Hải Vân
Khi tôi lớn lên thời hoàng kim của những Ông Nghè Ông Cử không còn nữa. Hình ảnh Quan Trạng vinh quy bái tổ chỉ còn trong sách vở, trong từng câu chuyện được bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa.” Ngày xưa – nghe xa vời như huyền thoại một mẹ trăm con, như vầng trăng cổ tích chỉ còn trong vườn trí tưởng. Giữa mờ sương kỷ niệm, bóng dáng “Ông Đồ” thoắt ẩn thoắt hiện, vụt ngời sáng chợt tan biến, gợi lên trong lòng tôi một tình cảm bi thương đau đớn, hệt như phút rực rỡ để rồi lâm chung của vầng thái dương trước cảnh chiều tà.
Tôi như chợt thấy đất trời xuân năm cũ, có một cụ già ung dung tự tại bày mực tàu giấy đỏ giữa phố thị đông người. Ông đồ đã về ư…? Vâng! Ông về trong giòng thơ của thi nhân họ Vũ
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua”
Có điều gì đơn sơ hơn, thuần khiết hơn, đẹp đẽ hơn cảnh ông giáo khăn đóng áo dài ngồi bên hè phố, giữa những câu đối đỏ phất phơ trước gió, giữa sắc hồng tươi thắm của hoa đào. Thật gần gũi mà không tầm thường. Thật trang trọng mà vẫn thân quen. Đây phải chăng là nét độc đáo trong thi pháp của Vũ Đình Liên, khi mô tả một nhà giáo giữa chợ đời?