Wednesday, July 20, 2022

BỨC HỌA NẰM GAI NẾM MẬT

 _________________________________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

Related image

Mùa thu năm 1992, dù đã sang tỵ nạn ở Mỹ gần một năm, tôi vẫn không có công ăn việc làm. Hồi đó, những người Việt sang định cư ở Nam Cali theo diện tỵ nạn H.O khá đông, cho nên tìm được một việc làm không phải dễ. Một hôm tôi theo các bạn thuộc lớp tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” đến Hollywood để ký hợp đồng đóng phim. Theo lời giải thích của đại diện hãng phim(?), chỉ cần một số diễn viên đóng vai “quần chúng” trong một cảnh chiến tranh. Họ không đòi hỏi những ứng viên biết bắn súng, có dáng  kiêu hùng như  một GI trong phim chiến tranh của Mỹ. Cũng không cần người có dáng đẹp trai hiên ngang như tài tử John Wayne. Và dĩ nhiên cũng không cần người biết tiếng Anh lưu loát để đối thoại ở phim trường, hay trên màn ảnh.

Theo lịch trình làm việc, ngày hôm sau chúng tôi trở lại phim trường để thợ may lấy thước tấc thân hình, chuẩn bị may áo quần, nón mũ vải…Đã từng là quân nhân VNCH, chúng tôi nêu thắc mắc vì sao đóng phim đánh trận mà không đội mũ sắt mà phải đội mũ vải? Họ giải thích rằng chúng tôi sẽ đóng vai những anh “bộ đội GPMN”-  một “lực lượng vũ trang anh hùng” xuất phát từ nhân dân Miền Nam, nên sẽ đội mũ tai bèo, với khăn rằn quấn cổ…! Nghe lời giải thích đó, chúng tôi tức giận bỏ về, không màng đến cái “hợp đồng đóng phim” sắp ký với bọn làm phim thân cộng  này!                                                      

Sau đó tôi lại đi tìm việc làm khác…Theo lời chỉ dẫn của bạn bè, tôi ghé vào văn phòng bảo hiểm của anh bạn học cũ tại vùng Little Saigon. Anh bạn thân ấy đã may mắn sang đây từ  năm 1975, trước ngày Miền Nam lọt vào tay cộng sản. Mười năm sau, anh trở thành chủ nhân của một văn phòng bảo hiểm, với hai cô thư ký trẻ tuổi xinh đẹp. Khi tôi ngỏ ý muốn anh giúp cho một công việc làm, anh đã khéo léo từ chối! Trong khi ngồi nhìn vẩn vơ trong văn phòng bừa bộn, tôi thấy một bức tranh để ở một góc, bám đầy bụi bặm. Tôi đề nghị trang trí lại văn phòng, lau chùi sạch sẽ bức tranh và treo lên ở một vị trí trang trọng. 

Đó là một bức tranh cổ, ghi lại sự tích Việt vương Câu Tiễn vào cuối đời Xuân Thu bên Tàu, bị Ngô Phù Sai đánh bại. Vợ chồng Câu Tiễn đành phải đến ở nước Ngô làm con tin. Họ phải ăn cám bã, rau dại; mặc thì toàn quần áo rách rưới, cam chịu nhục nhã trăm bề. Có lần Câu Tiễnphải nếm phân đoán bệnh cho Ngô Phù Sai. Sau ba năm, Phù Sai mới tha cho Câu Tiễn về đất Việt. Từ đó, Câu Tiễn quyết chí quật cường để trả mối thù lớn.  Ông sợ mình sẽ ham thích cuộc sống an nhàn trước mắt mà lãng quên ý chí báo thù, nên tự sống một cuộc đời khắc khổ. Tối ông ép mình ngủ trên đống rơm có gai nhọn; cạnh đó treo một túi mật đắng. Trước mỗi bữa ăn, ông nếm túi mật để không quên nỗi nhục nhã đắng cay trong những ngày bị lưu đày ở  đất Ngô. Kết quả của ý chí “nằm gai nếm mật” đã khiến Việt Vương đánh bại Ngô vương Phù Sai và giết đi, báo thù cho nước Việt.

Với tôi, trong phòng bảo hiểm của người bạn vào buổi sáng hôm ấy, treo xong bức tranh “Nằm Gai Nếm Mật”, tôi ngồi ngắm mãi, định hỏi bạn để mua. Nhưng cuối cùng tôi đành bỏ ý định vì không đủ tiền, mặc dù vừa nhận được một tấm check hai mươi đô la - tiền công “trang trí nội thất  văn phòng bảo hiểm. Mãi đến một năm sau, khi có công ăn việc làm với đồng lương khấm khá, tôi trở lại, cốt mua cho kỳ được bức tranh. Tôi muốn treo nó ở phòng đọc sách trong nhà, để hàng ngày ngắm nhìn, hồi tưởng đến hình ảnh những ngày tháng “nằm gai nếm mật” trong trại tù Cộng sản. Tôi không muốn những kỷ niệm đắng cay năm xưa, rồi đây theo thời gian sẽ phai tàn theo ngày tháng. Nhưng lại một lần nữa tôi không thể mua bức tranh lịch sử quý báu ấy! Đã có kẻ cảm phục ý chí kiên trì, chịu “ngậm đắng nuốt cay” của ông vua thất trận Việt vương bên Tàu, nên đã mua bức tranh trước tôi!                                                   

****                                                                                                                                                                                                              Sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, chúng tôi bị đưa ra Bắc, giam trong trại “cải tạo” Thanh Cẩm miền Bắc. Suốt những năm gian lao khổ ải đó, chúng tôi bị buộc phải lao động cực nhọc; một ngày chỉ được ăn hai bữa, trưa và tối. Nhưng cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhất là về mùa đông giá rét trên thượng nguồn sông Mã. Ba ngày chúng tôi mới có một “bát cơm tươi” ; những những ngày khác phải ăn bắp ngô cứng như đá; ăn bo bo, khoai lang   khoai mì. Chúng được cấp phát cho tù nhân rất hạn chế, theo chủ trương “cho ăn vừa đủ để lao động sản xuất” như chúng tôi đã được “học tập cải tạo” !.

Mỗi buổi sáng, cán bộ công an dẫn chúng tôi ra “hiện trường lao động” với bao tử trống rỗng, khiến chúng tôi hoa mắt, chồn chân…để làm những công tác khổ sai. Mùa hè, tù nhân phải lên núi vác đá về xây thêm nhà tù, dưới ánh nắng đổ lửa, hừng hực của vùng núi đá xứ Thanh. Mùa đông, từng toán thay phiên nhau xuống sông Mã vác những cây tre dài đã ngâm dưới bùn,  về cho công tác xây cất. Trong không khí lạnh buốt của miền thượng nguồn sông Mã vào buổi sớm cuối năm, anh em chúng tôi thay phiên nhau xuống nước, tối đa khoảng mười lăm phút. Vì quá lạnh nên mọi người ngồi quanh đống lửa, hút thuốc lào cho ấm bụng. Bởi đói lả, nên nhiều tù nhân hút thuốc lào cho ấm, nhưng bị say thuốc, té ngã vào lửa. Nếu không có bạn bè  cứu kịp, có lẽ cán bộ Trại sẽ báo cáo “chết vì tai nạn lao động” ngày hôm ấy!

Đối với những tù nhân được thân nhân vào thăm nuôi, họ có thể tự túc trong bữa ăn, không cần thực phẩm do trại phát. Cho nên những trại viên này thường biếu phần khoai mì cho bạn đồng tù kém may mắn, không ai thăm nuôi. Bởi lòng vị tha, đùm bọc nhau trong cảnh tù đày như thế, nên thỉnh thoảng tôi có thể dành được một vài khẩu phần khoai mì. Tôi đã chế biến chúng bằng cách tán nhỏ, tồn trữ trong bình nhựa, phơi ở sân sau phòng giam. Đó là món “chao tự chế” để ăn khi quá đói lòng!

See the source image

Hằng ngày đi lao động đói lã. Lúc trưa về đến trại, vài củ khoai lang, hoặc một trái bắp ngô… không lắp đầy cái bao tử trống rỗng từ đêm hôm trước, nên phải bổ túc bằng món “chao tự chế” của tôi. Nó vừa chua, vừa nặng mùi…nhưng cũng đủ cho tôi sống còn để có ngày trở về với gia đình ở Miền Nam!  Nhưng cũng từ ngày cố gắng chịu đựng “ngậm đắng nuốt cay ” ấy,    tôi rất dị ứng  với những món ăn nặng mùi. Nhất là món mắm mà tôi sẽ phải đối diện trong những bữa ăn đạm bạc khi còn ở Việt Nam, sau khi ra khỏi nhà tù “cải tạo” của CS!

Thật ra, thời niên thiếu tôi đã từng sống ở vùng quê ven biển miền Nam Trung bộ, thường thưởng thức món mắm “quốc hồn quốc túy” của vùng đất “cày lên sỏi đá”này . Nơi đây khách vãng lai đã phải nhăn mặt vì mùi cá mắm thoang thoảng khắp nơi. Nhưng thuở ấy tôi rất thích mùi vị đặc thù của món ăn miền quê tôi! Nhất là những món mắm do mẹ tôi biến chế. Nào là mắm tôm chua, mắm thái, mắm ruột, mắm cơm, mắm nục, mắm thu. Những thứ mắn đó  ăn với thịt  heo luộc thái mỏng, cùng với rau sống, chuối chát thì thật khó quên. Cho nên vào những ngày giỗ chạp, cạnh những dĩa sơn hào hải vị như thịt gà, thịt vịt, thịt heo, thịt bò, cá, tôm…, luôn có thêm một vài dĩa mắm do mẹ tôi làm ra … 

Tuy nhiên sau khi ra khỏi trại tù “cải tạo” CS, cùng với những kỷ niệm đắng cay, tôi mang theo cái kỷ niệm “nặng mùi” của món “chao tự chế” thuở còn trong trại. Một hôm, vợ tôi mua một miếng thịt heo ba chỉ cùng với rau sống chuối chát, rau thơm đủ loại…để  ăn với mắm do nàng chế biến. Cơm dọn ra, các con ăn ngon lành và tán thưởng món mắm của mẹ chúng!  Bỗng dưng, nhìn bát mắm màu xám đậm, chanh vắt sủi bọt, thoang thoảng mùi mắm bay khắp nhà, tôi chợt liên tưởng  tới món “chao thối” của tôi lúc còn trong tù.  Tôi lẳng lặng đứng dậy, tự làm lấy chén nước nước mắm và mang đến cùng ăn với các con. Cô gái út để ý thấy khác lạ, bèn hỏi tôi:

-Ba không ăn mắm à? Mẹ chế biến chứ không phải mua ở chợ đâu! Thơm ngon, hợp vệ sinh lắm đó Ba! 

Tôi không muốn giải bày sự biến chuyển tâm lý của tôi sau những ngày nuốt “chao thối tự tạo” để cầm hơi trong những năm ở trại tù Thanh Cẩm.  Cũng như bao năm phải cố nuốt nỗi tủi nhục của “kẻ thua cuộc”, bị hành hạ thể xác, bị “nuôi ăn cầm hơi”… khiến tù nhân giống như Từ chối ăn mắm, tôi cảm thấy như mình đã phụ bạc tấm lòng yêu quê hương của những người Việt đã sang tỵ nạn ở xứ sở Tự Do này. Bởi khi ra đi, họ đã mang theo văn hoá nước Việt, kể cả những món ăn thuần túy của dân tộc Việt . Ở miền Bắc có những món ăn thường dùng với mắm tôm như Bún Thang, Bún Riêu, Bún Ốc, Bún Chả… Ngoài ra, còn có món cà pháo chấm mắm tôm, đậu phụ rán chấm mắm tôm. Ở Miền Trung , xứ Huế có  mắm ruốc để nêm trong món bún bò…Riêng ở Miền Nam, đã có các món mắm như: Mắm Và Rau, Bún Mắm. Riêng  món Bún Mắn, nay đã là món khoái khẩu của các bà, các cô người Việt khi vào các quán ăn vùng Little Saigon “bộ xương cách trí” biết đi. Và chính cái tâm lý đó đã gây ấn tượng sâu sắc suốt những năm sau này, khi tôi đã ra khỏi trại tù CS, khiến tôi sợ lây món mắm mà vợ tôi đã bỏ công chế biến. 

Sau này, khi đã sống ở miền đất Tự Do, tôi vẫn không nguôi tâm lý sợ mắm. Mỗi khi các con tôi từ tiểu bang xa về thăm cha mẹ, mời mọi người đi ăn món cá nướng cuốn bánh tráng…tôi chỉ  dùng với nước mắm.                                                                         ****

Đã gần ba mươi năm, kể từ ngày không mua được bức tranh “Nằm Gai Nếm Mật” tại văn phòng bảo hiểm của người bạn đồng môn, tôi chẳng hy vọng gì thấy lại bức tranh đáng quý ấy nữa.Thế nhưng, sáng hôm nay, tôi đã gặp lại bức tranh Tàu năm xưa  trên trang nhà điện tử trong máy PC của tôi. Tôi ngắm  bức tranh, cảm phục người anh hùng thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Vua Câu Tiễn đất Việt đã bị Ngô Phù Sai đánh bại trận, chịu nhục nhã đắng cay trong thời gian bị lưu đày trên đất Ngô. Ông đã phải hạ mình nếm phân kẻ thù, mong lấy được lòng tin kẻ thắng trận. Khi được thả về đất Việt ông đã nằm gai nếm mật để nuôi ý chí phục thù. Và cuối cùng vị vua kiên trì ấy đã đánh bại Ngô Phù Sai, giết được kẻ thù, trả được mối hận năm xưa. 

Mấy mươi thế kỷ sau, tại đất nước Việt Nam,  chúng tôi - những kẻ “thua cuộc” đã trải qua những đắng cay trong các trại tù khổ sai trên ba miền đất nước, cuối cùng đành phải gạt lệ xa quê, sang  tỵ nạn ở xứ sở Tự Do này.  Riêng tôi, đã hơn hai mươi lăm năm qua, tôi lặng ngắm thời gian lướt qua cuộc đời, nhuộm bạc mái đầu, đành cám cảnh khi nhớ đến hai câu thơ trong bài “Thuật Hoài” của Đặng Dung:


Quốc thù vị báo  đầu tiên bạch,

độ Long Tuyền đới nguyệt ma.Kỷ

Cụ Phan Kế Bính diễn Nôm như sau:

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.                                                                                         Sống nơi đất tỵ nạn xa xôi này, tôi vẫn hướng về quê hương cũ Việt Nam. Tôi mong chờ ngày tàn của “bên thắng cuộc” và chắc ngày ấy cũng không còn bao xa. Tôi vẫn luôn khắc khoải tưởng nhớ bầu không khí Tự Do của Miền Nam nước Việt- đã một thời phồn vinh, no ấm mà nay không còn nữa! 

                                                                                  


No comments: