_____________________________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Một ngày đầu tháng Tư năm nay, Tân được tin em gái từ Việt Nam sắp sang Mỹ. Em gái anh đi cùng một số bạn học trường Gia Long ngày xưa, sang họp mặt tại Nam California. Em cho biết sẽ ghé thăm anh. Tuy nhiên, em gái anh cáo lỗi không ở nhà anh chị, vì cả nhóm sẽ tá túc nhà một bạn đồng môn Gia Long, cùng thành phố Tân đang ở…Sau đó, họ tiếp tục cuộc du hành thăm viếng nhiều thành phố khác ở Mỹ và Canada. Anh đón nhận tin vui với nhiều nỗi háo hức mong chờ. Hội ngộ với em gái đã lâu không gặp mặt. Gặp lại một số bạn cùng trường lớp với em, và có thể trong đó có một hình bóng người xưa?
Buổi sáng đón cô em gái, Tân đưa em cùng các bạn đến thăm một cô giáo từ Pháp sang. Đó là một cựu giáo sư văn chương trước năm 1975, khi em của anh còn học lớp Đệ Nhất Gia Long với cô giáo tại trường nữ trung học nổi tiếng ấy! Họ mời cô giáo cùng đến bãi biển Huntington Beach họp mặt. Nhưng trong khung cảnh với tiếng sóng biển ì ầm, tiếng la hét inh ỏi của những nhóm trẻ chơi thể thao ở bãi biển…tất cả đã không thích hợp với cuộc họp mặt êm đềm của họ hôm nay. Cho nên cuối cùng, điểm hẹn tại một công viên nhỏ, vắng lặng, với cây cao bóng mát, với chim hót hoa cười! Trên thảm cỏ công viên, với “cỏ non xanh tận chân trời”, cô giáo ngồi giữa, các cựu nữ sinh ngồi quanh thành một vòng tròn. Thân mật và ấm cúng. Như những nàng tiên trong truyện cổ tích thần thoại.
Tân đứng ngoài nhìn quang cảnh đẹp đẽ như một bức tranh, thân mật và ấm áp mà ngậm ngùi. Đã bốn mươi năm rồi, ngôi trường Gia Long của họ đã thay tên đổi chủ từ ngày Miền Nam thất thủ. Cũng như thành phố mang tên Sài Gòn lâu đời trong lịch sử – trước cả thời vua Gia Long chọn nơi đây làm kinh đô năm 1790 – trường Gia Long bị xoá tên khi đoàn quân xâm lăng từ Miền Bắc vào, với sứ mạng “thống nhất đất nước”, với đổi thay cho hợp với “trào lưu cách mạng”! Nhưng tình nghĩa thầy trò vẫn còn tồn tại, vẫn còn in sâu mãi trong lòng họ; và hôm nay đã thể hiện nơi đây, đẹp như một bức tranh cổ bên Tàu!
Trời đã về chiều, cô giáo và các cựu nữ sinh bịn rịn chia tay…Người em gái Tân đưa một cô bạn đến trước mặt anh, tươi cười hỏi:
-Anh Tân còn nhớ “người này” không? Người mà ngày xưa có gặp anh ở Lộc Ninh đó! Lâu quá chắc anh quên rồi?
Tân nhìn kỹ người con gái trung niên trước mặt:
-À! Cô Lệ. Anh chưa nhận ra chứ có quên đâu!
Anh suy nghĩ giây lát, hỏi nhỏ Lệ:
-Tôi nhớ hồi đó cô lên Lộc Ninh cùng với một cô nữa…Cô ấy bây giờ ở đâu? Làm gì?
Lệ buồn rầu, cay đắng đáp:
-Duyên nó chết rồi! Chết vì bị bịnh anh ạ. Năm 1978, cả nước không có gạo ăn, làm gì có tiền để mua thuốc trị bịnh. Đành chịu chết thôi, thưa anh!
Khi Tân chở em gái và các bạn trở về nơi tạm trú của họ. Họ đi tất cả hai xe cô Lệ cũng muốn đi cùng xe với Tân. Người “em gái hậu phương” mà bốn mươi năm trước đã tình cờ gặp anh, có lẽ muốn sống lại kỷ niệm êm đềm của một thời thanh xuân! Khi xe chạy về phía tây, Tân nhìn xa xa, ánh hoàng hôn đã nhuộm sẫm bầu trời. Cô Lệ chợt reo lên:
- Các bạn nhìn kìa. Đẹp quá! Các bạn có thấy chân trời màu tím không?
Bỗng nhiên Tân như sống lại khung trời Lộc Ninh một buổi chiều năm xưa. Ngày ấy, anh cũng một lần nghe tiếng người con gái reo lên “chân trời tím”, nhưng không phải tiếng cô Lệ, mà là của người bạn gái vắn số của nàng, cô Duyên!
* * *
Khoảng năm 1970, Tân đến phục vụ tại Lộc Ninh, một quận keo cư gần biên giới Miên Việt, quanh năm chỉ có “nắng bụi mưa buồn”. Tuy nhiên mãi đến nay, những kỷ niệm đẹp năm xưa vẫn không phai mờ trong ký ức anh. Đã lâu lắm rồi anh chưa trở về thăm Lộc Ninh. Đôi khi anh tự hỏi, những viên chức xã ấp, những nhân viên trong văn phòng quận từng làm việc với anh ngày xưa, ai còn ai mất? Cây sứ trồng trước văn phòng quận “đầu đời” năm đó, giờ vẫn còn sống hay đã tan tác sau cuộc chiến ác liệt năm 1972? Ngày mà anh làm việc tại đây, quận Lộc Ninh tương đối tĩnh lặng…Nhưng đến tháng Tư năm 72, địch tập trung cường lực cấp sư đoàn đánh chiếm Lộc Ninh làm thủ đô MTGPMN, thì nơi đây đã trở nên “đất bằng nổi sóng”…
Ông Quận trưởng cuối cùng của Lộc Ninh là một sĩ quan trẻ, hăng say trong công tác giữ gìn an ninh quận. Thị trấn nhỏ bé này có tầm vóc quan trọng về quân sự cũng như kinh tế. Đây là thị trấn cuối cùng trên quốc lộ 13, từ Sài Gòn đến biên giới Miên -Việt. Nơi đây có đồn điền cao su rộng lớn do người Pháp làm chủ. Ông Giám đốc Gaudeul, thỉnh thoảng cuối tuần mời Quận trưởng, Phó quận và viên cố vấn Mỹ đến dùng cơm trưa tại tư gia. Kỳ dư, trong những năm tháng làm ở thị trấn nhỏ bé này, Tân cảm thấy buồn tênh, đơn diệu…Ban ngày, anh đi bộ đến văn phòng quận, ký giấy tờ, giải quyết vài công việc hành chánh…Xong, lên chiếc Land Rover cũ do người tài xế luống tuổi lái xe đi thăm các xã ấp gần quận lỵ. Những đêm cuối tuần - nhất là những đêm ông Giám đốc đóng cửa căn biệt thự màu trắng trên đồi cỏ xanh của đồn điền, lên máy bay về Sài Gòn, thì địch quân thường pháo kích vào quận lỵ. Những tiếng đạn pháo nổ ầm vang, tiếng trực thăng vầng vũ trên khu rừng cao su quanh quận lỵ… đã quấy động không khí im lìm trong khu dân cư vào ban đêm, tối tăm vắng vẻ!
Cho đến một hôm, bầu không khí nơi đây đã đổi khác. Sáng hôm ấy, Thiếu tá Quận trưởng với quân phục gọn gàng, với nét mặt tươi vui, từ Chi khu lái chiếc Jeep xuống văn phòng hành chánh quận. Theo sau là chiếc xe Dodge nhà binh, chở sĩ quan và với binh lính đầy đủ súng ống… Trên xe của ông Quận, có hai cô gái trẻ, dáng dấp thành thị. Ông đưa các cô vào văn phòng, giới thiệu là “các em gái hậu phương” từ Sài gòn đến thăm “các anh chiến sĩ tiền tuyến”! Một cô tên Lệ, người bạn gái mà ông quận có dịp làm quen trong chuyến về phép Sài Gòn. Còn người bạn gái kia, cô Duyên; có lẽ do máu phiêu lưu, muốn theo bạn lên thăm chốn “tiền đồn heo hút” này! Trước khi lên xe đi hành quân, Thiếu tá Quận trưởng mỉm cười nói với Phó quận:
-Hai cô “em gái hậu phương” muốn viếng phong cảnh nơi đây. Nhờ ông Phó hướng dẫn các cô ấy đi một vòng... Tối nay mời ông dùng cơm với chúng tôi trên Chi khu cho vui nhé!…
Buổi trưa, sau khi mời các cô gái đi ăn trưa, Tân lái xe đưa họ đi xem quang cảnh rừng cao su, viếng thăm ông Giám đốc đồn điền người Pháp...Các cô cho biết, từ nhỏ chưa bao giờ đi xa. Cho nên đứng trước quanh cảnh rừng cao su bạt ngàn - nơi đó, những công nhân cạo mủ lặng lẽ đứng rạch những thân cây cao su thẳng tắp, mủ trắng như sữa chảy từng giòng xuống những chén lớn bằng đất màu nâu...; cảnh nhà máy chạy ầm ầm, chế biến mủ nước thành cao su non, đóng lại thành kiện lớn để chở về Sài gòn-... tất cả đã khiến các cô thích thú. Xe chạy nhanh qua những con đường đất đỏ xuyên qua rừng cao su; gió tung bụi đỏ, cuốn theo phấn hoa vàng lãng đãng bay trong nắng...
Khi trở về, anh để các cô “em gái hậu phương” ngồi chờ ông quận đi hành quân về ghé đón, còn anh trở vào phòng tiếp tục làm vài công việc hành chánh còn dở dang … Chợt cô Duyên gõ cửa bước vào, tay cầm nhánh bông sứ còn tươi vừa hái:
-Hoa đẹp quá! Ông cho tụi em một cành đem về nhà trồng nhé!
Tân nhìn cô gái, mỉm cười gật đầu:
-Các cô cứ tự nhiên…Nhưng xin đừng gọi tôi bằng Ông. Các cô là khách mời của ông Quận, chứ đâu phải người địa phương hay nhân viên văn phòng … Đúng không nào?
Cô Duyên đưa cánh hoa lên che miệng cười, giọng đùa nghịch:
-Thế, nếu em xin làm việc nơi đây thì gọi Ông bằng gì nhỉ?
Người bạn gái tiếp lời, giọng thành thực hơn:
-Còn em, nếu xin đi dạy học nơi đây, chắc cũng gọi bằng Ông Phó thôi!
Tân đưa mắt nhìn ra văn phòng. Bốn nhân viên nam cùng hai nhân viên nữ, đang chăm chú làm việc, bỗng ngẩn lên nhìn vào phòng. Có lẽ họ ngạc nhiên khi thấy cô gái lạ đang tự do cười nói với ông sếp hành chánh của họ; người mà hàng ngày, trong giờ làm việc vẫn tỏ ra nghiêm nghị, ít cười nói. Tân không muốn cảnh này kéo dài lâu hơn nữa, bèn đứng lên, bước ra trước sân. Hai cô gái cũng bước ra theo. Nắng chiều đã dịu, gió từ rừng cao su thổi về, lắc lư cây bông sứ đang nở hoa thơm ngát…
Sắp hết giờ làm việc, nhân viên chuẩn bị ra về. Không thể chờ ông Quận ghé văn phòng, Tân lái xe chở các “em gái hậu phương” lên Chi khu để dùng cơm tối như đã hứa. Chi khu nằm trên ngọn đồi thấp, cạnh sân bay Lộc Ninh. Cuối sân bay là một trại Biệt kích hình tam giác, xây chìm dưới mặt đất; chỉ có các lô cố đặt súng đại liên là phần nổi lên trên mặt phi trường. Trại do một Đại úy người Việt chỉ huy, gồm một đại đội lính cả người Việt lẫn người Miên và các sĩ quan cố vấn Mỹ. Năm Mậu Thân 1968, những người lính với y phục màu lá cây rừng của Biệt Kích, với lòng gan dạ truyền thống của binh chủng, họ tái chiếm Chi khu ở đầu sân bay, sau khi Chi khu đã bị địch quân tràn ngập; giải cứu Đại úy quận trưởng và các sĩ quan tham mưu đang trú ẩn dưới hầm sâu…
Khi xe lên đến dốc sân bay, một quang cảnh đẹp đẽ hiện ra trước mắt Tân. Xa xa, trong bóng hoàng hôn, có ánh đèn đỏ chớp sáng của chiếc trực thăng đang vần vũ trên không. Lửng lơ dưới trực thăng, một thân người đang bám vào dây cáp thật dài, đong đưa theo chiều gió…Trước đây, thỉnh thoảng Tân cũng đã thấy những cảnh tập luyện của lính Biệt kích như vậy. Nhưng hôm nay, trong ánh hoàng hôn màu tím sẫm, quang cảnh ấy nhuốm vẻ hào hùng lẫn kỳ bí...Cô Duyên nhoài người ra ngoài xe, chỉ về phía chân trời:
-Ô! nhìn kìa! Chân trời màu tím đẹp quá! Mà chiếc trực thăng đang kéo cái gì thế kia?
Nghe Tân giải thích, các cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên thích thú…Đó là cảnh người lính Biệt kích đang luyện tập cách đổ bộ âm thầm và nhanh chóng từ trực thăng xuống đất…Họ được huấn luyện theo từng toán, để hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của địch. Nơi đó, họ có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, bắt cóc, phá hoại các mục tiêu quân sự của chúng. Về sau, lực lượng này phát triển thêm thành đơn vị tác chiến, có vai trò như một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Buổi ăn tối tại Chi khu hôm ấy thật vui. Ngoài các sĩ quan Chi khu, ông Quận mời thêm viên cố vấn Mỹ tham dự. Người sỹ quan Hoa kỳ rất vui được gặp các cô thiếu nữ Việt nam xinh tươi đến từ Sài gòn. Ông ta thích thú khi được ông Quận trưởng cho biết, họ từ thủ đô Sài gòn lên đây để “thăm các anh chiến sĩ tiền tuyến”; để nâng đỡ tinh thần họ nơi chốn tiền đồn heo hút này…Ngày hôm sau, hai cô lên xe về lại Sài gòn. Và từ đó, Tân không còn có dịp gặp lại họ, những người“em gái hậu phương” đã “chợt đến chợt đi không báo trước”!
* * *
Đầu năm 1972, Tân rời Lộc Ninh, về phục vụ tại Định Quán, một quận tương đối an ninh hơn “quận đầu đời” của anh trước đây. Quận nằm trên quốc lộ 20, từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Vào mỗi cuối tuần, anh thường về nhà thăm gia đình, nếu không có những công tác khẩn thiết, cần ở lại làm việc tại Quận. Một tối thứ Bảy, An người em kế của Tân ghé qua nhà, rủ anh đi nghe nhạc ở một phòng trà trên đường Nguyễn Huệ . An có kể cho anh biết, vừa quen một cô ca sĩ tài tử mới vào hát phòng trà này. Một lần cô ca sĩ trẻ cho An biết, trước đây có quen với một Phó Quận rất giống An. Cậu em của Tân kết thúc câu chuyện bằng câu nói văn hoa:
-Tối nay mời anh đến đó gặp cô ta. Biết đâu duyên kỳ ngộ chẳng khiến anh gặp lại cố nhân?
Khi hai anh em đến phòng trà, An chỉ cô ca sĩ đang hát trên sân khấu:
- Có phải “cố nhân” của anh đó không?
Cô ca sĩ chấm dứt bài ca “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn, cúi đầu chào trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Cô ta ngẩng lên đưa mắt nhìn về chỗ Tân đang ngồi cùng người em trai. Anh thì thầm với cậu em:
-Đúng rồi! Hai năm trước, cô ta cùng với người bạn gái của ông Quận trưởng có lên Lộc Ninh và gặp anh ở đó!
Ánh đèn sân khấu soi sáng đôi má hồng hào, đôi mắt long lanh của nàng. Chỉ mới hơn hai năm thôi, mà nay nàng đã thay đổi nhiều. Điều gì khiến cô nữ sinh bình thường ngày nào, hôm nay trở nên xinh đẹp, rực rỡ thế kia? Có phải do son phấn điểm trang hay vì niềm vui bất ngờ gặp lại cố nhân?
Bài ca đã chấm dứt, nhưng người ca sĩ vẫn đứng đó, phân vân, chưa rời sân khấu… Nàng mỉm cười, nâng micro ngang cằm, thỏ thẻ vàì lời với khán thính giả mà mắt vẫn hướng về phía Tân đang ngồi:
-Thưa quý vị. Một lần nữa, Duyên Hà xin trình bày bản “Chân Trời Tím” của Trần Thiện Thanh. Ca khúc này xin tặng một người từ nơi biên giới xa xôi về nghỉ phép ở Sài gòn. Hiện anh đang có mặt với chúng ta trong phòng trà hôm nay...
Giọng cô nhẹ nhàng, tha thiết như cuốn hút tâm hồn người nghe:
Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím
Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn…
Bỗng nhiên hình ảnh chân trời tím trong buổi chiều Lộc Ninh năm xưa hiện ra trước mắt. Hôm nay nàng muốn nhắc lại kỷ niệm đẹp đẽ ngày ấy chăng?
Sau lần về phép ngắn ngủi, bất ngờ gặp lại người “em gái hậu phương” và đã trở thành cô ca sĩ Duyên Hà, Tân lại thuyên chuyển về quận Xuân Lộc. Và từ đó, mãi mãi không bao giờ anh gặp lại Duyên nữa…
Vào đầu tháng Tư năm1975, địch quân dốc toàn lực: với 3 sư đoàn bộ binh, với vũ khí hạng nặng, với xe tăng, thiết giáp…đã bao vây và tấn công Xuân Lộc. Sau mười hai ngày đêm dũng cảm phản công, cuối cùng quân ta đành rút lui…Theo sau Sư đoàn 18, anh và các cán bộ, nhân viên hành chánh quận đã rút về Phước Tuy và cuối cùng về Sài gòn. Để rồi từ đó, cũng như các sĩ quan, công chức Miền Nam, Tân phải trải qua những tháng ngày đói rét trong các trại tập trung từ Nam đến Bắc. Gần sáu năm sau, anh trở về với xác thân tiều tụy, với cõi lòng tan nát…
* * *
Sau gần bốn mươi lăm năm sau, nơi đất khách, Tân đã gặp lại Lệ. Cô buồn rầu cho anh biết, sau năm 1975 Duyên đã qua đời vì bệnh tật, vì “không có tiền mua thuốc!”. Bởi thời gian đó, Miền Nam đã bị “kẻ thắng cuộc” bần cùng hoá như ở Miền Bắc trước năm 1975!
Chiều nay, trên đại lộ thênh thang nơi xứ người, anh lại lại nhìn thấy “chân trời tím”, đẹp như một bức tranh!. Nhưng hôm nay thiếu một người thưởng ngoạn, thiếu tiếng reo vui của người “em gái hậu phương” đa cảm năm nào! Anh nhìn về phía chân trời màu tím ấy. Bên kia biển Thái bình mênh mông, một thời trong cảnh Miền Nam nước Việt đang khói lửa chiến tranh, đã có những chàng trai chịu hiểm nguy gian khổ, tận tụy phục vụ nơi tiền đồn xa xăm. Đã có những em gái hậu phương từ thủ đô hoa lệ, lặn lội đi thăm những anh chiến sĩ can trường ấy…
Hôm nay, Tân như thấy lại buổi chiều với chân trời tím trên khu rừng cao su Lộc Ninh năm xưa, với tiếng reo vui của người nữ sinh, người “em gái hậu phương”.Tất cả đã đem lại niềm vui cho những người phục vụ nơi tiền đồn biên giới. Tân như nghe lại tiếng hát của “người em gái” ấy, trong đêm gặp lại nàng ở một phòng trà giữa lòng thủ đô hoa lệ năm xưa:
Anh biết không, Em mơ về nơi chân trời tím .
Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi
Nhưng em biết muôn đời muôn kiếp sau
Anh với em không hề đến gần nhau…
( Trần Thiện Thanh- Chân Trời Tím)
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment