Friday, July 22, 2022

MÓN NỢ ÂN TÌNH

______________________________

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

http://farm5.staticflickr.com/4013/4524461463_5328fb272d_z.jpg

Hàng năm, cứ đến tháng Tư, Tân lại u buồn, một nỗi buồn cay đắng xót xa. Anh đã gặm nhấm nỗi buồn ray rứt đó đã gần hai mươi năm, kể từ ngày bỏ nước đi tỵ nạn ở quốc gia đầy Tự do và Nhân ái này! Buổi chiều cuối tháng Tư năm nay, anh lại đến vùng Little Sàigòn, tản bộ trên đường Bolsa, hoà nhập vào giòng người đồng hương đang dạo phố như lúc còn ở quê nhà. Anh đi dưới hàng cờ vàng lộng gió tung bay dọc theo đại lộ nơi xứ người, mà nhớ đến chốn quê xưa.

Bao năm qua, anh vẫn thường suy nghĩ về lời phát biểu của Tổng thống J.F.Kennedy trong lễ nhậm chức tại Hoa Thịnh Đốn ngày 20 tháng Giêng năm 1961: “Ask not, what your country can do for you. Ask what, you can do for your country”. Câu nói bất hủ của cố Tổng thống Hoa kỳ đến nay như còn âm vang trong lòng một cựu viên chức hành chánh Việt nam Cộng hoà như anh!  Đã bao lần anh tự vấn lòng: mình đã đóng góp gì đáng kể cho quê hương đất nước, trước khi Miền Nam rơi vào tay CS ? Mình còn mắc bao món nợ tình cảm với những những người đã cưu mang, giúp đỡ  trong những năm phục vụ tại các địa phương hiểm trở, thiếu an ninh…? Những nỗi niềm ấy vẫn canh cánh bên lòng, có dịp bùng phát khi gặp bạn cũ chia xẻ lại kỷ niệm xưa. Hôm ấy, đang ngồi uống cà phê trong khu thương xá Phước Lộc Thọ, một đồng hương tiến đến gần anh gật đầu chào xã giao và dè dặt hỏi:

- Xin lỗi, trông ông quen quá…Có phải đây là ông là Phó Tân ở quận Xuân Lộc trước năm 75’? Anh nhìn kỹ người đàn ông cao gầy, với mái tóc bạc…có lẽ đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, và lục lọi trong ký ức xa thẳm của thời còn làm việc tại Xuân Lộc bốn mươi năm về trước, đáp:


- Vâng đúng rồi! Còn ông là…À! Tôi nhớ ra rồi. Ông Chu, cựu Hạt trưởng Lâm vụ Định Quán. Đúng không ? Anh đứng dậy bắt tay người bạn công chức thân thiết ngày xưa, chỉ chiếc ghế trống bên cạnh: - Đúng là “tha hương ngộ cố tri”. Xin được mời ông một ly cà phê để mình ngồi ôn lại chuyện xưa, bè bạn ai còn ai mất…Đồng ý chứ?

Người cựu Hạt trưởng ngồi xuống bên Tân, hớp một ngụm cà phê , nhìn anh trầm tư rồi đột ngột hỏi:

-Ông còn nhớ cô Hồng chủ xe be ngày xưa bị mất tích ở đèo Mẹ Bồng Con không? Tân  nhíu mày suy nghĩ vài giây, đáp:

-Nhớ chứ! Nhưng ông có tin tức gì về cô ấy không?  Tội nghiệp quá, từ lâu tôi không nghe tin gì cả! Chắc gì cô ta còn sống ?!

Ông Chu nheo mắt nhìn anh, giọng bí mật:

-Dĩ nhiên đã chết rồi, nhưng không phải chết do du kích VC bắt vô rừng, mà sau đó qua đời vì bị bệnh khi được chúng thả về nhà … Tân thở dài khi nghe câu nói của người bạn cũ: -Nhưng sao ông biết chi tiết này?

