Monday, August 12, 2019

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI. (Tập 1) (Trận thư hùng đầu đời)


Image result for những ngày xưa thân ái


                             Hai Hùng SG

Tui xin mượn tên nhạc phẩm "Những ngày xưa thân ái" của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ làm tựa cho câu chuyện dưới đây, nhằm để diễn tả lại đoạn đời của tuổi thơ tui sống và lớn lên ở nơi này,  đó là vùng đất ven đô bởi nó mang dấp dáng của xóm làng vùng quê miền nam, lại có chút  hơi hướng của thị thành, nơi tui muốn đề cập là con đường đất đỏ ở miệt Gò vấp cũng là nơi mình mở mắt chào đời.

                             



  Ba má tui vốn là cư dân miền Lục tỉnh, Ông nội tui là ông Phán Ngọ sinh sống lâu đời ở Làng Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên ngày xưa, thời những năm đất nước chìm trong khói lửa, như những người con yêu nước khi quê cha đất tổ bị ngoại xâm chiếm đóng,  ba má tui cũng theo phong trào kháng chiến chống Pháp, mỗi lần khi lính Pháp đi tuần bố ráp, ba má phải cho ông anh tôi chui vô đám ô rô cốc kèn để lẫn tránh, khi lính Pháp rút đi thì mới chui ra, cuộc sống rất vất vả, đến khi đình chiến ba má tui rời xa quê để ra
 "Ngoài thành"  là vùng đất mới đầy xa lạ để sinh sống, vùng đất Gò Vấp một địa danh ven đô (theo các nhà sử học họ cho rằng sở dĩ vùng đất này có tên Gò Vấp là do nơi đây là vùng gò đồi có cây (Vấp) một cây thân gỗ to cao sinh sống, nên người xưa ráp hai yếu tố trên để đặt tên cho vùng đất thân thương này). 

  Nhà cửa cất xong,  từ đó về sau ba má tui cho ra đời thêm (tám trự) nữa cả trai lẫn gái tổng cộng chín anh chị em trong nhà, cả đống (xây lố cố) như vậy mà thời ấy một mình ba tui đi làm thì nuôi được cả nhà, cuộc sống tuy không đủ đầy nhưng cũng đắp đổi qua ngày,  vào  anh em tôi lớn khôn trên con đường "Đất đỏ" nhiều kỷ niệm này. 

 Đường đất đỏ,  một con đường dài chưa đầy một ngàn thước,  mà "Danh tiếng" lẫy lừng, nói lẫy lừng ở đây nó nhiều khía cạnh,  tui sẽ dần thể hiện lại cái lẫy lừng này trong phần dưới đây... 
                         
 Như đã nói con đường tuy dài chưa đầy ngàn thước này, (chạy song song dọc theo đường ray xe lửa) nó được chia theo cách nhận thức của tui một thằng con nít chín mười tuổi như sau,  cuối đường đất đỏ giáp một con đường trải nhựa bởi cái ngã ba bần(Cầu hang dưới),  nơi đây thời Pháp thuộc tui nghe cô bác lớn tuổi kể lại rằng :

 -Ở đây thời Tây mỗi khi nghe tin họ chuẩn bị đi ruồng, bố ráp,  để tìm những người theo kháng chiến họ sẽ bắt bớ,  khi nghe tiếng xe "Nhà binh" thắng lết bánh ngoài lộ đất đỏ thì bà con chui xuống hầm trốn hết,  dân chúng rất sợ mấy ông lính "Pặc tê Giăng"này vì họ hay làm ẩu,  đàn bà con gái là tụi họ ham lắm bởi các cô gái miền nam tóc dài da trắng,  điệu bộ dáng đi thướt tha nên mấy ông Tây nhất là mấy ông gốc phi châu rất khoái. 

 Ông kể có hôm vài ba cô gái chưa kịp dọn đồ đạc để đi trốn thì bị họ bắt,  có cô bị hãm hiếp  tại chỗ,  có cô thì bị dẫn đi mất đất không biết đâu mà tìm,  thân Phận người dân lúc bấy giờ thật tăm tối,  vì ở vùng ven đô gần các chiến khu như An Phú Đông, Đồng ông Cộ, Bà điểm Hốc môn nên Người Tây nhìn ai cũng là dân kháng chiến.. 

 Từ ngã ba này chạy lên đến hảng ép dầu trên đường đất đỏ đám con nít tụi tôi đặt là xóm dưới,  xóm của những người Lao động làm đủ thứ nghề,  từ Xích lô máy,  mua bán ve chai, V. v...  Nói chung đủ thành phần và phần lớn nhà nào cũng nghèo,  trình độ dân trí thấp từ đó đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc,  gái làng chơi, du đảng,  và rất anh chị bự giang hồ về hùng cứ.  

 Xóm giữa của con đường đất đỏ là từ hảng ép dầu ( hột cao su để làm xà bông cục)  cho đến hẻm lò bánh Ú. Nhà tui ở trong xóm này, theo nhận định của tui cái xóm này có mức sống trung bình và trong sinh hoạt hàng ngày chòm xóm rất thân tình, đùm bọc lẫn nhau khi "Tối lửa tắt đèn",  phần đông cũng là dân lao động sống chung với các gia đình công chức nên dân trí nơi đây hơn xóm dưới đôi chút, 
(Tui xin lỗi đây là nhận thức của đứa con nít ăn chưa no lo chưa tới,  mong bà con xóm dưới cũng đừng vì việc này la rầy tui thì tội nghiệp lắm) 

 Xóm trên,  đây là xóm từ lò bún chạy dài lên đến tận ngã ba gần "Cầu hang trên" bao gồm khu cư xá Kiến thiết,  đây là khu "Sĩ Quan" theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, cư dân nơi đây là các gia đình sĩ quan họ sống trong các biệt thự song lập có diện tích lớn và có khoảng sân rộng phía trước mỗi căn nhà,  ngày xưa mỗi lần đi học về ngang những căn nhà này,  tui ao ước mình được một lần đặt chân vào những ngôi nhà đó,  lúc bấy giờ tôi nghĩ nếu được vậy thì không còn gì hạnh phúc cho bằng,  nhà nào cũng có hàng rào cao bao bọc khu nhà,  ngoài sân và trong nhà đều lát gạch bông loại gạch mà hảng gạch bông "Đời Tân" sản xuất ( Nghe đâu hảng này do thân phụ ông Nguyễn Tấn Đời chủ Tín nghĩa ngân hàng lập thành và sau đó ông Nguyễn Tấn Đời tiếp tục duy trì khi thân phụ ông mất (Chi tiết này không rõ đúng sai nếu các bậc tiền bối ai biết có sai sót  gì xin đính chính giùm),  thời đó nhìn loại gạch này là ta có cảm giác "thấy" mát rượi và vui mắt bởi màu sắc của viên gạch, vì phần đông nhà cửa lúc bấy giờ một số nhà khá dả họ lót nền bằng gạch tàu,  hoặc tráng xi măng với lớp hồ dầu láng mướt,  còn nhà nghèo thì để nền đất (Coi nghèo vậy mà nền đất rất mát không bị  hơi nóng của mặt trời hắt lên) . 
                        ***
 Thời bấy giờ đám tụi tui đi học thì "Lội bộ" khá xa,  từ nhà tui đi đến trường "Chánh" ở đầu trên của chợ Gò vấp quảng đường xa chừng ba cây số, có những ngày mưa gió thì được ba má lấy miếng nylon trải bàn quấn lên vai làm áo mưa đi đến trường,  ngày đó xe cộ thưa thớt,  chủ yếu là xe thổ mộ (Xe ngựa)  xe đạp và vài loại xe gắn máy,  khổ biến là xe Gobel,  xe Mobiles,  xe Veloxolex
Và xe công cộng có xe đò Liên Hữu chạy từ chợ bà chiểu về Hốc môn,  hoặc xe ô tô buýt vàng chạy từ Gò vấp ra Sài gòn,  tuy vậy chúng tôi ít có dịp nào được đi xe,  một là nếu đi xe thì quá gần,  hai là tụi tôi còn nhỏ quá không dám đi xe vì sợ xe chạy lố sẽ bị lạc đường. 

 Tui nhớ năm nọ tui học đến lớp Nhẩt (lớp 5) hiện nay, một bữa nọ tiếng trống trường gõ liên hồi báo hiệu giờ tan học, cả lớp nhốn nháo hò hét ồn ào như vỡ chợ,  cô giáo lấy thước kẻ nhịp nghe đen đét  trên mặt bàn để vãn hồi trật tự. 

  Xuống sân xếp hàng  để ra về ,  trong lúc xếp hàng do mấy đứa phía sau tinh nghịch, có ai đó xô đẩy mạnh phía sau lưng làm tui ngã nhào về phía trước đè trọn lên thân hình của thằng Võ Minh Trí ( Thằng Trí này dân xóm trên nhà phía sau miếu thờ,  nơi đây ngày xưa trụ sở ấp ở ké),  bất ngờ bị tui đè thằng Trí mặt mày đỏ ké vì nổi sùng, nó chửi tui một trận,  kèm theo câu hăm dọa:

 -Chút nữa về tới đầu đường (Đất đỏ)  mầy biết tay tao. 

 Tui miệng thì xin lỗi nó rối rít,  tay thì phủi bụi cái áo trắng của nó bị lấm lem,  thằng Trí này vốn dân "Dữ dằn" ,  tuy mới có nhiêu tuổi mà muốn làm dân anh chị nên nó chẳng thèm đoái hoài tới lời xin lỗi của tui,  nó dùng tay xô tui ra và hăm he tiếp:

 -Không xin lỗi gì hết trơn,  mầy xô tao té,  chút về tới đầu đường tao (quánh)  lại mày. 

Nghe thằng quỷ này cứ đòi đánh mình hoài,  suy cho cùng đâu phải lỗi tại tui đâu,  cố nhẫn nhịn  tui nở nụ cười cầu tài với nó cũng chẳng ăn thua,  tức quá vì bị dồn nén như chiếc lò xo sẽ bật lại phản ứng lực đã nén lên nó,  tui nói cứng lại thằng Trí:

 -Tao hổng có sợ đâu,  muốn quánh nhau thì "Bặc co" tay đôi nha,  không giao kêu thêm ai quánh phụ nha mậy. 

Thằng Trí nó cũng thuộc lòng tính cách của dân "Giang hồ mã thượng" ,  nó dứt khoát nói:

-Chơi thì chơi chứ sợ gì,  hẹn mầy ngay cái "Phông tên" ( Trụ nước máy công cộng ngày xưa) đó. 

 Thấy thằng này quyết ăn thua đủ với mình tui đâm ngán, vì so về hình vóc nó lớn con và khỏe mạnh hơn tui,  còn tui ngoài cái tên thường gọi hàng ngày tụi nhóc trong xóm gắn cho tui thêm cái biệt danh "Ròm" thì làm cách nào tui đánh thắng thằng quỷ này cho được,   không lẽ từ chối nó sẽ cho là tui hèn nhát,  rồi có khi được "Đàng chân nó lâng đàng đầu" thì khốn khổ  cho mình, tui bèn gật đầu và đưa ngón tay trỏ ra móc ngoéo với thằng Trí để xem như lời chấp nhận cuộc tỷ thí. 

 Trên đường về gần tới cái ngã ba,  tui hồi hộp trong lòng dữ lắm,  thú thật từ nhỏ đến lúc đó chưa bao giờ tui đánh nhau hoặc cãi cọ với đứa nào,  vậy mà hôm ấy tui sẽ đối mặt với thằng "Du côn" thứ thiệt,  bổng tui nhớ đến hai ông anh tui ở nhà,  tui thầm nghĩ cứ đánh nhau với thằng này một trận tới đâu thì tới,  nếu lỡ làm "Bại tướng" thì tui sẽ "Cầu viện" hai ông anh mình,  nghĩ nhiêu đó lòng tui phấn chấn lên không còn sợ sệt,  tuy vậy khi sắp đến cái "Phông tên" nước tui lại chực nhớ,  dọc đầu đường đất đỏ này,  phía bên phải từ nhà của tiệm mỳ (Ba Thằng Cánh)  đi dài dài xuống xóm tui toàn là nhà bà con với thằng Trí này,  lúc đánh nhau lỡ nó kêu cả đám anh em nó ra xin tui "Tí huyết" thì coi như "Tiêu tán đường",  lúc đó Trời cứu may ra còn kịp,  chứ hai ông anh tui có đem viện binh ra chắc cũng tàn chiến cuộc rồi còn gì,  đang miên man tìm kế sách gì cho hay nếu không đánh nhau càng tốt thì thằng Trí đã đứng ngay cái trụ "Phông tên" nước với gương mặt hầm hầm muốn ăn tươi nuốt sống tui,  chưa kịp phản ứng gì thì thằng này nhào vô đánh tui tới tấp,  bị đánh đau tui quên cả sợ hãi tui cũng vung tay,  giơ chân lên đáp trả lại nó, hai đứa ôm nhau vật xuống vũng nước đỏ au kế bên cái "Phông tên",  quần áo đầu cổ lấm lem không ai có thể nhìn ra hai thằng tui nữa,  cuộc chiến đang bất phân thắng bại bổng tui nghe tiếng Chú Hai "Cắt chú" la lên :

 -Hai thằng bây bỏ ra,  học trò mà quánh nhau giữa đường giữa đường giữa sá không sợ bà con chê cười hả. 

 Chú Hai tắt máy chiếc xích lô chú nhảy xuống lôi hai đứa tui dậy,  rồi cô Ba,  cô Sáu đang hứng nước ở "Phông tên" cũng chạy đến can ngăn,  tuy được kéo ra xa nhưng thằng Trí còn cay cú nên nó ném một cái nhìn mang hình "Viên đạn" về phía tui và kèm theo câu nói:

 -Chưa, xong đâu nha mậy.  Hẹn mầy bữa khác. 

 Cũng tại thằng quỷ Trí kiếm chuyện làm tui về nhà với bộ quần áo đỏ lè như mấy người  thổ dân ở Trung phi,  ba tui cho tui một trận với cây chổi lông gà mới mua đau thấu trời xanh,  mặc dù tui có phân bua vì sao xảy ra cớ sự,  không cần biết lỗi phải bên nào ba tui cứ "Tấp bi" lia lịa khiến thằng tui tơi tả như cái mền rách,  má tui thấy con bị đòn đau nhưng can ngăn không được vì ba tui ổng nóng như Trương phi ai cũng ngán càng. 

 Tưởng rằng sau chuyện này thì thằng Trí nó buông tha cho tui,  nhưng không, vô lớp nó tìm cách quấy phá tui,  ra chơi nó cũng tìm đến chọc tức,  một hôm sau khi thủ sẳn "Đồ nghề" tui phản ứng lại nó:

 -Ê mầy ngon,  trưa nay về xuống hẻm nhà bà Năm Minh ( hẻm vô lò bún nhà dì Hai Huệ) "Bặc co" với tao tiếp đi. 

 Như con gà chọi lì đòn,  thằng Trí hăng tiết Vịt nó nhận lời ngay không cần suy nghĩ,  cũng giao ước với nhau chỉ hai thằng tui đánh nhau không có người thứ ba xen vào. 

 Đến giờ hẹn tui lững thững đi đến hẻm nọ, thằng Trí và thằng Méo một người anh em bà con nó đứng đó tự bao giờ,  thấy thằng Trí không giữ lời hứa,  tui lên tiếng:

 - Đã giao kèo lúc sáng rồi sao mầy còn kéo thằng Méo xuống mần chi,  tao không quánh với mầy nữa,  tao dìa. 

 Thằng Trí thấy vậy nó bèn khích tướng tui :

 -Thằng chết nhát,  sợ tao rồi phải hông,  mầy kêu tao bằng Sư phụ đi tao sẽ tha cho. 

( Thời đó màn ảnh rộng các rạp chớp bóng hay chiếu các loại phim Cowboy miền viễn tây Hoa kỳ chiến đấu với mọi da đỏ, phim ca vũ nhạc Ấn độ và xuất hiện thêm các loại phim chưởng của điện ảnh Hồng Kong,  khi rạp chiếu phim Hỏa thiêu Hồng Liên Tự. Tụi tui thấy các tay hảo hán hay xưng đại ca khiến thằng Trí nhiễm nặng nên nó muốn làm đại ca của tui) 

 Nghe thằng ôn dịch này chê mình chết nhát,  máu nóng trong tui sôi sục lên, tui nhào vô ăn thua đủ với nó liền,  sở dĩ tui dạn dĩ ăn thua đủ với nó là tui được thằng Răng Nhỏ ở xóm dưới bày cho cái mẹo " Lấy nhu thắng Cương" tui thủ sẳn gói tiêu bột trong lưng quần,  đánh nhau một hồi coi bộ chắc không thắng nổi thằng này tui bèn tung chiêu độc,  tui tháo gói tiêu bột ra quăng vô mặt thằng Trí,  nó đang xung độ vậy mà vướng "Ám khí" của tui bị cay mắt khiến nó la làng đến thấu cả trời xanh,  nhân dịp nó đang oằn oại  dưới đất tui dông mất biệt. 
                         ***
   Sau trận "Thư hùng" này,  không biết có phải thằng Trí nó "Ngán càng" tui hay không,  tự dưng nó đổi tánh hoàn toàn. 

 Hôm sau vô lớp,  nó không còn nhìn tui với con mắt kênh kiệu  nữa,  tui đang làm vệ sinh lớp nó men lại gần rồi nói điều mà tui chẳng thể nào ngờ thốt ra nơi cửa miệng của thằng "Du côn" này:

 -Nè Phương,  cho tao xin lỗi mầy nha,  tao không ăn hiếp mầy nữa đâu,  má tao nói bạn học phải yêu thương với nhau,  còn hàng xóm phải chơi với nhau thân thiện không được đánh lộn như mấy ngày qua. 

 Tui mừng muốn rơi nước mắt,  tui không ngờ cái thằng ương ngạnh như nó mà chỉ sau một trận đòn "Chí tử" của tui mà đã cảm hóa được nó,  tui thầm cảm ơn thằng Răng nhỏ,  nhờ nó bày chi tui cách dùng "Ám khí tiêu bột" mới trị được thằng Trí,  bằng không thì nó sẽ ăn hiếp tui hà rầm  sao tui chịu được. 
         
 Thằng Trí,  thằng Răng nhỏ ở xóm tui,  giờ tụi nó đã "Theo ông bà" gần chục năm rồi, còn tui thì tóc bạc da mồi không còn khỏe như xưa nữa, Đường đất đỏ nay đã được tráng nhựa,  nhà cửa mọc lên san sát,  cái "Phông tên" nước ngày xưa cũng đã bị phá bỏ,  mỗi khi đi ngang nơi đây tui chạnh nhớ lại diễn tiến hôm đánh nhau với thằng Trí,  bông dưng mắt tui lệ nhòa,  tui nhớ nó nhiều lắm,  tuy ngang tàng nhưng biết phục thiện thật đáng quý.  Tui nói thầm như chỉ cho nó nghe:

-Về dưới mầy đừng có ba gai nữa nha thằng quỷ,  mơi mốt tao "xuống" mà biết mầy cũng mang cái tật cũ là tao trị mầy tới bến luôn đó nghe chưa. 

 Tui ngước nhìn lên khoảng trời xanh mênh mông,  tui tưởng tượng gương mặt tươi cười của nó với cái răng khểnh sau khi nghe tui nói nhắn với nó câu trên  thật đáng yêu biết dường nào . 

  (Hết tập 1. Chiều 11.8.2019)

1 comment:

trường tôi said...

Đâu ai ngờ hồi đó anh Hai Hùng ngầu dữ hén , dám quánh lộn mà sao gặp lại anh sao em thấy anh hiền khô ,mong anh ra lò tập 2...
Người đọc truyện