________________
ĐOÀN XUÂN THU
Melbourne, ngày...tháng...năm.
Con của Ba!
Tối nay Ba đi làm về đã mười hai giờ rưỡi đêm. Ba mỏi,
mệt vì phải làm việc suốt tám tiếng đồng hồ, cộng thêm bốn tiếng nữa để đáp xe
lửa, leo xe tram, ngồi xe bus mới về được tới nhà. Nhà mình dẫu mướn nhưng luôn
luôn là nơi Ba muốn về nhất để gặp Má con, anh Tí và con. Đó là nơi Ba thấy
đáng yêu nhất.
Gia đình chính là nguyên nhân của tất cả mọi nguyên
nhân mà Ba, Má con phải làm việc vất vả. Tất cả chỉ vì con.
Vậy mà khi về tới nơi, dẫu khuya, đèn vẫn còn chong, hắt
ra khung cửa kiếng là một bóng cô đơn. Má con lặng lẽ ngồi, cặm cụi may từng
chiếc áo một, kiếm từng mươi xu lẻ để sống sót nơi đất lạ quê người. Ba hỏi con
đâu? Má con buồn bã trả lời: Thằng Tèo vẫn chưa về.
Con đã đi chơi suốt từ chiều thứ sáu cho đến nay là tối
thứ hai rồi. Hơn ba ngày đêm con không có mặt ở nhà. Vắng ngắt nhà. Mênh mông
nhà. Không tiếng chân bước vào ra. Ngoài cửa, gió mùa đông Melbourne rét căm
căm.
Bao nhiêu buồn Ba nhất là Má con đang chịu, con có biết
không? Ba nghĩ là con biết. Nhưng Ba không hiểu tại sao con lại nỡ dửng dưng
trước nỗi đau khổ của Ba và Má. Ba tin rằng trong long con, con vẫn còn thương
Ba Má lắm phải không?
Có lần đi chơi khuya về, tình cờ con gặp ba trên chiếc
xe tram đầy mỏi mệt.
Rồi cha con mình may mắn chung một đoạn đường về. Ba
nói may mắn vì hiếm hoi lắm cha con mình mới có dịp đi bộ cùng nhau. Đột nhiên
mình bắt gặp một cánh chim cô đơn, đậu trên nhánh bạch đàn, đong đưa theo mưa
gió. Có phải là chim Việt nhớ cành Nam? Nhà mình đâu? Quê mình đâu? Sao biết được
ngày bay về tổ cũ!
Ba còn nhớ mùa nước lụt năm 1978, ba năm sau ngày miền
Nam sụp đổ. Nước tràn mênh mông vườn của Ngoại. Rắn bò cả vào nhà. Gạo không có
mà ăn, phải độn khoai lang, khoai mì. Nước cơm pha chút đường dành cho con thay
sữa. Ba phải đi hái lá tàu bay, đem luộc làm canh. Nước pha muối để thay nước mắm.
Có con gà nuôi dành giỗ nội thì hàng xóm bắt trộm, ăn mất rồi.
Ba buồn nhưng không giận. Vì không phải riêng nhà mình
chịu đói. Cả dân tộc lầm than! Mình có nước mà mình không biết giữ để đến nông
nỗi này!
Cuối cùng bị dồn đến chân tường, không lẽ ở lại chịu chết,
Má con đành phải bán tư trang ngày cưới để có tiền, làm lộ phí cho Ba bế con
đi. Nhà mình xẻ hai. Xẻ đàn tan nghé. Ba với con ra đi; Má và anh Tí ở lại để lỡ
có bị bắt còn có kẻ thăm nuôi. Vã lại mình cũng không có đủ tiền, vàng chung
cho bốn chỗ.
Ngày cha con mình đi, Cần Thơ chìm trong tối. Lúc bế
con xuống ghe nhỏ chờ ra tàu lớn, con khóc. Ai bị buộc rời xa quê cha đất tổ,
chỗ chôn nhau cắt rún trong một hoàn cảnh bi thương như thế, làm sao mà không
khóc? Ba phải cho con uống ‘sirop Phenergan’ để con ngủ.
Rồi lênh đênh trên biển, trong mịt mùng dông bão, đói,
khát, cướp biển Thái Lan. Cuối cùng tàu cũng đến được Pulau Bidong. Con lả người
trên tay Ba. Ba bế con, bước đi xiêu vẹo vì vẫn còn say sóng. “Xin hãy cứu con
tôi!” Đó là lần đầu tiên trong đời Ba đã phải van xin.
***
Vậy mà mấy năm sau khi Má và anh Tí con được lãnh qua,
ngày gặp lại Má con ở
phi trường Melbourne, con chỉ nói được ‘Hi! Mum’ rồi
thôi. Má con nói với Ba rằng mới xa thằng Tèo có mấy năm mà nó đổi thay nhiều
quá. Vỏ nó vàng nhưng ruột đã trắng rồi. Hồi ở bên nhà, sợ con mình lớn lên, họ
bắt đi nghĩa vụ, chết ở bên Miên. Còn qua bên này, xa hoa, phù phiếm đã bắt mất
nó rồi. Ở đâu mình cũng không giữ được con mình. Hồi nhỏ cho nó một cục kẹo, nó
cũng mừng; bây giờ mình cho nó cả cuộc đời nó cũng không nhận.
Mười năm, hai chục năm nữa khi Ba Má đã già, cát bụi sẽ
trở về cát bụi. Cha còn gót đỏ như son. Đến khi Cha mất gót con lấm bùn.
Ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Mười hai tiếng làm việc
và di chuyển. Tám tiếng ngủ để hồi sức lao động. Chỉ còn bốn tiếng vào, ra để gặp
mặt hai con. Ba đã bán năm phần sáu đời mình cho vòng đời tư bản khốc liệt cạnh
tranh để đổi lại vỏn vẹn một phần sáu vô cùng cho cõi thương yêu. Vậy mà cũng
không được!
Ba cũng có má giống hệt như con có. Đó là bà Nội của
con. Chẳng may Má của Ba mất sớm, rất sớm. Vì sức tàn lực kiệt, đèn khô dầu lụi
bấc, qua những ngày, tháng, năm mưa dầm nắng dãi, sớm tần hôm tảo nuôi đàn con
nheo nhóc ăn học.
“Mẹ già như chuối chín cây. Gió đưamẹ rụng con rày mồ
côi.” Câu hát ru đó đã theo Ba suốt thời quần xanh áo trắng, qua dấu lửa binh,
xuống tàu vượt Thái Bình Dương; rồi đất lạ quê người. Ba chắc rằng câu hát ru
đó sẽ còn theo Ba mãi, cho đến khi Ba về với Nội. Bây giờ nghĩ lại ngày ba còn
thơ dại như con, đôi khi dửng dưng, vô tình làm Má buồn, Ba khổ giống như những
gì con đã và đang làm đối với Ba Má bây giờ. Ba đã hối hận biết bao khi Má mình
không còn nữa. Có nụ cười nào rạng rỡ hơn khi Má mình thấy mình lẫm đẫm tập đi,
bập bẹ tập nói. Có tiếng khóc nào chua xót hơn, đèn đêm đối bóng khi Má mình biết
mình trốn học, rong chơi. Làm được gì bây giờ nữa hở con? Có chăng chỉ là một
đóa hoa màu trăng trắng, cài lên ngực áo, trong mùa lễ Vu Lan, như thầm nói với
đời rằng: mất Má rồi đời chỉ là một dải khăn tang.
***
Ai cũng thích đi chơi hết. Đi chơi vui lắm. Người ta
thường bảo sân nhà hang xóm cỏ chắc xanh hơn. Nhưng Tèo con ơi! luống hoa hồng
vườn Botany sao đẹp bằng luống rau Má con trồng bên hè nhà mình ở. Con Bulldog
nhà hàng xóm sao bằng con Mực nhà ta. Mc Donald’s sao ngon bằng dĩa cơm tấm
tình quê. Lẩu nhà hàng Tàu sao ngon bằng nồi canh chua Má nấu. Con trách sao
con tên Tèo. Cái tên gợi nhớ quê nghèo đã xa. Cái tên Tony sao bằng cái tên Tèo
yêu dấu của đồng chua nước mặn; của những dải bần xanh.
Có thể con cho Ba là lạc hậu, là bảo thủ, là xưa rồi.
Nhưng Ba tin rằng có những điều chưa sáng tỏ bây giờ sẽ hoàn toàn đúng trong
mươi năm nữa khi con ngồi nghĩ lại.
Ngày mình đi Cần Thơ chìm trong tối. Ngày con về chốn
cũ chắc bình minh. Má là quê hương. Quê hương là Má. Quê hương con còn có thể
tìm lại được; chớ mất Ba, mất Má rồi thì thôi đã hết trông mong.“Má ơi chim vịt
chết chìm. Thò tay vớt nó con cá lìm kìm cắn tay.”
Mười năm, hai mươi năm nữa biết con còn có Má để mà kêu
mà réo nữa hay không?
Thư bất tận ngôn.
Ba của con.
Đoàn Xuân Thu
No comments:
Post a Comment