Người cựu viên chức ngành kiểm lâm nhìn Tân mỉm cười:

-Do tình cờ, tôi biết con gái cô Hồng đã sang Mỹ từ lâu. Tôi đã gặp một lần và cho biết địa chỉ nhà cô bé. Nhưng đã lâu rồi sao ông cứ thắc mắc về cô Hồng vậy? Hay ông cùng tôi đến thăm để biết thêm tin tức? Nhân thể để ông bộc bạch nỗi lòng với con gái người đã khuất. Ông đồng ý chứ? 

                                                                       *  *  *

Hồi ấy Tân về phục vụ tại quận Xuân Lộc khi tình hình an ninh nơi đây căng thẳng. Mặc dù quốc lộ số 1 từ Sài gòn  đến Long Khánh được bảo vệ an ninh ban ngày; nhưng về đêm, những người chạy xe be chở cây qua đèo Mẹ Bồng Con bị du kích VC chận xe lại. Qua sương mù mờ ảo, thấp thoáng bóng dáng những người mặc quân phục xanh lá cây, vai mang súng từ dưới thung lũng, vượt qua quốc lộ rồi biến dạng vào đám rừng bên kia. Đèo Mẹ Bồng Con là một đoạn đường dốc hơi sâu  trên  Quốc lộ 1, gần Ngã ba Dầu Giây, khá hiểm trở. Theo truyền thuyết, khi làm khúc  đường này , người ta thấy có một thiếu phụ bồng con đi qua đây và bị xe cán chết. Người dân gần đó đã  xây dựng miếu thờ và đoạn đèo này gọi là “đèo Mẹ Bồng Con”. Triền đồi hai bên đường bao phủ những đám chuối, san sát nhau như cánh rừng. Cho nên, ngoài người dân bình thường, các viên chức xã ấp, cán bộ, công chức…ít dám di chuyển qua đèo này vào chiều tối  . Xuân Lộc  là quận châu thành của tỉnh Long Khánh, cách xa Sàigòn độ 80 cây số.  Với mười xã trải dài trên diện tích ba ngàn bốn trăm năm mươi bảy cây số vuông, phần lớn quận Xuân lộc nằm dọc trên quốc lộ số 1, từ Gia Rai (dưới chân núi Chứa Chan) đến ngã ba Dầu Giây (giáp ranh tỉnh Biên Hoà).Về mặt quân sự, Xuân Lộc là vị trí chiến lược quan trọng vì là cửa ngõ của thủ đô Sàigòn từ Miền Trung vào, qua ngã ba Dầu Giây. Ngoài ra, Xuân Lộc cũng nằm trên đường giao liên của địch, từ chiến khu C và D đến mật khu Mây Tào, Xuyên Mộc của Phước Tuy.

Phó Tân mới về nhậm chức tại quận Xuân Lộc trong một thời gian ngắn. Cho nên, ngoại trừ Hạt trưởng Lâm vụ  Định quán đã  quen từ trước, anh ít giao tiếp với ai. Mỗi chiều xong việc ở Quận tại ngã ba Tân Phong, anh lái chiếc xe về nhà khách vãng lai, đối diện tư dinh Phó tỉnh. Một số Trưởng ty “độc thân tại chỗ”  tạm trú nơi đây. Họ đi làm việc suốt ngày, cơm nước tự lo, chiều tối về ngủ tại nhà khách. Cuộc sống tạm bợ tuy thân mật, vui vẻ như lúc còn ở trong ký túc xá thời sinh viên, nhưng cũng khá lạnh lẽo! Vào trưa thứ Bảy cuối tuần, mọi người đi chung xe với nhau về sum họp gia đình. Phó Tân cũng thường lái xe chở các bạn đồng nghiệp về Sài gòn. Đôi khi Hạt trưởng Lâm vụ từ Định Quán về tỉnh gặp anh để hàn huyên tâm sự rồi cùng nhau về Sài gòn bằng xe nhà. Người bạn từng có những kỷ niệm vui buồn thời Tân còn làm việc ở quận Định Quán, cho biết tin tức những “người đẹp giáo chức” tại đây. Ngoài ra, ông bạn Hạt trưởng còn cho biết tin tức về một số chủ nhân xe be, đã đổi địa bàn hoạt động, về khai thác gỗ ở vùng Xuân Lộc. Phó Tân không quan tâm về những hoạt động làm ăn của giới khai thác gỗ; anh cho đó là đối tượng nghề nghiệp của Hạt trưởng Lâm vụ. Trong thẩm quyền hành chánh của quận, Phó quận giải quyết các giấy tờ liên quan thủ tục hành chánh, trước khi chuyển sang Hạt Lâm vụ hoàn tất hồ sơ cấp giấy phép hành nghề cho họ….

****

Một buổi chiều thứ Bảy của “mùa hè đỏ lửa” 1972,  Phó Tân cùng Trung úy Thu, Trưởng Ban Nhân dân Tự vệ Quận lái xe đến Gia Rai kiểm tra việc mất súng. Gia Rai là một xã nằm gần núi Chứa chan, trên quốc lộ 1, giáp ranh tỉnh Bình Tuy. Từ ngã ba Ông Đồn, giao điểm của quốc lộ 1 và hương lộ đi đến xã Gia rai. Đa số người dân trong xã  làm nghề rẫy bái, đốn cây gỗ trong rừng núi…, nên việc tham gia Nhân Dân Tự Vệ tại địa phương để giữ an ninh làng xã còn yếu kém. Trung úy Thu yêu cầu Xã trưởng cho kiểm tra số đoàn viên NDTV đã đoàn ngũ hoá, số vũ khí phát ra cho đoàn viên, số vũ khí đã nhận lãnh ở quận mang về chưa kịp cấp phát…Công việc kiểm tra tỉ mỉ mất nhiều thời gian, nên lúc trở về văn phòng quận Xuân lộc, trời đã về chiều. Ngày hôm sau là ngày nghỉ cuối tuần. Tại nhà khách lãng lai, nơi các công chức “ độc thân tại chỗ” tạm trú trong tuần lễ làm việc cũng chẳng còn ai.  Cho nên Phó Tân ngỏ ý định với Trung úy Thu là anh muốn về Sài gòn ngay bây giờ để chiều Chủ nhật trở lại quận, chuẩn bị lễ chào cờ   sáng thứ Hai. Người Trưởng ban NDTV quận, gia đình ở tại địa phương Xuân Lộc, cũng cảm thông ý nghĩ của vị Phó Quận mà anh ta có nhiều thiện cảm, liền đề nghị: - Nếu ông Phó muốn về Sài gòn giờ này, chỉ có cách đón xe chở cây vào thành phố! Bây giờ mình ra ngay trạm cảnh sát để họ gởi ông quá giang xe với một chủ xe be tin cậy. Giờ này không còn xe nào về Sài gòn, vì an ninh không bảo đảm. Nhất là trạm gác ở Suối Đỉa sẽ đóng đường  lúc 7 giờ tối. Chỉ  trừ xe chở cây được phép đi qua thôi… Ông đồng ý chứ?

Trung úy Thu đích thân lái xe chạy thẳng đến trạm gác gần nhất trên quốc lộ 1. Người cảnh sát trong trạm chào hai người trên xe: -Ông Phó và Trung úy cần việc gì không? Trung úy Thu bước vào trạm trả lời: -  Ông Phó quận cần về Sàigòn gấp bây giờ. Nhờ Trung sĩ đón xe nào đáng tin cậy để ông ấy quá giang…


 Người cảnh sát nghiêm chỉnh gật đầu, rồi quay ra mời Phó Tân vào trạm:

-Mời Ông vào đây ngồi nghỉ.. Tôi sẽ đón xe để ông quá giang về Sài gòn an toàn. Xin Ông an tâm…

             *  *  *

Trời bắt đầu tối.  Phó Tân nhìn ra xa xa hai bên đường, bạt ngàn rừng cao su âm u, không thấy bóng dáng chiếc xe nào di chuyển. Anh bắt đầu hoang mang, tự hỏi quyết định về Sàigòn lúc này có hợp lý  không?. Anh nhớ lại ngày còn đi học trong trường Hành chánh Sài gòn, một vị giáo sư có dạy rằng “Hành chánh là tiên liệu”. Nhưng anh có tiên liệu được những điều sắp xảy ra  trên đoạn đường tăm tối, kém an ninh, khi quá giang một chiếc xe mà mình  không biết lai lịch người chủ xe chăng? Bỗng từ xa, một chiếc xe du lịch màu trắng mở đèn chạy tới, theo sau là chiếc xe lớn chở những súc gỗ dài nặng trĩu…Khi chiếc xe du lịch ngừng lại trước trạm cảnh sát, một thiếu phụ trẻ mở cửa, cầm tờ giấy nhanh chóng chạy vào . Viên Trung sĩ bước ra, nhìn tờ giấy, rồi nói  với cô, giọng làm ra vẻ tự nhiên :

-Cô Hồng, nhờ cô cho người bà con của tôi quá giang xe về Sài gòn. Nhớ cẩn thận đưa anh ấy về tận nhà nhé!… 

Nói xong, người cảnh sát chỉ tay vào trong trạm. Cô chủ xe tên Hồng nhìn Tân với vẻ ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Đoạn cô đi thẳng ra xe, mở cửa sau cho “người khách không mời” bước vào. Phó Tân im lặng ngồi xuống, ngạc nhiên về thái độ kỳ lạ của cô ta. Người tài xế mắt vẫn nhìn thẳng phía trước, rồ máy xe chạy nhanh. Đàng sau chiếc xe lớn chở gỗ bám theo. Hai bên đường, rừng cao su thâm u bạt ngàn. Đến khu rừng chuối,  xe lên dốc cao, rồi đổ xuống thấp dần. Tân hồi hộp thầm nghĩ: đèo Mẹ Bồng Con đây rồi! Xe vẫn chạy nhanh. Hai người ngồi phía trước im lặng, bất động như hai pho tượng. Phía sau,  Phó Tân ngồi dựa lưng vào băng ghế, lim dim đôi mắt. Xe chạy  qua khu rừng chuối,  đến rừng cao su nối tiếp, rồi đến ngã ba Dầu Giây, giao lộ của quốc lộ 1 về Sài gòn và quốc lộ 20 đi Định Quán. Nhìn ánh đèn diện sáng choang từ những hàng quán hắt ra, Phó Tân mở mắt thở phào. Phía ghế trước của chiếc xe, cô chủ xe tên Hồng cũng thở phào, kín đáo liếc nhìn băng sau, nhưng không nói gì! 

Xe lại tiếp tục chạy qua những đoạn đường với rừng cao su um tùm,  lên dốc cao rồi đổ xuống cây cầu sắt ngắn.  Đây là cầu Suối Đỉa, cửa ngõ vào Biên Hoà. Cạnh đầu cầu, một lô cốt có lính gác, giữ an ninh cho cây cầu chiến lược và cũng kiểm soát mọi xâm nhập của địch vào thành phố . Cho nên sau bảy giờ tối, các loại xe cộ bị cấm qua cầu. Riêng các xe chở cây rừng, được phép đi qua để vào thành phố ban đêm, tránh gây trở ngại giao thông trên đường phố đông đúc ban ngày…Sau khi cô chủ xe trình giấy tờ cho người lính gác lô cốt và xe chở cây của cô được phép qua cầu, cô Hồng quay ra xe, mở cửa buông mình xuống chiếc ghế trước, thở hắt một hơi dài, lẩm bẩm “Lạy Chúa tôi! Bây giờ mới yên tâm đây!” Trên ghế sau, Phó Tân cũng kín đáo thở ra như vừa trút được gáng nặng lo âu…Cô chủ xe quay xuống băng sau nhìn Tân, đột ngột lên tiếng:  

-Thưa ông Phó! Xin ông cho biết nhà ở Sài gòn, đường nào để em đưa về tận nơi ! Phó Tân giật mình kinh ngạc. Anh nghĩ thầm: cô chủ xe be này, cũng như người tài xế của cô, đã từng đi sớm về khuya trên con đường này. Họ đã từng vào rừng, và cũng có thể đã từng gặp du kích VC ở đoạn đường đèo Mẹ Bồng Con vừa qua…Nếu họ dừng xe lại giữa đường, giữa chốn đèo heo gió hút này trong đêm tối, tính mạng mình sẽ ra sao?   Lần đầu tiên nghe cô chủ xe be hỏi anh bằng thân tình như đã quen biết từ lâu, Phó Tân ngạc nhiên hỏi:

-Sao cô Hồng biết tôi? Lúc ở trạm Xuân Lộc ông Cảnh sát giới thiệu tôi là bà con với ổng mà!... 

Cô gái cười, đáp như một lời trách móc:

-Ông Phó không biết em chứ em biết từ lúc ông còn làm việc trên Định Quán kìa! Em vô văn phòng quận ký giấy tờ mà ông không biết mặt đó thôi!

Cô đột ngột đổi đề tài câu chuyện : -Ông Phó can đảm lắm đó! Dám quá giang xe một người chưa quen biết, nhất là vào chiều tối khi qua đèo Mẹ Bồng Con! Ông có biết đôi khi “mấy ổng” kéo hàng đoàn di chuyển qua đèo vào ban đêm không? Lúc nãy em ngạc nhiên và quá lo, nên không chào hỏi, xin ông thứ lỗi cho… Phó Tân cám ơn cô chủ đã nhận lời chở anh, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Anh cho biết tên đường và số nhà của gia đình mình ở Sài gòn.

Khi xe về đến trước cổng nhà Tân, đã hơn tám giờ tối. Vợ anh thấy xe về, dẫn  các con tíu tít ra đón. Nàng ngạc nhiên thấy chồng đi xe với một người đàn bà lạ. Cô chủ xe mở cửa bước ra, cúi chào. Tân nhìn nàng, chỉ vợ  giới thiệu: -Đây là bà xã tôi. Anh quay sang vợ giải thích: - Anh đi công tác ở xã về muộn, phải quá giang xe của cô chủ xe be đây… Vợ anh mời cô gái tốt bụng vào nhà như một biểu tỏ cám ơn, nhưng cô Hồng nhã nhặn từ  chối:

-Cám ơn ông bà. Tối quá rồi, em phải về ngay kẻo con gái nhỏ đang chờ ở nhà…Nhà em ở mãi tận Phú Lâm. Xin để khi khác em đến thăm ông bà…

*  *  *

Tin tức Phó Tân quá giang xe cô Hồng , đi qua đèo Mẹ Bồng Con vào lúc chiều tối, đã nhanh chóng đến tai ông Chu, Hạt trưởng Lâm vụ ở Định Quán. 


http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/49776/8E7EEC1D3C3E4A459FE8639328B0722E.jpgMột buổi trưa thứ Bảy, ông Chu ghé Long khánh đón Tân về Sài gòn,  và hai người đến  thăm cô Hồng để cám ơn cô chủ xe tốt bụng. Cô và con gái ở cùng bố mẹ và anh trai  trong  một căn nhà rộng rãi ở Phú Lâm, ngoại ô Sàigòn. Bên cạnh nhà là trại cưa và một bãi chứa cây rộng rãi. Cô Hồng lấy chồng sớm, một sĩ quan tốt nghiệp Đà Lạt. Chồng cô bị tử trận trong cuộc chiến ác liệt vào Tết Mậu Thân 1968, nên cô phải mang con nhỏ về nương nhờ bố mẹ. Công việc chính của cô là  xin giấy phép khai thác cây rừng, chở về trại cưa để xẻ thành gỗ  bán cho khách hàng xây cất…Cô khéo giao thiệp, đi sớm về khuya, chịu khó chịu khổ…nên công việc làm ăn của trại cưa phát triển nhanh chóng.

Sau lần quen biết đó, mỗi khi cô Hồng ghé văn phòng quận Xuân Lộc nhờ ký giấy tờ, cô thường biếu Phó Tân một vài giò lan rừng. Đó là những đoá hoa lan nhiều màu sắc, toả hương thơm dịu dàng, lâu tàn phai mà cô đã nhờ những thợ đốn cây trong rừng Định Quán hái cho…

Vài tháng sau, Tân đưa gia đình lên ở tại tỉnh lỵ Long Khánh, chấm dứt việc cuối tuần vội vã về Sài gòn trưa thứ Bảy, vội vã lên quận chiều Chủ nhật…Và cũng không còn cảnh quá giang xe ban đêm nguy hiểm như đã xảy ra! Một hôm, ông Chu, Hạt trưởng Lâm vụ cho Phó Tân biết: cô Hồng bị mất tích ở đèo Mẹ Bồng Con vào một buổi chiều tối, khi hướng dẫn  xe be chở cây đi qua đây…Và từ đó không còn tin tức gì về cô nữa. Mãi đến hôm nay, hơn ba mươi năm sau, người bạn Hạt trưởng Lâm vụ ngày xưa cho biết tin đáng buồn về cô Hồng, và hai người hẹn nhau đến nhà người con gái của cô để biết thêm tin tức về người mẹ đã qua đời !

                                                                         *  *  *

Nhà con gái cô Hồng ở vùng Fountain Valley, miền Nam California. Trong khi ông bạn Chu dò tìm số nhà cô gái đã cho biết, Tân nhìn công viên rộng lớn, cây cối um tùm bên kia đường. Trong bóng chiều âm u một ngày mùa đông, công viên trông có vẻ âm u, khiến anh nhớ lại những khu rừng cao su ven quốc lộ 1 năm xưa ở Long Khánh.  Một vài nhà cạnh đó trồng chuối bên trong hàng rào, vươn lên  cao, toả lá ra bên ngoài  khiến anh liên tưởng đến rừng chuối ở đèo Mẹ Bồng Con, nơi đó mãi mãi còn ghi dấu ấn trong lòng anh … Xe dừng lại trước ngôi nhà trồng hoa xinh xắn. Ông Chu bấm chuông, cô gái mở cửa bước ra cúi chào, mời hai vị khách vào nhà. Vừa nhìn thấy khuôn mặt cô gái, Tân bỗng lặng người, tưởng như đang gặp lại cô Hồng, chủ xe be ngày xưa…Theo lời  của cô gái, ông bà nội cô kể lại rằng mẹ cô lúc sinh thời  đã bị du kích VC bắt với tội danh “làm tình báo cho địch”,  lý do: thường xuyên liên lạc với viên chức “ngụy quyền” Xuân Lộc để báo cáo tin tức chuyển quân của “cách mạng”… 


Trong thời gian bị nhốt trong rừng, mẹ cô bị bệnh, nên bọn du kích  nhắn tin sẽ thả nạn nhân, nếu thân nhân cho người đem tiền đến chuộc ! Sau đó mẹ cô được thả ở gần đèo Mẹ Bồng Con, và khi về nhà một thời gian ngắn thì từ trần. Cô gái bị mồ côi cả cha lẫn mẹ,  được ông bà nội nuôi nấng, theo ông bà vượt biên sang xứ sở Tự do này lúc cô vẫn còn bé tí…Tân đau lòng khi nghĩ rằng cái chết của mẹ cô, nỗi bơ vơ côi cút của cô … một phần do lỗi của anh ngày xưa!

Tân nhìn lên bàn thờ đặt ở phòng khách, trên đó có hai tấm hình của bố mẹ cô chủ nhà, khi mất còn quá trẻ. Anh xin gia chủ cho anh thắp ba nén hương cho ấm áp linh hồn người quá cố. Riêng anh, anh cũng cũng muốn vơi đi nỗi buồn canh cánh bên lòng bấy lâu nay. Anh vẫn tưởng, sau khi nghe người con gái kể lại mẹ cô đã mất vì bệnh tật,  anh sẽ vơi đi  mặc cảm chính mình đã tạo ra nỗi bất hạnh của cô chủ xe be đã bị VC bắt đi hồi ấy. Nhưng anh đã lầm! Kể từ ngày cô Hồng bị mất tích cho đến nay, nỗi buồn phiền, cảm giác ân hận…vẫn luôn theo đuổi anh, canh cánh bên lòng !…Cho mãi đến khi anh đã sống ở nước ngoài, cảm giác ân hận vẫn không nguôi ngoai trong lòng anh.

                                                                                                          Tam Bách Đinh Bá Tâm


 

        





No comments: