CAO VỊ KHANH
Tháng 6 năm 1970 khi tôi xếp bút nghiên để sửa soạn cầm thước gỏ thì anh đã gỏ-đầu-trẻ đâu đó lâu lắm rồi. Nếu xếp về thứ bậc và tuổi tác, hổng chừng tôi phải gọi anh là thầy nữa là khác. Anh ra trường dạy dỗ đã lâu, có lúc nghe nói đã từng leo lên leo xuống mấy con dốc mà có lần nhà thơ Vũ Hữu Định đã kể lể ... phố núi cao phố núi đầy sương, anh khách lạ đi lên đi xuống .... Học trò cũ của anh có người tròm trèm tuổi tôi. Vậy mà hổng biết sao, ngay khi vừa gặp nhau, ngay giữa chỗ mà người ta thường nghiêm mặt lên giọng gọi là cửa Khổng sân Trình, giữa anh và tôi đã như quen biết lâu rồi ... Ngộ lắm. Cái gì đó ... cũng chẳng rõ là cái gì. Chỉ biết làm như có chỗ rất tương đồng. Ngặt cái, dù kể ra là đồng nghiệp mà cái chỗ tương đồng thì chẳng ăn nhằm gì hết với cái nghiệp mà đời đã đưa đẩy chúng tôi đến gặp nhau. Dù xuất thân từ chung một lò, được dạy dỗ uốn nắn mấy năm trường gần như cùng chung một sách, vậy mà khi gặp nhau, chúng tôi lại thấy giống nhau ở cái chỗ không ... có sách nào dạy. Thời đó, từ nhà trường đến xả hội, hai cái chữ dù không được sơn son thếp vàng đóng khung treo trong đình trong miểu nhưng vẫn coi như treo lủng lẳng một cách vô hình trên đầu quí vị làm nghề ... dạy học. Từ dạy con nít mới bập bẹ i tờ tới con trẻ đã đọc ro ro chữ quốc ngữ. Dạy gì không biết, chỉ biết mỗi ngày đóng bộ vận vô ra trường lớp là phải ... mô phạm. Y như quí vị sư sải ni cô là lúc nào cũng phải chắp tay ... mô ... phật vậy đó.