____________________________________________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Vào một đêm đông lạnh lẽ nơi xứ sở tỵ nạn, Tân đang sửa soạn lên giường, bỗng chuông điện thoại reo vang. Có giọng nam nói tiếng Việt ở đầu giây bên kia:
-Alô! Cho tôi xin nói chuyện với ông Tân.
-Vâng , tôi là Tân đây. Xin cho tôi biết ai đang gọi đó?
- Tôi là Chương, Trung sĩ thông dịch viên cho cố vấn Mỹ ở quận Định Quán trước năm 1972, ông còn nhớ không?
-À! Nhớ chứ! Chào anh Chương, lâu lắm mới gặp lại anh!
Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm xưa, khi còn phục vụ tại quận “đá ba chồng” Định Quán. Hồi ấy chúng tôi thường gặp nhau hàng tuần trong các cuộc họp Lượng Giá Ấp với viên phụ tá cố vấn Mỹ tại văn phòng của họ , bên cạnh văn phòng quận, nơi Tân làm việc.
Tân đoán chắc có chuyện gì cần gấp, nên người cựu thông dịch mới vội gọi điện thoại đêm nay:
- Anh có chuyện gì quan trọng nên mới gọi cho tôi giờ này, phải không anh Chương ?
Người thông dịch viên năm xưa đáp, giọng hăng hái:
-Vâng, có chứ! Ngày hôm qua tình cờ tôi gặp lại ông J. phụ tá cố vấn Mỹ ngày xưa ở Định Quán. Ông J. còn nhớ đến ông…và có ý muốn gặp ông. Nếu ông rảnh rỗi, mình sẽ mời ông ta và cả bà vợ người Việt đi ăn ở một quán ăn nào đó trong vùng Little Sài gòn. Nhân đó, mình hàn huyên chuyện cũ... Xin ông chọn nhà hàng và cho biết tên để tôi còn thông báo cho ông J.! À, ông sẽ rất ngạc nhiên vì bà J. biết ông từ ngày còn ở Việt Nam. Bà ấy có nhờ tôi “gởi lời thăm ông Phó Định Quán” đấy nhé!
Tân suy nghĩ giây lát, rồi cho điểm hẹn: Nhà hàng Emeral Bay lúc 5 giờ chiều thứ Bảy sắp tới.
Cuộc điện đàm chấm dứt, Tân gác máy mà lòng vẫn bâng khuâng, suy nghĩ. Hình ảnh người cố vấn Mỹ khi anh còn làm việc tại Định Quán trong những năm cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất, vẫn còn hiện rõ trong tâm trí anh... Nhưng anh lại thắc mắc: bà vợ ông phụ tá cố vấn Mỹ này là ai mà biết anh khi làm việc ở quận “núi đá ba chồng”?!
****
Tân đến quận Định Quán nhận nhiệm sở vào một ngày cuối năm Âm lịch - chiều 30 Tết. Ngay buổi chiều, ông Xã trưởng đến văn phòng hành chánh mời Thiếu tá Quận trưởng, Phó quận, cố vấn Mỹ , cùng các sĩ quan Chi khu, các nhân viên văn phòng quận đến tư gia dự tiệc tất niên. Nhân thể cũng để chào mừng ông Phó mới! Ông Quận trưởng bận công tác nên không tham dự. Viên cố vấn trưởng Mỹ cũng cáo từ và đề cử ông J , người phụ tá đặc trách cố vấn hành chánh- đi thay. Ngoài các quan khách cấp Quận và Chi khu, gia chủ cũng mời các các hội viên Hội đồng Xã, các chủ trại cưa…
Trong đám người nhà bận rộn bày bàn, dọn thức ăn, Tân để ý thấy một cô gái trẻ, độ tuổi mười tám đôi mươi, có gương mặt xinh đẹp mặn mà. Thân hình cô ta cao ráo, dáng uyển chuyển trong mỗi bước đi. Cô là con gái của một chủ trại cưa ở ấp 110 gần quận lỵ. Nghe nói cô ta đã học xong bậc Trung học và có học thêm Anh ngữ ở một trường tư thục tại Sài Gòn… Do đó cô ta có thể đối đáp vài câu ngắn gọn với ông cố vấn Mỹ trẻ tuổi, khi ông khen ngợi nhan sắc của cô và các món ăn do cô nấu nướng.
Quận “đá ba chồng” Định Quán nằm trên quốc lộ 20, trên đường Sài gòn-Đà Lạt, cách Sài gòn 110 km. Tại thị trấn Định Quán có nhiều chủ trại cưa, chủ xe be chuyên nghề khai thác lâm sản… Nơi đây chẳng có một phương tiện giải trí nào, kể cả một rạp hát hoặc một rạp chiếu bóng bình dân. Cho nên ngoài việc đi rừng đốn cây vất vả, thường phải đối đầu với thú dữ, với thời tiết khắc nghiệt, nên người thợ rừng, những khi rảnh rổi thường tổ chức æn ống nhậu nhẹt.
Buổi tiệc tất niên tại nhà ông Xã trưởng đêm 30 Tết cũng không ngoài đặc điểm ấy. Những món ăn toàn thịt thú rừng như nai, mễn, heo rừng, hoặc động vật nhỏ như chồn, nhím… được xào, nấu, nướng thành những món ngon đặc biệt, để khách thưởng thức cùng với các loại rượu mạnh của Pháp, nhãn hiệu VO hoặc VSOP. Cho nên mọi người trong bàn tiệc cảm thấy rất thích thú, khiến không khí buổi tiệc càng về chiều càng thêm vui vẻ sinh động.
Bỗng ông J. chỉ cô gái, nói nhỏ với Tân:
-Cô ấy mạnh khỏe, nhanh nhẹn như vậy rất thích hợp với mẫu người mà chúng tôi đang cần tìm, để phụ giúp công việc trong văn phòng cố vấn !
Viên cố vấn Mỹ nói thêm:
-Này ông Tan! Nhờ ông nói với cô ấy đến văn phòng chúng tôi để ghi danh nhé! Chúng tôi đang cần người giúp việc lắm…
Tân gật đầu cho viên cố vấn Mỹ vui lòng, nhưng anh không sốt sắng lắm với công việc viên cố vấn nhờ cậy. Anh nghĩ, chắc gì cô gái con ông chủ trại cưa giàu có này nhận lời? Bởi vào thời ấy, “làm sở Mỹ” là công việc dễ bị thiên hạ đánh giá thấp trong nấc thang xã hội.
Về làm việc ở quận Định Quán gần một tháng, nhưng Phó Tân vẫn chưa đi thăm các xã ấp ở xa …vì mãi bận rộn với công việc hành chánh trong văn phòng. Ngoài ra, thỉnh thoảng anh đến văn phòng cố vấn Mỹ để tham dự buổi họp Lượng Giá Ấp. Với vô số câu hỏi trong Bảng Lượng Giá về tình hình an ninh xã ấp, kinh tế, xã hội trong quận…mà Phó Tân phải thảo luận với viên phụ tá cố vấn Mỹ để Quận được đánh giá đúng thực tế. Tuy nhiên, sau những giờ phút làm việc căng thẳng, viên phụ tá cố vấn J. thường nói chuyện thân mật, cởi mở với Tân.
Một hôm, ông J. cho biết đã nhận đơn xin việc của cô Lan, con gái ông chủ trại cưa. Trong buổi họp thảo luận về Lượng Giá Ấp sau đó, khi Phó Tân và phụ tá cố vấn J. bàn thảo công việc, anh thấy cô Lan đang quét dọn gần nơi hội họp. Có lúc cô ngưng quét, kín đáo lắng nghe cuộc bàn thảo về tình hình an ninh của Quận. Tân sực nhớ bài hát Đại Bác Ru Đêm của nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn :”Đại bác đêm đêm dội về thành phố Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”….Nhưng hôm ấy, trong văn phòng cố vấn Mỹ, cô gái dừng chổi, không phải để nghe tiếng đại bác dội về thành phố, mà cô đang lắng nghe những điều cần bảo mật. Phó Tân ngạc nhiên về sự bất cẩn của viên phụ tá cố vấn Mỹ. Anh tự hỏi vì sao ông ta quá khinh xuất, không ngăn cấm cô ta quét dọn gần nơi ông ta đang bàn thảo tình hình an ninh xã ấp với viên chức thẩm quyền hành chánh cấp quận. Phải chăng ông ta đã “cả tin” về người con gái mà ông có cảm tình đặc biệt về nhan sắc lẫn sự siêng năng, cần mẫn trong công việc làm?
****
Đầu năm 1971 tình hình an ninh quận Định Quán ngày một thêm căng thẳng. Cộng quân gia tăng áp lực quân sự quanh quận lỵ. Tin tình báo ghi nhận có địch quân lẩn quất trong khu rừng tiếp gíáp với mật khu của chúng. Đã có báo cáo ghi nhận hầu hết những thợ rừng đi đốn gỗ đều tiếp tế cho địch.
Vào một buổi trưa, toán lính của ban An ninh Chi khu dẫn vào phòng tạm giam một người đàn ông trung niên phương phi béo tốt. Họ báo cáo đó là ông chủ trại cưa Ấp 110, bị bắt quả tang khi đang tiếp tế cho Việt Cộng. Buổi chiều, cô Lan đang giúp việc cho văn phòng cố vấn Mỹ, đưa đơn xin Quận Phó can thiệp với Chi khu để bố cô được thả ra. Cô gái có vẻ lo lắng, nước mắt lưng tròng…Phó Tân cho chuyển đơn qua Chi khu quân sự để giải quyết. Buổi chiều hôm ấy, Tân đến Chi khu gặp Đại úy trưởng ban an ninh ,đề nghị cho điều tra nội vụ ; và nếu không có bằng chứng, nên trả tự do cho ông chủ trại cưa Ấp 110. Viên Đại úy nhìn Phó Tân gật đầu, mỉm một nụ cười bí hiểm. Ngày hôm sau, cô Lan vào văn phòng Quận cám ơn Phó Tân, vì bố cô đã được ban An ninh chi khu cho về nhà…
Mùa đông năm 1971, tình hình an ninh quận Định Quán rất căng thẳng. Địch quân tấn công Ấp 125, gần khu rừng cây giá tỵ. Tuy nhiên, tại thị trấn “núi đá ba chồng”, tình hình vẫn yên tĩnh. Bất ngờ, vào một đêm tối trời, một toán đặc công VC men theo khe núi đá ba chồng, vào đặt mìn làm sập văn phòng quận. Sau đó chúng rút êm ra ngoài…Được biết đêm đó trưởng ban an ninh không có mặt trong chi khu. Thường ngày viên Đại úy trưởng ban hay đi nhậu với ông hiệu trường trường Trung học địa phương. Nhưng không bao giờ ông ta bỏ nhiệm sở ban đêm, ngoại trừ tối hôm ấy. Riêng ông hiệu trưởng, cuối tuần thường đến nhà ông chủ trại cưa ấp 110 để “nhậu lai rai”. Đôi khi “nhà mô phạm” này nói chuyện riêng cô con gái của ông chủ trại cưa - vốn trước đây là học sinh của ông ta.
Đầu năm 1972, Tân về phục vụ tại quận Xuân Lộc, cùng tỉnh Long Khánh. Để rồi ba năm sau, Miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS. Cũng như hàng nghìn sĩ quan, cán bộ, công chức khác, Tân phải vào các trại tập trung “cải tạo”, từ Nam ra Bắc, đến trại tù Thanh Cẩm sát biên giới Lào Việt. Sau hơn năm năm bị khổ ải, đày đọa, anh được thả ra, mang tấm thân tàn tạ về với gia đình. Ngày ngày nhìn lá cờ nhuộm máu đào treo khắp nơi, Tân thấy lòng đau xót của kẻ chiến bại, vấn vương nỗi buồn mất nước. Gặp lại những người dân tại quận núi đá ba chồng năm xưa, Tân được biết những sự thật đau lòng hơn đã xảy ra sau ngày 30-4-1975. Sau ngày “đổi đời” ấy, người dân tại đây bỗng thấy ông cựu sĩ quan an ninh của Chi khu của “chế độ cũ” , ông hiệu trưởng trường trung học trước đây, đã lộ nguyên hình là những cán bộ nằm vùng của VC. Ông chủ trại cưa ấp 110, đã từng là nghi can tiếp tế cho VC, cũng là cán bộ kinh tài đã từng nằm vùng tại địa phương này.
Sau hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 29 tháng 3 năm 1973, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ (viết tắt là MACV) được giải tán. Các cơ quan cố vấn Mỹ tại Miền Nam Việt Nam hồi hương. Từ đó Tân không còn liên lạc với các cố vấn Mỹ làm việc tại các quận anh đã từng phục vụ nữa. Mười năm sau ngày ra khỏi trại tù “cải tạo” ở Thanh Hoá, Tân và gia đình được sang định cư ở California. Nếu đêm nay không có cú điện thoại của người thông dịch viên tên Chương, anh nghĩ rằng không bao giờ anh gặp lại ông J, phụ tá cố vấn Mỹ mà anh từng quen biết ở Định Quán hơn bốn mươi năm trước đây.
