh đời ngang trái, phụ bạc trên sân khấu đã được cô Tư đóng tuồng dễ dàng bao nhiêu, thì cuộc sống thê thiếp khi về ở với Ông Bà tôi, thật khó khăn bấy nhiêu. Để rồi, đến khi Ông tôi nhận ra cô đào chính của gánh hát bội với “xiêm y sặc sỡ, má phấn môi son” một thời, nay không còn nữa, ông tôi bỗng chán chường, muốn cho cô trở về quê cũ… Bà tôi hết lời, can ngăn cũng không được, đành tặng cô Tư một số tiền để về quê sinh sống. Còn Ông tôi, từ đó không còn dựng rạp thuê gánh hát về trình diễn  nữa. Ông học tuồng, mua “áo mão cân đai” dành cho đào kép hát bội, cùng bạn bè tự trình diễn tại tư gia! Sau đó Ông vào Sài gòn mua một máy hát hiệu Pathé, cùng một số dĩa nhựa hát cải lương để thỉnh thoảng mở máy cho bà con xóm làng thưởng thức. See the source image

*  * *

            Sau năm 1963, chiến tranh lan tràn đến vùng quê, Ông Bà tôi di tản vào Sài gòn, bỏ lại cơ ngơi của một thời phong lưu nơi phố thị. Trong cảnh xa quê cũ, Ông tôi thường tìm đến bạn bè đồng hương để nhắc lại cảnh cũ người xưa; hoặc để cùng nhau xướng họa thi phú.  Trong một dịp tình cờ ở hải ngoại, tôi được một người bạn đồng hương tặng cho thi tập “Tuổi Hạc Tình Thơ” của cụ Lê Bính (bút hiệu Khiêm Đức), xuất bản năm 1987 tại California. Thật là một món quà quý báu, đáng trân trọng! Trong tập thơ, tác giả kể lại  cuộc gặp gỡ bất ngờ kỳ thú của hai vị lão niên cùng làng quê. Sau đó, để ghi lại cảm xúc của kẻ “tha hương ngộ cố tri”, Ông tôi đã tặng cho tác giả Lê Bính một bài thơ thất ngôn bát cú và tác giả đã cảm tác một bài thơ họa lại… Hai mươi tám năm sau (1959-1987), ở vào tuổi hạc của cuộc đời, tác giả tập thơ vẫn còn nhớ rõ hoàn cảnh hai kẻ tha hương đã gặp gỡ, cũng như hai bài xướng họa của hai bạn già cố tri. Tác giả kể lại như sau:

             “… Năm 1959, tôi đau nặng phải vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, gặp Cụ cũng nằm dưỡng bệnh tại đây. Đến ngày tôi xuất viện trước để về Qui Nhơn, Cụ có tặng cho tôi một bài thơ, xin chép lại dưới đây:

Mừng bác nay mai đã tới nhà,
Phần tôi còn phải ở nơi xa,
Nhờ thăm bể Nại thay cho với,
Cậy viếng non Yên chút kẻo mà.
Bầu bạn ai ai dầu hỏi đến,
Sự tình ấy ấy cứ phân qua.
Còn tôi với bác không cần phải,
Một chén dương-quan cũng đủ là……”

            Đọc bài thơ trong thi tập của tác giả Lê Bính, tôi thật  cảm phục Ông Ngoại tôi! Trong tâm hồn của Ông tôi- một nhà mô phạm trường làng- luôn bừng lên ngọn lửa đam mê, mê Hát Bội, và mê thi phú…

*  *  *

            Kể từ ngày rời làng quê, vào định cư ở Sài gòn, Ông tôi không bao giờ trở lại ngôi nhà ở chốn phố thị ngày xưa nữa. Cái cơ ngơi đánh dấu một thời huy hoàng sung túc, theo năm tháng và  qua bao tang thương biến đổi bởi chiến tranh, dần dần trở nên hoang phế, lụi tàn! Mãi đến hơn bốn mươi năm sau, Mẹ và các em tôi mới trở về thăm chốn quê xưa. Giữa quang cảnh nghèo nàn xơ xác của một phố thị đã xuống cấp, nhà cửa xây cất hỗn tạp, Mẹ tôi, ngồi trên chiếc xe lăn do con cháu đẩy, tìm đường đến thăm căn nhà cũ.  

            Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, do tình trạng “vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”,  những người hàng xóm đến chiếm đoạt căn nhà, triệt hạ cây cối chung quanh. Những người đến lấn chiếm đã xây cất  những  quán hàng san sát bên nhau. Nghe tin một bà cụ từ đất Sài gòn xa xôi cùng con cháu đi “xe con” đến tìm ngôi nhà của ông Đốc học năm xưa, những người hàng xóm kéo nhau đến xem sự tình. Có lẽ, một phần vì tò mò, phần khác do “bản năng tự vệ”. Có lẽ họ nghi ngờ con cháu người chủ cũ đem bằng khoán đến đòi lại nhà chăng ? Hôm ấy sắp Tết, nhưng hàng quán vắng vẻ đìu hiu.  Em tôi mời Mẹ già dừng chân nơi quán nước đơn sơ cạnh con đường chính vào chợ. Mẹ tôi đoán chừng nơi đây là vị trí của chiếc cổng ngôi nhà cũ. Cô giáo của năm mươi năm trước nhìn người chủ  quán, nhận ra một cô học trò cũ mà nay đã quá tuổi xuân thì, bèn lên tiếng hỏi:              

            - Có phải cô đây là con bà Đang “dệt vải”, hồi trước ở gần nhà ông Đốc không?

             Có lẽ cô cựu học sinh đã không nhận ra cô giáo năm xưa nên dò hỏi: 

            - Dạ phải!... Bà cụ là ai mà biết mẹ tôi? 

        Mẹ tôi thong thả đáp:  

 - Hồi xưa gia đình bà Đang là “láng giềng tốt” của gia đình tôi. Tôi là cô giáo D. con ông Đốc, đã từng dạy các cô ở lớp 4 trường làng, cô còn nhớ không? Hôm nay tôi muốn đến thăm ngôi nhà năm xưa từng ở nơi đó…  

            Cô học trò cũ bèn chỉ một khoảnh đất trống phía sau quán:                        

            - Ở đằng sau kìa, cô giáo à!

            Trước khi rời quán, Mẹ tôi tặng cho cô chủ quán  một phong bì đỏ và ân cần nói:

            - Năm hết Tết đến, tôi gởi cô một món quà để “lì xì” các cháu. Cầu mong cô làm ăn khấm khá, năm mới phát đạt hơn năm cũ!    

            Chiếc xe lăn chở Mẹ tôi dừng lại trước nền nhà  mọc đầy cỏ dại. Cụ bước ra khỏi xe lăn, theo con cháu đến bực thềm căn nhà xưa. Mẹ tôi cúi mặt dấu những giọt nước mắt xót xa đau buồn. Người con trai rút trong túi xách bốn thẻ nhang, bao diêm, châm lửa đốt , rồi trao cho mẹ… Cách đó không xa, đám con cháu của người “láng giềng tốt” ngày xưa nhìn một hoạt cảnh lạ lùng xảy ra lần đầu nơi đây! Mẹ tôi run giọng khấn khứa, khi đưa bốn thẻ nhang nghi ngút khói lên vái tứ phương:

            “Hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi về khu nhà xưa, thắp nén hương để cảm tạ Thần hoàng Thổ địa đã còn giữ được nền nhà cũ. Nơi đây cha mẹ chúng tôi đã dày công xây dựng nên sự nghiệp…  Do chiến tranh lan tràn chúng tôi hấp tấp bỏ nhà bỏ cửa chạy giặc, không kịp xin phép khi ra đi. Xin quý Thần hoàng Thổ địa tha thứ việc sơ xuất  của kẻ vốn kính trọng thần linh, không vong ơn bội nghĩa…”

            Giữa không khí im lìm ở một làng quê vắng vẻ, cạnh một đám khán giả tò mò đang im lặng theo dõi, giọng Mẹ tôi vang lên sang sảng như giọng cô giáo trẻ năm mươi năm về trước. Khấn vái xong, bà đi quanh nền nhà, cắm bốn cây nhang ở bốn góc nền, rồi mỉm cười chào từ biệt đám người đang lo lắng nhìn hoạt cảnh.  Xong, Mẹ tôi cùng các con lên xe ra về…

*  *  *

            Xem cuốn Video “Về Thăm Quê Cũ” của người em trai từ Việt Nam gởi sang, sau Tết năm ấy khiến tôi xúc động. Hình ảnh  Mẹ tôi ngồi trên chiếc xe lăn do các em  đẩy trên nẻo đường quê cũ, lồng vào tiếng hát “Quê Hương Tuổi Thơ” thật nồng nàn, tha thiết. Tất cả đã làm tôi bâng khuâng mãi. 

Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi…..
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
 Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày…..

            Tôi như sống lại những đêm thắp đèn dầu đến trường học của thập niên 1950. Hồi ấy, hàng đêm, các học sinh nam nữ  ríu rít đi bên cô giáo đến lớp học, đẹp như  cảnh rước đèn trung thu. Trong số đó có cô nữ sinh lớp 4, con của gia đình “láng giềng tốt” ngày xưa đã lấn chiếm khu nhà Ông Ngoại tôi để lập quán cà phê! Tôi muốn trở về khu phố chợ ngày xưa để tìm lại quê hương tuổi thơ của tôi, để gặp lại những gương mặt thơ ngây dễ mến thuở học trò, để nhìn lại ngôi nhà xưa với khu vườn cây trái sum sê… Nhưng nhng kỷ niệm thuở ấu thơ ấy nay còn đâu? Tôi chợt nhớ đến câu ca dao: 

                        Trăm năm dù lỗi hẹn hò
                        Cây đa bến cũ con đò năm xưa
                        Con đò đã khác năm xưa
                        Cây đa bến cũ còn lưa sờ sờ…

            Chắc hẳn Mẹ tôi đã có tâm trạng  đau buồn và ngao ngán khi nhìn thấy khu nhà thân yêu đã không còn nữa. Ngày nay, nơi đó chỉ còn lại chiếc nền nhà trần trụi, với cỏ dại rậm rạp hoang vu, ẩn mình trong một khu phố chợ nghèo nàn tàn tạ…
                       Tam Bách Đinh Bá Tâm


No comments: