Wednesday, March 19, 2014

NGÀY XƯA CÒN ĐÓ.....

____________
Mặc Nhân
 
       
                     
                                                        
         Tôi được đổi xuống dạy tại trường Tiểu học Chợ Gạo vào năm 1950. Tôi và một số đồng nghiệp giáo viên cùng ở trọ tại nhà ông hiệu trưởng. Bà hiệu trưởng trường là một người tốt bụng, chỉ lấy tiền ăn uống ở trọ cho có  lệ. Trái lại những bữa cơm của bà tươm tất, ngon lành ...mà mãi đấn bây giờ chúng tôi mỗi lần nhớ đến cũng vẫn ngậm ngùi thương kính bà.
          Tôi dạy lớp Nhì trong khi các con ông hiệu trưởng, trai có gái có tuổi xê xích nhau chỉ vài tuổi bởi vậy tôi chỉ có dạy một em trai. Còn các em lớn hơn  thì đã học lớp nhất, các em nhỏ lại đang học ở các lớp nhỏ.
          Trong số nầy có một em gái tên Rỉ. Em học lớp nhất có nghĩa là tôi không có dạy em và tất nhiên em không phải là học trò của tôi. Vậy mà tất cả con ông hiệu trường dù có học hay không với thầy nầy thầy kia đều gọi tất cả chúng tôi là thầy. Đó là nề nếp đạo đức bất di bất dịch của con người Việt Nam. Và lòng tôn kính đối với những thầy không dạy mình vẫn được tôn trọng và kính nể như đối với thầy mình.

          Hè niên khoá 1950-1951, trường tổ chức lể Phát thưởng cho học sinh. Tôi xin mở dấu ngoặc để nói về lễ Phát thưởng cuối niên học. Tôi viết từ Phát thưởng bằng chữ hoa vì tôi tôn trọng ngày nầy lắm. Mãi đến bây giờ 60 năm qua trong đời tôi, biết bao cuộc chia tay trong ngày lễ nẫy. Tinh thần và ý nghĩa ngày lễ nầy vẫn còn tồn tại trong ký ức học sinh và thầy giáo của tôi.
          Ngày xưa, nơi trường học từ các trường sơ cấp nhỏ bé nơi làng xã hẻo lánh đến các trường tiểu học kể cả những trường trung học ở thành phố lớn, lễ Phát thưởng cuối niên học là một lễ hội. Xin nhấn mạnh là một lễ hội. Dù lớn hay nhỏ dù giản dị hay hoành tráng, dù chỉ có mấy cái bánh nhỏ mấy củ khoai lang, mấy chai nước cam vàng, dù là bữa tiệc linh đình có trình diễn văn nghệ, có cả diễn văn...đều để lại dấu ấn trong tôi.
          Lễ phát thưởng tập họp đông đảo thầy, trò và phụ huynh tham dự. Tất cả với lòng háo hức để học sinh mừng kết quả mình đạt được, để thầy cô mừng cho công lao mình được đền đáp, để cho cha mẹ vui lòng vì được biết con mình có chí lập thân. Lễ Phát thưởng cuối niên học còn là buổi chia tay cuối cùng của năm học cũng có thể là buổi chia tay vĩnh viên với bạn bè của cuộc đời học trò. Rồi đây bạn bè tung ra bốn phương trời, ngày gặp lại chỉ còn trông vào Trời định. Do vậy cuộc lễ Phát thưởng nào trong thời gian tôi đi học cũng như trong thời gian tôi dạy học, đã lâu lắm rổi, vẫn còn ghi lại trong tôi những kỷ niệm không quên.
          Ngày tạm biệt
          .................................................
Ba gian trường lá ve vào hạ
Một dạ thương thầy nắng chớm thu
Hoa phượng vui buồn tan tác rụng
Thầy và trò xa cách mấy quan san
Bài học cuối cùng chỉ bằng đôi mắt
Chẳng nên lời mà âm hưởng còn vang
Rưng rưng lệ bài ca lời tạm biệt
Đến bây giờ còn nóng hổi nhớ thương
.............................................................
(Thơ của tác giả)
          Tôi trở lại lễ Phát thưởng cuối niên học 195-51 tại trường Tiểu học Chợ Gạo. Vì tôi còn trẻ lại nữa cũng có chút máu văn nghệ văn gừng...vườn, nên được ông hiệu trưởng phong làm trưởng ban tổ chức, kiêm dạy múa dạy hát, kiểm cả làm a-ni-ma-tơ (hoạt náo viên) hồi đó chưa có từ em-xi (MC) như bây giờ. Tôi nhận hết vì điếc không sợ súng mà, nhất là cái vụ a-ni-ma-tơ nầy. Lúc bấy giờ a-ni-ma-tơ còn dùng hai thứ tiếng, tiếng Việt tiếng Pháp nửa chớ. Thật sự như đã nói điếc không sợ súng, lại nữa tôi học lóm ở các đại nhạc hội ở Sài Gòn nhất là tôi mê cái giọng giới thiệu chương trình của quái kiệt Trần Văn Trạch. Tôi nghĩ trên Sài Gòn thì có Trần Văn Trạch, còn ở cái đất Chợ Gạo nước mặn đồng chua cỏ cháy nầy thì ...tôi là được rồi.
          Như đã nói là tôi bao giàn hết chương trình lễ nầy, nên cũng chính tôi chọn diễn viên và ca sĩ k cả bài hát. Tuy vậy tôi chỉ dám dành cho mình hai tiết mục: Múa: Lữa rừng đêmđơn ca: Trăng mờ bên suối. Còn thì chương trình ca nhạc còn lại tôi ....giao hết cho một thầy giáo khác, thật tình mà nói, giỏi hơn tôi nhiều về...cái vụ nầy.
          Màn múa Lữa Rừng Đêm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, được tôi giàn dựng với mấy cậu học trò, cái dạng đi học để trốn lính, trốn làm xâu mà, tối ngày mang cái chân phèn lội ruộng, nhảy mương... mà bảo chúng biểu diễn vũ khúc rum-ba thì cái màn múa nầy nó hay đến cở nào chắc độc giả cũng biết rồi. Ngược lại9 màn đơn ca Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên, do một em nữ sinh lớp nhất trình bày thì thật sự tôi... à không cô bé được vỗ tay vang dội.
          Buổi lễ Phát thưởng năm ấy ở trường tiểu học Chợ Gạo đã thành công vượt bực và ông hiệu trưởng đã phê một câu Pas mal! (Không tệ!). Bởi vì cô nữ sinh hát bài Trăng mờ bên suối đó chính là cô bé tên Rỉ, ái nữ của ông. Em bé nầy mặc dù không phải học trò của tôi nhưng là một minh tinh do tôi đào tạo, ít nữa là cũng trong Lễ Phát thưởng hôm nay. Tôi tự hào về điều nầy.
          Năm tháng trôi qua, thời gian tôi rời xa trường Chợ Gạo tính ra đã trên 17 năm. Thỉnh thoảng tôi có gặp lại ông hiệu trưởng của tôi và các bạn bè đồng nghiệp cũ ở Chợ Gạo. Cũng có đôi khi học trò cũ của tôi đến thăm tôi nhất là vào các dịp Tết Nguyên Đán. Tôi cũng có hỏi thăm các học trò cũ của mình và đôi khi chúng tôi, thầy trò có nhắc lại buổi lễ Phát thưởng cuối cùng của tôi ở trường Chợ Gạo, nhưng không có khi nào tôi nhắc đến cô bé hát bài Trăng mờ bên suối, vì chuyện một cô bé 10 tuổi hát trong một lễ Phát thưởng của trường,  có hay đến đâu đi nữa, mà nay đã 16, 17 năm rồi còn gì để nhắc lại,
           Thế rồi một hôm tôi gặp em ở Sài Gòn với hình dáng một thiếu nữ đẹp đẽ, trẻ trung đôi phần liếng thoắng. Tôi không nhìn ra em, nhưng chính em là người nhìn ra tôi. Thoạt đầu tôi không dám hỏi em là ai, chỉ nhìn em mà há hốc mồm. Em mới chịu nói: Em là Rỉ nè, ở Chọ Gạo nè! Thế là tôi cũng mừng không kém em. Nhìn em đổi thay từ một đứa con gái nhỏ xíu mặc áo cài lộn nút, quần óng cao óng thấp, tóc tai sắp sơ sắp sảy...bây giờ đã là một thiếu nữ, một cô giáo đàng hoàng...Tôi thật sự ngỡ ngàn từ dáng dấp đến giọng nói của em ngày xưa đến ngày nay thay đổi quá nhiều. Tôi chỉ biết nhìn em và nghe em nói và nói. Cuối cùng em nắm tay tôi, kéo tôi và bảo: Đi ra Đô Thành uống cà phê với em. Tôi không đủ can đảm và nghị lực để từ chối trước một đề nghị như vậy nên ...ríu ríu theo em.
          Thế rôi em và tôi ra trước toà Đô Chính, gần Air Việt Nam vào Nhà hàng Đô Thành uống cà phê. Chừng nầy, chúng tôi mới có dịp kể lại cho nhau những kỷ niệm xa xưa. Tôi ở trọ nhà ba mẹ em đi dạy học, em còn nhỏ xíu, không có học tôi những vẫn gọi tôi là thầy....Nhớ đến đây tôi bỗng nhớ ra và tự hỏi: Thế sao nảy giờ cô bé nầy hạ bệ mình, lại gọi mình là anh? Tôi nghĩ như vậy nhưng không hỏi - dại gì mà hỏi - vì tiếng anh trong thời điểm nầy hẳn là  hợp tình hợp lý hơn. Rồi em buồn buồn kể lại cho tôi nghe: Anh nhớ hôn, kỳ bãi trường đó anh biểu em hát bài Trăng mờ bên suối đó. Em nghe lời anh em... hát mà nghe nói người ta khen lắm phải không anh?
          Bản nhạc Trăng mờ bên suối lại trở lại với tôi vi lời ca của một em bé 10 tuổi. Trước khi lên hát, mấy cô giáo đã đánh phấn thoa son cho em, sao tôi trông em giống con búp bê...Nga quá. Vậy mà em đã hát và hát rất hay là khác nhưng lúc bấy giờ, có lẽ em không biết là em hát hay. Tôi lại hỏi em: Bây giờ em còn nhớ bản nhạc đó không? Em nhìn tôi vẻ hờn trách: Sao không nhớ. Thậm chí em thường hát luôn. Mà anh có biết hôn mỗi lần hát nó là em... nhớ anh.
          Nói xong em lấy muổng cà phê gỏ nhẹ vào ly và cất tiếng hát nho nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy
Ngàn đời vang nhạc bên suối trăng tà...
Tôi ngồi nhìn em, say mê nghe em hát và dường như đây là giọng ca hay nhất của bản nhạc nầy mà tôi được nghe. Em say sưa hát, mặc cho một vài người khách hiếu kỳ nhìn em. Giọng em buồn, buồn lắm có lúc tôi tưởng là em sẽ khóc mà không tiếp tục được, nhưng lời ca em vẫn lênh đênh, vẫn lên xuống bổng trầm, lắng đọng, nức nở....thấm đậm ít nữa là trong lòng tôi:
 Một ngày xa nhau xoá bao hình bóng
 Trời bày chia ly chi cho lòng héo
 Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
 Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ.
  Em chấm dứt bài hát, lấy muổng lơ đảng khuấy ly cà phe đá mà không uống. Em cũng không nhìn tôi, nhìn bâng quơ qua khung cửa kính ra con đường Hàm Nghi của Sài Gòn đang vào hè rực nắng, Tôi cũng câm lặng không biết phải nói gì, vì dường như giọng hát của em hôm nay đưa tôi về 17 năm về trước để tôi nhớ một cô bé tên Rỉ nhà quê, đã được tôi đưa lên sân khấu hát cho mọi người nghe. Lúc ấy em hát mà em không cần biết ý nghĩa của lời ca. Còn hôm nay em cũng hát bài nầy mà chỉ hát cho mỗi mình tôi nghe, chắc chắn là em muốn gởi cho tôi những ca từ mà em biết là những ca từ ấy muốn nói điều gì.
           Lời ca của bản nhạc trữ tình của người nhạc sĩ tài hoa Lê Mộng Nguyên, đã nói với chúng tôi quá nhiều nên chúng tôi ngồi đó mà không còn có lời nào trao đổi với nhau thêm cho đến khi chúng tôi ra về. Tuy nhiên khi ra về em lại vui vẻ bảo tôi: Nè, anh có lên Sài Gòn là phải kiếm em nghe không? Không biết có phải đó là cái lịnh hay không mà mỗi lần tôi có dịp đi Sài Gòn, là chúng tôi lại đưa nhau đi uống cà phê ở Đô Thành, ở Thanh Thế hay Nguyễn Văn Đắc hay Givral..., đi ăn cơm thố ở Chợ Cũ, đi xem phim ở Rex hay Eden hay Đại Nam...
         Thời gian cũng khá dài để anh em chúng tôi gặp nhau vui với cái vui của nhau, buồn với cái buồn của nhau, và thỉnh thoảng em ngã đầu vào vai tôi thì thầm hát bài Trăng mờ bên suối.
Cho đến một ngày....Ngày 1 tháng 5 năm 1975, từ đây tôi không còn gặp em và cũng không biết bây giờ em ở đâu, còn ở Sài Gòn hay về quê ở Chợ Gạo. Nếu bình thường thì việc tìm một người quen ở Sài Gòn hay ở Chợ Gạo đối với một người ở Mỹ Tho thì không có gì khó khăn, nhưng mấy năm sau 1975 việc nầy trở nên nhiêu khê, hơn nữa mọi người cũng đang có quá nhiều vấn đề trong cuộc sống, nên đối với tôi, dường như tôi đã quên em, nếu không thỉ chỉ một thoáng nhớ qua em... rồi thôi.
          Mãi đến năm 1992 tôi được biết em đã về quê ở Chợ Gạo và đang trong tình trạng đau yếu. Một ngày cũng như mọi ngày, tôi tìm đến thăm em. Gia đình em thì không còn gì. Ông bà hiệu trưởng đã qua đời. Anh chị em thì người còn người mất, người lại ly tán xứ người. Nhà vắng lặng như không còn sinh khí. Tôi vào nhà thấy một thân hình gầy gò nằm trên bộ ván. Từ nhà sau, Dì của em nhận ra tôi bảo: Con Rỉ đó thầy. Tôi đến bên em, khẻ lay em dậy. Em mở mắt nhìn tôi, nhận ra tôi và ra dấu muốn nằm võng.
         Tôi dìu em nằm xuống võng. Em lại nhìn tôi và nói:
          -Bây giờ mà .....thầy còn đến thăm em. Em cám ơn thầy lắm.
          Tôi cố làm ra vui vẻ bảo em:
          -Sao lại gọi anh là thầy, anh chớ!.
          Em nở một nụ cười buồn, heo hắt, cháy cả ruột gan, bảo tôi :
          -Còn gì nữa mà ...gọi anh....    
          Sáu tháng sau...!!!
          Từ đó, mỗi lần nhớ lại em, tôi nhớ em đã hát bản Trăng mờ bên suối, hai lần. Lần đầu khi em còn là một em học sinh bé bỏng chỉ hát theo sự chỉ dẫn của tôi. Lần sau, 17 năm sau khi em đã là một thiếu nữ em lại hát và chỉ cho mỗi mình tôi nghe vào một buổi trưa tại nhà hàng Đô Thành ở Sài Gòn. Và sau đó cũng 17 năm, tôi đã đến thăm em ln cuối.
Tính đến nay, từ ngày em hát bản nhạc Trăng mờ bên suối lần đầu tiên trong dịp lễ Phát Thưỡng trường Chợ Gạo đến ngày tôi viết bài hồi ký buồn nầy đã 60 năm trôi qua.
         Từ đó mỗi lần nhớ đến em là tôi nhớ câu nói làm cháy cả ruột gan của em Còn gì mà gọi....anh. và văng vẳng trong tai tôi giọng ca của em càng ngày càng thêm sâu lắng, buồn thương....
Một ngày xa nhau xoá bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ./-




No comments: