_______
Chân Diện Mục
Ở nước trong
(trong nước) bây giờ đang có phong trào viết: "cuốn sách làm thay đổi đời
tôi". Đó là những cuốc sách mà người viết thú nhận là họ bị ảnh hưởng sân
đậm. Những ý tưởng hay trong cuốn sách làm họ thích thú, say mê thường là họ mê,
họ thần tượng luôn tác giả cuốn sách đó). Họ tâm niệm rằng mình phải
có chí hướng, phải sống như thế... như thế...
Tôi thì không có cuốn nào là coup de foudre cho tôi. Tôi bị ảnh hưởng...
hoặc mê rất nhiều cuốn.
Tôi sinh ra
trong một gia đình Nho giáo. Nhưng thuở nhỏ cha tôi cho tôi theo học chương
trình Pháp Việt. Khoảng năm tôi học lớp nhì (tức lớp bốn bây giờ) cha
tôi mới dạy tôi học chữ Nho. Ngoài cuốn Tam tự kinh dạy
từ ngữ Hán, cuốn đầu tiên có ý nghĩa tư tưởng Nho là cuốn Minh Tâm Bửu Giám. Đối với ngày nay thì cuốn đó có ý nghĩa cao siêu
chăng (?). Nhưng tôi thấy nó cũng bình thường thôi. Cũng là những ý thường nhật
trong câu chuyện của cha và các chú!
Một điều là
cha tôi rất mê Lão Trang nên tôi cũng ảnh hưởng theo. Đó là vì cha tôi không hề
làm quan. Số là ông nội tôi làm Thái Y trong triều đình Huế. Cụ thấy cái nghề
làm quan nó bạc bẽo lắm! Nghề y thì lại càng hẻo! Chữa khỏi bệnh cho ông Hoàng
bà Chúa thì họ bảo do hồng phúc của họ, mà không khỏi bệnh thì... cụ sợ vãi đái
ra quần!!! Cụ bỏ Huế về quê làm ruộng và xúi con cháu... đừng thèm làm
quan nữa!
Trong Minh Tâm Bửu Giám, cha tôi cứ trích những câu có mùi vị Lão Trang
để dạy cho tôi:
"Ư ngã thiện giả, ngã diệc
thiện chi. Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi. Ngã ký ư nhân vô ác, nhân năng ư
ngã hữu ác tai!"
Nghĩa là người tốt với ta, ta tốt lại. Người ác với ta, ta cũng cứ tốt với
họ. Ta đã không ác với người, sao người lại có thể ác với ta mãi! Ngày nay nếu
ta đối xử như thế chắc ta tiêu tùng luôn!
"Kẻ ác chửi người thiện, nói xấu người thiện, người thiện không đối
đáp lại, thì nó như lửa cháy chỗ không, chẳng cứu nó cũng tự tắt". Ôi trời! Trong một xã hội cả
tin, dễ xu hướng, nếu ta không đối đáp lại, thì mọi người sẽ tin người chửi trước,
nguy hiểm lắm! Giữa đường một chị bị người đàn ông đánh túi bụi, la: Cái thứ
đàn bà hư, con đau ở nhà mà mày không mua thuốc, lại lấy tiền đi đánh bài hả!
Anh ta thản nhiên móc túi chị lấy tiền (mua thuốc cho con!). Mọi người thản
nhiên nhìn (người đàn bà hư) không can thiệp, nghĩ rằng chị ta đã hư thế còn cự
nự chồng (!).
Tôi nghĩ các nhà tuyên truyền ngày nay cũng thế! Cứ nói xấu
người thật nhiều đi, sẽ có người tin. Bài học Tăng Sâm giết người mà! Tôi nhớ có một
nhà tuyên truyền Liên Xô phán rằng: Trong mặt trận tuyên truyền, nếu ta để đối
phương làm bàn 1-0 thì ta khó gỡ lại hòa lắm! Tôi từng thấy một người đi
xe máy đụng xe khác, chính anh ta lỗi, nhưng anh ta mắng người kia xối xả. Người
kia không muốn dây với thằng hủi, nên bỏ qua cho rồi (!). Trong sách Cổ Học
Tinh Hoa toàn nêu gương bao dung, độ lượng, nhường nhịn... Nhưng nhiều khi ta
nhường nhịn quá, như khuyến khích kẻ ác lấn lướt tới.
Thời bao cấp,
ở tỉnh tôi, thiếu xe cộ một cách trầm trọng. Mỗi lần đi xe Lam, vợ chồng tôi khốn
khổ vô cùng. Người ta không chỉ chen lấn mà thôi, người ta thản nhiên níu người
khác xuống để lên xe. Nếu không làm thế thì cả buổi không đi được, không đi mua
hàng được thì... con cái ở nhà sẽ đói! Nếu cứ xử sự theo kiểu Lão Trang thì cả
nhà teo bao tử luôn!
Cái thuyết
nhu thắng cương, nhược thắng cường, lưỡi mềm thì còn mãi, răng cứng thì sẽ gãy,
không phải lúc nào cũng áp dụng được. Nhất là những kẻ có quyền luôn phải xử
lúc rắn lúc mềm, lúc ân lúc uy.
Vua Tề hỏi một
hiền giả rằng: Người ta nói Trẫm nhân từ và hay gia ơn, đức tính ấy có thể làm
nên nghiệp Bá được không? Đáp: - Đức tính ấy sẽ dẫn đến mất nước! -
Ủa! Sao lạ vậy? Đáp: - Nhân từ thì kẻ có tội không nỡ giết, hay gia ơn
thì kẻ không có công cũng được khen thưởng! Kẻ có tội không trị, kẻ không công
cũng thưởng, không mất nước sao được!
Cuốn Quốc
Văn Giáo Khoa Thư được ngày nay ưa chuộng, tái bản bao nhiêu cũng được mua hết,
dù giá cao. Trong đó có chuyện ông Tô Hiến Thành làm tới tể tướng, nhưng khi
người hầu đánh đổ tô cháo vào áo bào của ông, ông không mắng mỏ mà còn hỏi: “Ngươi có bị
phỏng tay không?” Ngày nay nếu đối xử như thế người
ta sẽ dần dần “lờn mặt”. Tôi chỉ là
một phó thường dân thôi, nhưng đã từng bị con cháu và học trò lờn mặt!
Trên đây là
những quyển: Minh Tâm Bửu Giám, Cổ Học Tinh Hoa, những cuốn Quốc Văn Giáo Khoa
Thư, Tâm Hồn Cao Thượng (Hà Mai Anh dịch của De Amicis) đã gây nhiều ấn tượng
trong thời niên thiếu của tôi)
Lớn lên, khoảng
lớp đệ Ngũ, đệ Tứ (lớp 8, lớp 9 ngày nay) Tôi đã biết để dành tiền ăn sáng, mua
sách đọc. Những tác giả Đào Trinh Nhất, Nhượng Tống, những tác giả của tủ
sách Học Làm Người như Phạm văn Tươi, bs Dương Tấn Tươi... rồi những vị như Phạm
cao Tùng, Nguyễn duy Cần... Đặc biệt là cuốn Học Để Làm Gì của Hoàng Xuân Việt.
Tác giả HỌC ĐỂ LÀM GÌ đã dạy người ta không phải học để làm quan mà học để giúp
dân giúp nước, có ích cho đời!
Nhưng than
ôi! Càng lớn lên tôi càng thấy cảnh Tang Điền Thương Hải, đời là bể khổ! Càng
ngày càng lắm người viết sách kích thích thù hận, xúi người ta giết nhau! Chia
bè lập đảng, khuynh đảo xã hội...!
Ôi! Dụi mắt
bẩy lần cũng không kiếm ra một cuốn giúp cho thế đạo nhân tâm! Thậm chí những
cuốn Quốc Tế, có tầm vóc lớn như: Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, Mặt Trận Miền Tây Vẫn
Yên Tĩnh, Bắt Trẻ Đồng Xanh, Bác Sĩ Zivago, Báu Vật Của Đời (Phong Nhũ Phì Đồn),
Phế Đô còn bị chê lên chê xuống là...
Ôi! Biết nói
thế nào nhỉ:
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo thường dân nghĩ lại thẹn thân già
CDM Cuối năm 2013
2 comments:
Thầy muốn gì hơn? Học trò vẫn quí Thầy nhé.
Những quyễn sách thầy kể vẫn còn giá trị của nó, tuỳ người áp dụng.
Em nghĩ những biến cố bây giờ ở VN có thể làm con người VN thay đổi.
Nhưng em cũng nghĩ vào thời xưa, thời biến loạn bên Tàu, con người cũng “tệ tương tự” như người vn bây giờ mà thôi. Và có thể cũng vì vậy, mà những quyễn sách tiếng Hán thầy kể đó, ra đời.
Sống còn vẫn là luật thiên nhiên cho mọi sinh vật,
Bần cùng sinh đạo tặc là luật con người (một số) lúc khó khăn.
Thầy có biết những quyễn sách mất giá trị sớm, lỗi thời mau, thường là những quyễn sách khoa học, nhất là về tính hiệu (IT) ở trình độ cao học, không? Trong vòng năm năm, không ai dùng tới sách đó nửa, trừ vài trường hợp đặc biệt mà thôi. Bài khoa học mới post trên báo khoa học thế giới với sự kiễm nghiệm của đồng nghiệp, sau hai năm là “pha”.
Thầy VHC của Thầy nói đúng “Lũ chúng ta đẫu thai lầm thế kỷ”. Đó là lời suy ngẫm, ngậm ngùi của một nhà thơ: cho Thầy của Thầy, cho Thầy và cho tụi em hay hơn nửa là phải tiếp tục trọn “kỷ nguyên”.
Nhưng thôi thầy ạ, Cô Siren RG vẫn theo Thầy lên núi rừng Tây Nguyên là đủ.
Thầy cho em chào chị Kim Chi
LDCT
Nghe hai Thầy luận bàn mà nghe lòng buồn rười rượi. Trời hôm nay lại rầu khung cảnh thật âm u. Chừng như sắp đổ mưa mây giăng phủ mịt mù . Em tưởng tượng lòng mình nước nhỏ rơi từng giọt.
" Trên hai vai ta hai vầng nhật nguyệt...."
Biết tìm đâu hai cõi đi về
Xin lỗi hai Thầy đã xen vào câu chuyện
Học Trò Khờ
QĐ
Post a Comment