Friday, March 1, 2019

NHỮNG CÂU CA THỢN THUỘC


_____________
CHÂN DIỆN MỤC

Lời thưa của RG-LH:
          Thưa Thầy, trong tựa thầy dùng chữ “thợn thuộc”, em nghĩ là Thầy muốn nói “thân thuộc”. Nếu không đúng, xin Thầy gửi cho rachgialh@gmail.com, em sẽ điều chỉnh lại. Kính thưa.
 HTTL
Related image

Ôi! Những câu Đồng Dao mà người ta muốn “giải mã”!!!

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Tới ngõ nhà trời
Lậy cậu lậy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Bụt ngồi bụt khóc
Con cóc nhẩy ra
Con gà tú hụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân vịt


Cái này gọi là tập cho con nít đuổi bắt con chữ... chơi!    
Cũng như:
Bà gì? Bà ngoại
Ngoại gì? Ngoại xâm
Xâm gì? Xâm lăng
....

Như những câu:
Thả dỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo vàng như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
chỉ là vừa đuổi nhau vừa tìm chữ chứ nào có đuổi bắt đàn bà con gái gì???

Mấy cháu bé đuổi bắt nhau dưới ánh trăng tuyệt vời thì tha hồ mà sáng tác lung tung beng:
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Thằng cù xí xoái
Bắt trai bỏ rọ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
....

Nếu có ai bảo tôi giải nghĩa, giải thích, giải mã... thì tôi chào thua! Thua (?) nhưng vẫn tiếc rẻ! vì thấy nó cũng hay hay!...
Đến bài thằng Cuội (tôi nghe hầu hết con nít đều hát Thằng Cuội, chứ không Chú Cuội)
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa

Có rất nhiều Học Giả, Nhà Nghiên Cứu đã giải mã (!) bài này. Tôi thật không hiểu Cha thằng cuội ở trên trời hay dưới trần? Mẹ thằng cuội ở dưới trần hay Cung Trăng? Tôi thật không hiểu các quan viên cầm tiền đi chuộc lá đa để làm gì? Nếu tôi hiểu những lời giải mã thì... chết liền! Ông thầy dạy văn chương của tôi có bắt tôi cố gắng xiển dương những điều thầy dạy thì tôi cũhg chào thua chịu phận Bất Tiếu Bất Mục.

Thế mới biết những điều tôi học chẳng ích lợi gì cho công việc mày mò những chữ nghĩa bò lổn nhổn!

À! Đây rồi: Những câu chữ lằng nhằng này sao thấy giống na ná chuyện đời ...
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba Vương ngũ đế
Cắp rế đi tìm
Ú tim à ập

Người ta nói câu này chỉ sự cố 1885 ở Huế!  Phải nói thực: sự cố đó như thế này:
Chu tri rành rành
Cái đanh nảy lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cập kế đi tìm
Ú tim à ập

nghĩa là:
Bá cáo rõ ràng
Cái đanh nảy lửa: chỉ súng của Pháp
Con ngựa đứt cương: ám chỉ vua Tự Đức chết
Ba vị vương: Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa tâp làm vua   
Ông Cập kế (chỉ vua Đồng Khánh) đi tìm Hàm Nghi. Chỉ vua Đồng Khánh à ập vào Bình Trị bắt vua Hàm Nghi.
Nghe cũng hơi có lý: Nhưng nửa tin nửa ngờ... nên chẳng mấy ai lưu truyền lời giải mã này!

Sau đây tôi cũng tập tành, xin quý vị tin lời giải mã của tôi về bài Bắc Kim Thang
Bắc Kim Thang

Bắc Kim Thang
Cà lang bí rợ
Cột qua kèo
Kèo qua cột
Chú bán dầu
Qua cầu mà té
Chú bánh ít
Ở lại mà chi
Con le le
Đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp
Thổi tò tí te tò te

Vốn liếng của tôi không có bao nhiêu, nhưng tôi đồ chắc bài này nói đến Chiêm Thành.
Bắc Kim Thang thì đúng là nói về chú Hời rồi!
Hình như tất cả những gì có hình như khối tháp đều gọi là Ca Lang, Ca Lăng!
Tôi thấy rõ ràng là thời xưa, có hồi kiến trúc Chàm hơn hẳn Việt Nam (?). Xin mời quý vị tới chùa Kleang ở Sóc Trang và chùa Cà Lang Mương ở Rạch Giá để xem
Cột qua kèo
Kèo qua cột
như thế nào.
Người Chiêm đã làm một cuộc trường chinh rất dài từ Bắc tới Rạch Giá, chứ không phải từ Quảng Trị tới Sóc Trăng mà thôi đâu!
Chú bán dầu thì đích thị là chú Hời rồi! Người Bắc dùng dầu trái Sở, mỡ cá để thắp đèn, sau dùng tới dầu lạc (đậu phọng) nhưng rất ít vì nó đắt tiền (!), gần đây dùng dầu thầu dầu (đu đủ dầu).
Người Chiêm vào miền Nam bán cái món hàng dầu đậu phọng đắt hàng lắm, không những để thắp đèn cho sáng mà còn để ... thờ nữa (!).
Các chú đã lập một làng ở giữa Sài Gòn Chợ Lớn gọi là “Phụng Du Thôn”. Có lẽ chú bán dầu đã qua cầu Phụng Du rồi té ở đường Nước Nhĩ gần đó chăng? Còn chú Bánh Ít thì ở lại làm chi??? Tháp Bánh Ít và mười tháp Chàm rất đẹp ở vùng Quy Nhơn đã làm sáng chói văn minh Chàm! khỏi cần đánh trống thổi kèn quảng cáo!
Người ta vẫn ngưỡng vọng về vùng Quy Nhơn để tự hào về văn minh tổ tiên!!!

 C.D.M.

6 comments:

Ledinh chontam said...

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
(Bài nầy khỏi cần giải mã)

Là những bài hát thịnh hành trong nhân giang.

Những bài hát có thể do trẻ em tự sáng tạo hay do những học sĩ vô danh viết cho trẻ em hát.
Nhưng tất cả là thể thanh, thể hiện cho âm điệu của tiếng vn mà người vn ìt sao quên được.
LDCT

rachgia said...

Comment của Thầy CDM

Thầy dùng chữ thợn thuộc đấy
nghĩa là tào lao thiên đế , ba chớp ba nháng , chẳng nghĩa lý chi cả
Chữ Bắc Kỳ xưa , ngày nay Bắc Kỳ cũng chẳng nói
Em đổi đi cũng được !

rachgia said...

Kính Thầy cùng anh Lê Đình Chơn Tâm

Em cám ơn Thầy đà cho biết về hai chữ "Thơn thuộc". Đây làn đầu nghe chừ nầy nên không hiểu rõ nên em hỏi anh Tâm, anh Tâm cũng là dân Nam Kỳ như em mà thôi và hai anh em đóan chắc là ông thầy viết lộn thân thuộc thành thợn thuộc hihi.... hóa ra là thợn thuộc
Em cám ơn bài viết của Thầy cũng như TL cám ơn anh Tâm đã chỉnh dấu lại cho bài Thầy thêm đẹp

Về Lâm Đồng Thầy viết nhiều hơn xưa ai cũng thấy điều đó
Kính chúc Thầy sức khỏe vạn an và mong đón nhận các sánh tác mới của Thầy

Học trò Thầy
HTTL

Quang Minh said...

Hai Thầy nói chuyện trời trăng, mây nước, thủ cầm em hỏng hiễu gì hết. Nên
" Hỏng biết dựa cột mà nghe "
Người xưa đặt những bài vè ca dao
Nghe thật chân chất làm sao
Trẻ em vui thích lao xao hát hoài
Em đây cũng thiệt tào lao
Ba chớp, ba nháng cũng vào comment
Hi hi hi ...

Quang Minh said...

Em đây cũng thiệt thày lay
Ba chớp, ba nháng chen vài ba câu
Hai Thầy tha lỗi trò Đào
Cái tội vô phép chen vào múa may ( rìu qua mắt thợ )

rachgia said...


Anh Tâm email kêu em sửa lại tựa cho đúng theo ý Thầy và em đã sửa ...