****
Vào buổi chiều thứ Bảy, như đã hẹn trước với cựu Trung sĩ Chương, Tân lái xe đến nhà hàng Emerald Bay, thuộc thành phố Fountain Valley. Chương đang đứng trước nhà hàng chờ đón anh. Người thông dịch viên năm xưa đưa anh vào giới thiệu với ông J. , người boss cũ của anh ta, lúc họ còn làm việc ở Định Quán. Ông J. nay đã quá tuổi trung niên, mái tóc đã ngã màu bạc. Tuy nhiên đôi mắt ông vẫn còn tinh anh, vui tươi như lúc còn quen biết Tân tại thành phố “đá ba chồng” năm xưa. Hai người nhìn nhau trong giây lát –như để nhận ra nét quen thuộc của nhau, rồi họ ôm chầm lấy nhau.
Thật bất ngờ, thật cảm động, nhưng cũng thật đau lòng. Với Tân, sau 1975, trong suốt gần hai mươi năm sống với những con người CS, tuy cùng màu da, cùng màu tóc, cùng tiếng nói, chung dòng lịch sử…nhưng chưa bao giờ anh nắm tay tươi cười thoải mái với họ được! Nhưng chiều hôm ấy, nơi miền đất tỵ nạn xa xôi, anh đã thân mật ôm vai người bạn đồng minh năm xưa, khác chủng tộc, khác ngôn ngữ với anh. Anh tự hỏi: giữa người bạn da trắng ấy với anh, có điểm tương đồng nào khiến hai người gắn bó nhau? Phải chăng họ đã từng có chung một lý tưởng; cùng chiến đấu chống kẻ thù CS? Hay bởi cả hai đã sát cánh bên nhau trong giai đọan đen tối, hiểm nguy nhất của cuộc chiến đẫm máu năm xưa?
Tân chợt thấy khuôn mặt của người thiếu phụ Á Đông đang ngồi nhìn hoạt cảnh cảm động trước mắt. Anh thoáng thấy nét quen thuộc trên khuôn mặt, với đôi mắt còn sắc sảo của người thiếu phụ trung niên ấy. Ông bạn Mỹ tên J. quay lại giới thiệu người đàn bà Á Đông:
-Đây là Lan, vợ tôi, ngày xưa ở Việt nam đã làm việc trong văn phòng cố vấn Mỹ với chúng tôi ở Định Quán. Chắc ông còn nhớ?
Tân mỉm cười, gật đầu chào bà J. Làm sao anh quên được cô Lan một thời, con ông chủ trại cưa ở ấp 110, quận núi đá ba chồng? Cả một quá khứ đau buồn bỗng hiện lên trước mắt anh. Khuôn mặt xinh đẹp này, đôi mắt long lanh này đã có lần đẫm lệ, khi cô ta mang đơn vào văn phòng Quận nhờ can thiệp với Chi khu cho thả bố cô ra. Hồi ấy, anh đã bị mê hoặc đến lầm lẫn, đề nghị Trưởng ban An ninh Chi khu phóng thích tên cán bộ kinh tài nằm vùng VC ấy. Cả viên phụ tá cố vấn Mỹ - chồng cô ta hiện tại- cũng đã lầm lẫn khi chấp nhận cho cô vào làm việc trong Văn phòng Cố vấn Quận lúc bấy giờ. Và có thể do cô gái này, nhiều tin tức mật đã thẩm lậu ra ngoài, đến với du kích VC. Từ đó đã xảy ra cuộc kích bất ngờ, nhanh chóng của địch, khiến cho văn phòng Quận bị thiệt hại nặng nề!
Bây giờ cô ta ngồi kia, bên cạnh người chiến hữu đồng minh đã từng sát cánh bên Tân trong cuộc chiến tại Việt Nam năm xưa. Và sau Hiệp Định Paris, người chiến binh Mỹ ấy trở về cố quốc, mang theo một “chiến lợi phẩm” bằng da bằng thịt quý báu đối với ông ta, chẳng cần biết những điều gì xảy ra đàng sau cuộc chiến.
Và ngoài cô Lan ra, đã có những kẻ nằm vùng ngay trong hàng ngũ chiến hữu, như ông Đại uý an ninh Chi khu “đá ba chồng”, như ông Hiệu trưởng trường trung học quận … Có bao giờ họ họ tự vấn lương tâm như Vũ Thành An đã viết trong bản nhạc “Bài Không Tên Cuối Cùng” năm 1965: ''Này em hỡi!, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em?...”. Những kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” ấy đã đi trên con đường phản bội đất nước, gây thiệt hại cho chính quyền quốc gia. Người dân miền “núi đá ba chồng” đã kính trọng, tin tưởng và yêu thương họ. Thế mà họ đã phản bội tình yêu thương ấy. Chẳng khác người yêu của người nhạc sĩ nọ, bỏ chàng để đi theo con đường mà chẳng bao giờ tự vấn:đúng hay sai?
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment