Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ:
“Vẽ như một ân huệ”
PSN - 28.3.2010 | Kim Bảng
"Vẽ không phải là cái nghề, đó là cái nghiệp. Đã mang cái nghiệp vào thân, hằng ngày tôi không thể ngưng vẽ được. Vẽ là một hành động để giải thoát tâm trí và an lạc tinh thần…Nhạc Sĩ, Thi Sĩ, Họa sĩ không bao giờ retired. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.” (HS Nhớ).
Tôi được quen và biết đến họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ qua những công tác chung của cộng đồng. Hầu như đã từ mười mấy năm nay, nơi nào có các buổi tập họp chung của đồng hương, bất kể tôn giáo, tổ chức đều có sự xuất hiện của Anh. Một con người vô cùng năng nỗ. Anh xuất hiện không phải để đọc các bài diễn văn, không phải được ngồi trên các hàng ghế danh dự, nhưng sự xuất hiện của Anh thường chỉ là để treo những tấm banner, sắp xếp bàn ghế, trang trí sân khấu hội trường… nhưng luôn luôn với nụ cười trên môi và một tinh thần trách nhiệm đầy ắp. Những con người như Anh, quả thật đang dần dần trở nên hiếm hoi nơi xứ sở chúng ta đang sống hôm nay, khi mà mọi người cứ mãi mê quay cuồng với cuộc sống cơm áo đời thường trong thời buổi kinh tế sa sút.
Qua các công tác của Cộng Đồng. Với sự nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ của Anh, tôi đã muốn có dịp nào đó được viết đôi hàng về Anh. Không phải chỉ để nói về nhiệt tình của Anh trong công tác chung. Nhưng để nói về một khía cạnh đam mê không cùng nơi Anh, đó là khoảng trời hội hoạ bao la trong con người của họa sĩ Nguyễn văn Nhớ, những điều mà tôi đã cảm nhận và biết được về Anh, dù rất hạn hẹp, như một lời cám ơn nhỏ nhoi của riêng cá nhân tôi đối với Anh mà thôi.
Họa sĩ Nguyễn văn Nhớ Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1969, sau đó dạy hội họa, đi lính và bị tù Cộng sản 6 sáu năm. Những người quen Anh trước đây cho biết, dù ở chiến trường hoặc nơi lao tù CS, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dẫu khốn đốn và bất hạnh, trong tay anh vẫn giữ ngọn bút để vẽ những gì anh thấy trước mắt. Đó là cách thế để chống chọi lại với định mệnh khắc nghiệt, giữ cho mình sự an lạc. Và đã hơn 40 năm qua, anh không bao giờ ngưng vẽ. Thật kỳ diệu và khâm phục.
Ngay khi anh mới đặt chân đến Mỹ theo chương trình HO, năm 1995; chỉ sau có 3 tháng, anh và một số họa sĩ đã bắt đầu hoạt động trở lại trong lãnh vực sáng tác của mình. Lúc đó đài VOA đã phỏng vấn và phát thanh chuyển về Việt Nam. Từ đó đến nay hằng ngày anh vẫn vẽ, và liên tục triển lãm tranh ở các Gallery Hoa Kỳ, trên 12 lần triển lãm cá nhân và 23 lần triển lãm tranh tuyển chọn trưng bày cùng các Hoạ Sĩ Mỹ.
Anh thường tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được ân nghĩa của báo chí Việt Nam, những người bạn với nhiều cảm thông đã giới thiệu tôi trên báo chí Việt Ngữ ở địa phương. Chính nhờ những tình cảm này đã làm cho tôi gần gũi được với đồng hương .Và tất cả đã kích thích tôi tiếp tục vẽ.”
Không chỉ giới truyền thông Việt Nam đã có nhiều bài nói về người họa sĩ miệt mài với sắc màu và cây cọ. Báo chí Mỹ rất nhiều lần viết về anh. Tạp chí Pelican Post Winter 2007 đã giới thiệu anh trong chủ đề:” Art: Which way is up.” Năm 2003, ký giả Polo cuả báo The Asian Reporter viết về tranh của anh với bài No Still Life. Và năm 2005 ký giả Dave Johnson lại tiếp tục phỏng vấn anh cùng với 2 họa sĩ Châu Á trong dịp trưng bày tranh của Portland Open Studios. Năm 2003, Báo The Oregonian, ký giả Lisa Daniels đã interview và viết về anh với tiêu đề ”Creativity sustains artist through war, suffering.” Chính bài báo này đã làm tên tuổi anh trở nên quen thuộc và tạo sự cảm thông với giới họa sĩ và người thưởng ngoạn tại Oregon. Năm 2005, Báo The Oregonian, interview bởi Angie Chuang : “A Soldier’s Refuge”, lần này bài viết và hình ảnh của họa sĩ được trình bày trang trọng ở trang nhất. Năm 2004 nhà văn Hoa Kỳ Loren W. Christensen với bài viết Fire, Blood, and Paint đã giới thiệu cuộc đời đam mê hội họa của anh trong cuốn sách Book - Warriors: On living with Courage, Discipline, and Honor. Cuốn sách giới thiệu 42 nhân vật tại Hoa kỳ. Sách do nhà xuất bản Paladin Press, Colorado năm 2004. Qúy vị cần đặt mua xin vào Web site: www.paladin-press.com Đây thật sự là một niềm vinh dự và làm một niềm an ủi lớn cho một người họa sĩ, đặc biệt là một họa sĩ Việt Nam.
Vừa qua, ngày 26/27 và 28 tháng 6, 2009. Tranh trừu tượng của Họa sĩ Nguyễn văn Nhớ được tuyển chọn để Triển Lãm trong dịp kỷ niệm 46 năm thành lập của Lake Oswego Festival Of The Art. Đây là Lễ hội rất lớn hằng năm của Lake Oswego, Oregon. Đặc biệt lễ hội đã trưng bày tranh tuyển chọn có tên gọi The Artist’s Vision Juried Show. Tranh triển lãm tại vị trí chính của Lakewood Center for The Arts. Có tất 319 họa phẩm của 110 Hoạ sĩ, phần đông là họa sĩ Hoa kỳ gửi đến tham dự để được tuyển chọn. Ban xét duyệt đã tuyển chọn tranh của 38 Họa sĩ. Và tấm tranh trừu tượng của Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ được chọn trưng bày trong Lễ hội đặc biệt này mà hằng ngàn người đã đến tham dự, thưởng ngoạn trong ba ngày nói trên. Người đọc muốn biết thêm về Lakewood Center for the Arts xin vào web site: www.lakewood-center.org
Và sắp đến, từ 14 tháng 7 năm 2009 đến 27 tháng 8 năm 2009. Một cuộc triển lãm của Gresham Art Committee’s 12th Annual Juried Art Exhibit. Hai tấm tranh trừu tượng của họa sĩ Nguyễn văn Nhớ lại đựơc tuyển chọn để triển lãm. Một họa phẩm với tên gọi là Feeling of hope với chất liệu Acrylic trên canvas và một họa phẩm với kỹ thuật mới, đục vào gỗ tạo những texture lạ mắt, kết hợp với sắc màu acrylic và oil. (mixed media), My Hometown in Remembrance là tên của tấm tranh đặc biệt này. Những năm trước đây anh vẽ với rất nhiều hình thái; từ trường phái hiện thực, ấn tượng đến trừu tượng. Nhưng gần đây anh nghiên nhiều về trừu tượng. Và anh đã phát biểu với giới thưởng ngoạn về tranh trừu tượng như sau: Tranh trừu tượng là một hành động của ký ức, của trí tuệ. (Abstract painting is action of the mind).
Với họa sĩ Nguyễn văn Nhớ, vẽ là hành động là tấm lòng để liên kết giữa con người, hoàn cảnh và môi trường sống. Tình cảm yêu thương sẽ đến với mình qua nét vẽ đối với tha nhân. Cuốn ký họa luôn luôn có bên mình, anh ký họa nhanh một chân dung, ghi lại phong cảnh, những nét đặc thù của sự vật đang ở trước mắt. Những ngày tháng qua, riêng về chân dung, anh đã ký họa trên 40 khuôn mặt thân hữu và những khuôn mặt đặc biệt Mỹ Việt và các dân tộc khác. Ký họa trực tiếp hay ký họa qua ảnh của những người ở xa gửi ảnh đến họa sĩ qua thư bằng đường bưu điện hoặc internet, tất cả đều tạo cho anh có những thích thú đặc biệt để vẽ. Anh đang dự trù một thời điểm nào đó mượn lại những chân dung đã vẽ để tổ chức một cuộc triển lãm ký họa chân dung đặc biệt. Nghĩ đến lần triển lãm sắp tới này anh thấy vui bởi khi đó tất cả những con người thật gặp nhau, hàn huyên chuyện trò bên những chân dung ký họa nghệ thuật của mình: Chân dung em bé, chân dung thiếu nữ, phụ nữ, người già, nam nữ Mỹ Việt và các dân tộc khác, sẽ kết hợp, chan hòa cùng nhau trong một phòng triển lãm ký họa. Qúy thân hữu và đồng hương nào thích kết hợp trong sự kiện này xin liên lạc với Hoạ sĩ.
Khi hỏi anh có thể sống nổi bằng cây cọ không ? Anh cười trả lời: “Vẽ tranh không phải là cái nghề, mà là nghiệp dĩ. Đã mang cái nghiệp vào thân, hằng ngày tôi không thể ngưng vẽ được. Vẽ là một hành động để giải thoát tâm trí và an lạc tinh thần… Nhạc sĩ, Thi sĩ, Hoạ sĩ không bao giờ retired. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”
Quả thật qua lời tâm sự của Anh, đôi lúc nghĩ lại thật đau xót cho những nghệ nhân. Bởi có biết bao nhiêu họa sĩ tài hoa trên thế giới, khi sống không ai biết đến, nhưng khi chết người ta mới khám phá ra tài năng của mình!!! Ngay cả nhà danh họa Van Gogh, những năm gần đây giá tranh của ông đã vượt quá 50 chục và đã trên 70 chục triệu dola một tấm. Và bảo tàng họa phẩm của ông tại Hoà Lan hằng ngày đã có hằng trăm, hằng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới mua vé đến thưởng ngoạn. Nhưng khi còn sống, ông vô cùng bất hạnh. Từ lúc 27 tuổi trong mười năm ông vẽ khoảng chừng trên 750 tấm tranh, và chỉ bán được một tấm, chính xác hơn, tấm đó chỉ đổi bằng lương thực chứ không bán được bằng tiền. Quá cô độc, bởi không có nổi cảm thông. Ông đã cắt tai mình để vẽ. Tấm chân dung tự họa của Van Gogh với cái tai được băng bó là một hoạ phẩm tràn đầy xúc động và đạt đến cao độ của nhân tính. Có thể khi đã đạt đến tột đỉnh thì sự bi thảm lại quyết định đời sống của ông. Sau đó một thời gian ông đã bắn vào đầu mình để tự sát lúc 37 tuổi, khi tuổi đời còn rất trẻ. Không chỉ có Van Gogh quẩn trí trong nổi bất hạnh, nhưng trong lịch sử hội họa, cũng đã có biết bao nhiêu họa sĩ tài ba khác đã chịu những thiệt thòi như ông…
Rất may, họa sĩ Nguyễn văn Nhớ, người bạn thân thiết của Cộng Đồng chúng ta vẫn còn có được may mắn hơn Van Gogh. Ông đã có cái “đủ” trong một đời sống đơn giản, thỉnh thoảng vẫn có người mua tranh của ông. Do đó, dù ở tuổi 65, ông vẫn cầm cây cọ mỗi ngày để vẽ, như đã từng vẽ liên tục 40 năm qua. Vậy điều gì đã thúc đẩy anh sáng tác bền bĩ và liên tục như thế? Phải chăng tranh của Anh có người biết đến, có người đã bỏ tiền ra mua, dù con số không lớn? Anh tâm sự: ”Chính niềm tin trong nghệ thuật và tình yêu con người đã cho tôi thêm sức sống để sáng tạo và hạnh phúc để vẽ.” Anh cười và nói tiếp: ”Mơ ước gì hơn nữa. Xin cám ơn cuộc đời. Còn vẽ là còn hy vọng. Còn hy vọng là còn vẽ. Họa sĩ là chỉ có vẽ, còn tất cả mọi chuyện sau đó thuộc về Thượng đế.”
Với Nguyễn Văn Nhớ, vẽ, đôi lúc còn như một ân huệ của Thượng Đế đã riêng tặng cho cá nhân anh.
Xin cám ơn Anh, người họa sĩ đầy lòng từ tâm và nhiệt tình trong đời thường, nhưng cũng đầy ắp nỗi đam mê trong nghệ thuật. Người đã chia sẻ cho tôi những hơi ấm của hy vọng, trong đời sống tha hương hôm nay. Chúc mọi điều tốt lành đến với Anh.
Kim Bảng
Portland tháng 7, 2009
Xin vào các Web site để xem một số tranh của HS Nguyễn Văn Nhớ:
Shearwater Gallery/Seaside: www.searwatergallery.com
Họa sĩ Nguyễn văn Nhớ
email: nhoart@hotmail.com
1 comment:
Một bài viết thật đẹp Tình cờ thấy được trên google HTTL mang về TH để mọi người cùng đọc! Gửi lại họa sĩ Nguyễn văn Nhớ như châu về hiệp phố với lời chúc thật đẹp đến cùng anh và gia đình
Thân mến
TL
Post a Comment