Monday, September 14, 2020

Hồi Ức Một Kẻ Điên ...

__________________________

Tác giả Trần Chí Long, một thân hữu Rạch Giá doTrần Hàng Ngươn.giới thiệu và gởi bài đến Tha Hương. Cám ơn Ngươn. xin chào người bạn mới đến với Trang Nhà và hân hạnh giới thiệu" Hồi Ức Một Kẻ Điên" của tác giả đến cùng Qúi Thầy Cô và bạn hữu
HTTL

Chuyện tình nàng thiếu phụ tên “TÔI”

Tác giả: Trần Chí Long




... Những tiếng động khua khe khẽ từ dụng cụ y khoa inox và những tiếng nói lao xao làm tôi thức giấc. Một mãng ánh sáng trắng xám trong phòng giải phẫu đập vào mắt làm tôi hơi choáng, bỗng nhiên một vài tiếng nói thỏ thẻ bên tai “what’s your na ... me... , what’s your add...ress ...”, Are you alright...” ; và ... đầu tôi hình như rất nặng rồi từ từ nhắm mắt lại và thiếp đi ....

Tôi là một thiếu phụ dịu dàng của gia đình, có chồng và hai con thật ngoan ngoản dể thương. Chồng tôi là một nhà khoa bảng có bằng cấp, học vị, có năng lực, thương vợ thương con, chỉ tội cái là quá cộc cằn, gia trưởng và uống rất nhiều rượu. Chính vì điều nầy làm cho tôi và hai con phải chịu rất nhiều áp lực. Từ chuyện to cho đến chuyện nhỏ nhất nhất đều phải râm rấp “tuân theo mệnh lệnh” của anh ấy khiến cả ba mẹ con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Áp lực chồng áp lực, nhiều lúc tôi muốn gục ngã nhưng vì các con, vì mặt mũi, vì thể diện gia phong của “đấng ông chồng” nên nhận nhịn ... những lúc ấy tôi chỉ biết ôm các con vào lòng mà thở than, khóc lóc thầm lặng thôi.

Thời gian dần trôi, các con càng ngày càng lớn, áp lực càng ngày càng tăng, đè nặng lên mẹ con, tôi càng gắt gỏng, ganh tỵ ... khoảng thời gian nầy chắc vì quá bức xúc mà tôi đã bị chứng trầm cảm rất nghiêm trọng. Theo lời khuyên của bạn bè tôi tìm đến Thiền và Kinh Kệ hầu giúp tôi giải tỏa những nỗi niềm khó tả trong tâm; cũng từ đây tôi bắt đầu chập chững viết nhật ký mỗi khi có chuyện không vui với mình.

Tối nay, anh ấy vẫn đi làm chưa về. Các con đã tắm rửa, ăn cơm, làm bài tập xong và đang chuẩn bị đi ngủ. Cánh cửa ngoài bật mở, tiếng bước chân chệnh choạng, tay thì vò đầu bứt trán;

“công việc công ty đã rắc rối, phức tạp ... về nhà còn gặp vợ với con chộn rộn phát chán ... haizzze”. Giọng hằn hộc quát tháo như thường lệ khiến mẹ con tôi hốt hoảng. Tôi muốn xông ra đập anh ấy một trận nhưng tôi cố kềm nén lại mặc cho ảnh la hét ầm ĩ bên ngoài. Cố gắng dỗ hai con ngủ say, tiếng cửa ngoài bỗng đánh rầm một cái, anh ấy đã ra ngoài. Với tay kéo hộc tủ lấy cuốn nhật ký.

“ Melb ngày ... tháng ... năm ...

Dạo gần đây anh hay ra ngoài đến khuya mới về, lần nào cũng say khướt và làu bàu lựa nhựa tiếng được tiếng mất, lúc nào cũng một kịch bản “vợ với con ...”

. Không biết có chuyện gì bất ổn hông? Mình lo quá!”.

Thắm thoát, con gái lớn đã vào lớp 12, bài vở ngày càng nhiều, tinh thần nó càng căng thẳng khi bệnh tình anh ấy hình như càng nặng hơn. Cơn suyễn và chứng men gan cao khiến anh ấy phải nhập viện nhiều lần làm tôi và các con lo lắng, sợ hãi tột cùng.

Có lần, lúc anh đang nằm trong ICU; thều thào trong cổ họng, ảnh nói:

“ xin lỗi bà, tui mà có chết thì bà sẽ thành đại gia,đi xe đẹp, ở nhà lầu ... lo gì ...”.

Câu nói đó như lời trăn trối làm cho mẹ con tôi một phen hốt hoảng.

Bẵng đi một thời gian, bệnh tình anh ấy khởi sắc hơn vì hai chúng tôi bắt đầu tập thiền và anh uống thêm thảo dược để tăng thêm nặng lực và sức đề kháng. Từ ngày tập thiền tôi hình như hiểu ra nhiều điều về thế thái nhân tình hơn nhưng cũng vì thế mà vọng tưởng của tôi càng cao hơn, có đôi lúc tôi nghĩ rằng mình đã “chứng đạo” ... và rất thích “dạy đời” kẻ khác. Giờ nghĩ lại thấy tức cười làm sao á!

“ Melb ngày ... tháng ... năm ...

Sáng nay chủ nhật, ghé chùa ăn cơm chay sau đó chạy sang thiền viện học thiền. Cảm thấy trong lòng thiệt vui thiệt phấn khích”.

Vui vẻ chẳng bao lâu, ảnh vẫn chứng nào tật nấy, chúng tôi cải nhau liên miên trước mặt con cái, nhất là giờ đây tôi hiểu biết hơn nhưng ảnh vẫn xem tôi như một đứa ngu dốt, rằng: “đàn bà đái không qua ngọn cỏ” mà đòi “một nấc lên trời” ... Cứ cách vài hôm là anh phang cho những đòn “tâm lý chiến” chí mạng, anh chưa từng dùng vũ lực như một kẻ vũ phu nhưng với những “cú tát tinh thần” vô cùng hung hiểm cũng đủ cho thần tượng sụp đổ hoàn toàn trong tôi rồi. Những lúc như thế tôi chỉ biết lẳng lặng đi vào phòng với các con. Có lúc tôi nghĩ phải chi mình là Mai Siêu Phong hay Tây Vương Thánh Mẫu thì tôi sẽ bay lên bàn thở tổ tiên ổng mà đái xuống thử coi có qua ngọn cỏ gió đùa hay không? Nghĩ đến đây tôi bỗng bật cười sảng khoái ...

Tôi đã trải qua cảnh giới giữa thiên đàng và địa ngục trong suốt hơn hai mươi năm sống chung với anh ấy đã làm cho đầu óc tôi điên đảo. Có lúc vì bức bách quá tôi đã rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, tám thần rối loạn rồi sinh lòng đố kỵ, ganh ghét ...

Tối nay, anh ấy lại về rất trể còn mượn rượu để quát mắng mẹ con tôi thậm tệ - cái kiểu “giận cá chém thớt”, sau đó phóng ùa lên giường mà miệng vẫn còn lèm bèm những câu vô nghĩa. Tôi chán ngấy cái cảnh “chồng chúa vợ tôi” nầy lắm. Các con ngày càng sợ cha chúng như sợ cọp. Cũng từ đó chúng sống khép kín trong phòng, sinh hoạt gia đình bỗng nhiên tẻ nhạt, lạnh lẽo vô cùng.

Nhiều khi ngồi một mình tôi chợt nghĩ giá như có “nếu như” hay “phải chi” thì hay ho biết mấy. Nhìn “chồng người ta” tôi thật ngưỡng mộ, họ không là ông cống ông nghè mà đã đe hàng tổng với những chiếc xe sang trọng, những bộ đồ nhung lụa đắt giá, những bộ trang sức lung linh tặng vợ. Mỗi khi nghe những lời dối trá, ngọt ngào của họ tôi lại muốn nổi điên, gào lên thật to và nhảy cẩng lên nhào tới bóp cổ ngay những mụ đàn bà lẳng lơ đanh đá đó. Nhìn lại chồng mình, bỗng dưng một cảm giác chán ghét ngán ngẫm bọn đàn ông hay khoe mẻ, nịnh nọt cùng chung một “đạo thờ bà” thì ôi thôi ... hết nói nổi ...

“Melb ngày ... tháng ... năm ...

Hôm nay nhận được kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của con gái rất tệ ... kết quả học tập của con trai khả quan hơn nhưng cũng thua xa mọi khi. Tôi rất buồn và thương các con nhiều lắm. con biết phải làm sao đây hở trời ... “.

“Í o, í o ...” tiếng còi xe cứu thương ầm ỷ vang lên rất gần nhà, đầu óc tôi miên man, lẫn lộn. Hình như bệnh của tôi lại tái phát, tôi không nhớ là đã được đưa và viện tâm thần bao nhiều lần rồi; lần nào cũng vậy họ trói chặt tay chân, họ dán, họ đo, họ chích ... và cho tôi uống thử rất nhiều loại thuốc khác nhau làm đầu óc tôi mê muội, bấn loạn, mê tỉnh bất thường.

Có thể nói trong giai đoạn nầy tôi sống không bằng chết, tội nghiệp anh ấy và các con đã bỏ nhiều tâm sức để chăm sóc tôi, nhưng cũng vì vậy mà sức khỏe anh ấy càng sa sút hơn, tính tình càng cáu gắt hơn và uống rượu càng nhiều hơn nữa, tôi đã rất đau lòng và càng đau lòng hơn.

“ Melb ngày ... tháng ... năm ...

Mừng quá, hôm nay nhận được kết quả thử nghiệm, mình đã hết chứng rối loạn thần kinh, giờ chỉ uống mỗi ngày nửa viên thuốc để cầm chừng. Cầu trời phật phò hộ cho con mau hết bệnh.”

Sau một thời gian chửa trị, cơn bệnh dần được phục hồi. Theo yêu cầu của anh ấy tôi ghi danh học một khoá “điều dưỡng” để có chuyện làm cho khuây khỏa tinh thần. Gần đây có lẽ vì bài vỡ dồn dập và những lần thực tập khó khăn, tinh thần tôi sa sút rõ rệt và gầy đi rất nhiều. Thời gian gần đây tôi lại có chứng khó tiêu và đau âm ĩ trong phần bụng dưới. Ngày trước mỗi khi tới tháng hay lo lắng điều gì thì tôi cũng bị như vậy nên tôi cũng mặc kệ, nhưng rồi càng ngày nó càng đau hơn.

Chuyện gì đến sẽ đến, cầm tờ giấy khám nghiệm trên tay mà tâm tư tôi bất định. Tôi chưa hề sợ chết, với “chiến tích” hai lần tự tử bất thành nhưng lần nầy lại khác, tôi đoán già đoán non rồi quay sang trách trời đất không công bằng với tôi

“Melb ngày ... tháng ... năm ...

Hôm nay đi khám bác sỹ, giật thoắt người khi bác sỹ báo mình bị bướu ruột già mà là bướu độc mới ghê chứ ... thiệt là tức cười mà, giỡn vậy mà giỡn được hà ...”

Khoảng giữa tháng tám năm ấy, một tin “sét đánh ngang tai”, vị Đạo Sư tôi từng theo học thiền đột nhiên qua đời trong sự hụt hẫng nuối tiếc của học trò. Tôi suy nghĩ rất nhiều về những lời dạy của Thầy trong đó tôi tâm đắc nhất một câu:”khoảng cách giữa sống và chết chỉ cách nhau một hơi thở mà như xa ngàn trùng”. Lúc nầy tâm tư tôi mông lung, hoang mang, chợt nhớ chợt quên, tôi lại sợ chết như chưa từng được sợ....

Hình như họ đã đẩy tôi ra khỏi phòng giải phẫu. Tồi mở he hé mắt ra, xung quanh tôi rất nhiều người thì ra họ là cái đám đàn bà lẳng lơ, bép xép và cái bọn dàn ông thô lỗ, vô tích sự ... phía đằng kia một ông thầy chùa và cả đám hộ niệm đang tụng kinh.

Tôi tự hỏi: “Ủa mà ai chết mà như đưa đám vậy ta ?”

Trong mơ hồ, bất giác một giọt nước mắt - một giọt duy nhất từ mắt anh ấy rơi xuống lăn tròn trên má tôi. Một bàn tay nhẹ vuốt từ trán tôi, mắt tôi khép lại nhẹ nhàng. Sáng nay bầu trời xuân thật đẹp, anh ấy và tôi cùng hai con đang hoan hỷ vui tết viếng cảnh chùa. Chúng tôi bước vội qua cây mai vàng sau lưng tôn tượng Đức Quan Thế Âm, bỗng dưng một giọt tịnh thủy từ nhành dương liễu của Mẹ rưới lên người tôi. Tôi bừng tỉnh, bước theo chân Mẹ, bên tai còn văng vẳng tiếng niệm

“Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan thế Âm Bồ Tát, Nam mô tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật ... “

Vậy ... nên có thơ rằng ...

Tâm Thần ...

Tâm thần là bệnh chứ là sao ?

Một thoáng vô tư đặng mấy hào

Mộng cưỡi Phượng hoàng du Nguyệt điện

Mơ dìu khổng tước ngắm trời cao

Mấy thời thảng thốt nơi bình lặng

Vài phút âm thầm chổ nhốn nhao

Mê tỉnh nửa vời trong cảnh sảng

Tâm thần là bệnh chứ là sao ?

SL 08/09/20


No comments: