Saturday, August 24, 2019

VỀ YÊN TỬ THĂM ĐẤT PHẬT.



HAI HÙNG SG


  

Yên Tử được mệnh danh là vùng đất Phật của dân tộc Việt Nam, nơi Vị vua anh minh  Trần Nhân Tôn chọn nơi này tu hành sau khi nhường ngôi lại cho người kế vị để trị vì thiên hạ, ngài lui về đây lập nên Phái Trúc Lâm thiền viện lưu truyền cho đến ngày nay. 

  Tui chưa một lần được ra thăm đất Bắc, nên khi có dịp được đi lần này khiến tui háo hức vô cùng, từ Phi trường Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN 232, tui và các cháu "Cưỡi mây" cùng chiếc phi cơ thân rộng Airbus 350 thật thoải mái vô cùng, vì chỗ ngồi rộng rãi, tiếp viên thân thiện và Phi công lái thật êm nên sau một giờ bốn mươi lăm phút, phi cơ đáp nhẹ nhàng xuống phi đạo phi trường Nội bài. 


 Thời tiết Hà nội trưa nay khá nóng khi được thông báo là ba mươi bốn độ c, nên khi ra khỏi phi trường tui hỏi thằng cháu ngoại của mình:

 -Bảo nè, con thấy cái nóng này nó bằng cái nóng ở Las Vegas hôm trước khi mình ở đó không? 

 Thằng Bảo nói không cần suy nghĩ :

 - Chèn ơi, sao nóng bằng hả ông ngoại, Las Vegas nóng rát mặt hơn nhiều, ở đây nóng cỡ hôm mình ở Dallas thôi. 

 Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ tui cũng cảm nhận nóng cỡ nào rồi,  không ngờ thằng Bảo nó nói trúng phóc với cái suy nghĩ của mình, tui khen nó:

 -Con nói đúng rồi, vậy mà khi ở Sài gòn nghe báo chí nói Hà nội và các tỉnh miền Trung nóng làm ông ngoại "Ngán" quá chừng. 

  Đứng chờ Vài phút nơi  dành cho xe đến rước, thấy chiếc xe bảy chỗ trờ tới rồi dừng ngay trước mặt, tui ngạc nhiên vô cùng vì tài xế là một cô gái thân quen, tui không ngờ cháu Hương (Một người ở Hà Nội đã cùng tham gia đoàn đi Mỹ với tụi tui hôm trước). 

 Sau khi chất hành lý lên xe và yên vị phía ghế cuối xe,  tui thắc mắc hỏi Hương:

 -Sao con giỏi dữ thần vậy,  tại sao hôm ở Los Angeles không lái xe phụ với mấy đứa. 

 Hương nói:

 -Có ai cho lái đâu mà lái hả bác. 

 Tui nói:

 -Tại con không chịu "Nhá cạnh" nên đâu ai biết để cho con lái. 

   Hương cười vui rồi đánh tay lái xe thật điệu nghệ đưa tụi tui rời khỏi phi trường Nội Bài để trực chỉ Yên Tử. 

 Do cũng chưa mấy thuộc đường nên Hương phải nhờ "Bà chị Google  map" giúp đỡ hướng dẫn,  sau một hồi "Chị Google" chỉ quẹo phải,  quẹo trái không biết bao nhiêu lần trong đường thôn, đường làng để băng ra quốc lộ (18), có những ngõ ngách nhỏ chật hẹp nhưng cô "Tài xế" vẫn vượt qua thử thách đưa tụi tui bon bon trên quốc lộ (18), quốc lộ này cũng khá đông xe,  phía bên trong có bốn làn cho xe di chuyển, hai bên quốc lộ có hàng rào sắt ngăn cách hai làn phụ bên ngoài không cho các loại xe chen bất ngờ vô quốc lộ dễ gây ra tai nạn, nhìn qua hai làn phía bên ngoài rào sắt, tui thấy họ lưu thông cả hai chiều trên đó, nó không như ở Sài gòn vì đường như  ở Sài gòn họ chỉ cho lưu thông một chiều mà thôi.

 Xe chạy bon bon trên đường, tui phóng tầm mắt nhìn cả hai bên đường có nhiều nhà cửa, ruộng vườn cũng na ná như trong miền Nam, những cửa hiệu danh tiếng cũng có mặt nơi này,  như Thế Giới di động, Điện máy xanh, siêu thị V.v... 


 Đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh tui thấy nhiều xe đầu kéo chở những thùng Container bằng sắt cao nghiệu di chuyển, khi  Hương lái xe vượt qua những xe này cháu thật cẩn thận quan sát thật kỹ,  khi thấy thật sự an toàn cháu mới "Nhá đèn" xin vượt,  những bác tài Container  lịch sự cho xe nép vào để xe tụi tui vượt qua, nhưng phải nói ngán nhất là các xe khách chạy liên tỉnh, họ chạy tốc độ nhanh bóp kèn inh ỏi để vượt, họ chạy vượt phía bên trong phía lề phải,  mỗi khi xe họ qua khỏi tui thấy đám bụi tung bay mịt mù thấy phát ớn. 

                                 ***

 Trên đường đi, vừa ngắm cảnh vừa được cháu Quế (Cô gái cùng tham gia chuyến đi Châu âu với tụi tui hai năm về trước) mời tụi tui ăn nhẹ trên xe, nào là món xôi Cúc miền Bắc nếp thật dẻo nhân đậu xanh thơm lừng hòa với mùi thịt heo ướp gia vị thật ngon, mùi thơm của bánh còn nóng hổi bay khắp xe khiến những người đi cùng xe đang ăn chay dịp tháng bảy cô hồn chắc cũng thèm thuồng trong bụng, rồi những trái Đào giòn ngọt ướp lạnh khiến cho đoạn đường đến Yên Tử dường như "Ngắn lại",  rồi thêm món "Chà bông nấm chay" ngon số dzách luôn. 

 Xe chạy đến ngã ba mũi tàu nơi quốc lộ (18) và đường Nguyễn Bình giao nhau,  không biết tại "Chị Google" có bạn trai đến tâm sự hay sao đó, chị ta "Phân tâm" chỉ cho cháu Hương chạy vô ngõ đường cụt, khi phát hiện ra điều này, Hương quay đầu xe nhanh chóng trở lại ngã ba khi nãy rồi đi theo hướng chị Google chỉ để vô đường Tỉnh lộ (326) để tiến về Yên Tử, đường tỉnh lộ có đoạn vừa đủ cho hai xe tránh nhau, nhà cửa dân chúng ở dọc hai bên đường,có đoạn thôn xóm đông đúc, có đoạn ruộng đồng ngút ngàn, lại có đoạn núi rừng sát bên đường tỉnh lộ. 

 Cơn mưa chiều vừa dứt khi nãy, xe tụi tui đến đoạn Khe Sú họ đang sửa đường, lần theo bảng chỉ dẫn Hương đánh xe qua ngõ đi đường vòng, đoạn này không xa lắm nhưng khá vắng vẻ, xe chạy một đoạn thì xuống cái dốc khá sâu, bên dưới nước ngập lai láng, vì lạ đường và do nước ngập cả mặt đường một đoạn chừng năm mươi mét nên Hương chần chừ, vì sợ sụp hố trên đường sẽ "Mệt cầm canh" chứ chẳng phải chuyện chơi, sau một hồi cho xe "Bò" chậm chạp  như em nhỏ  mới biết đi, Hương cho xe dừng hẳn sát bên phải dưới vũng nước, chẳng qua cô nàng thấy phía sau có anh xe vận tải nhỏ đang nối đuôi với xe mình, cô nàng "Lợi dụng" anh này làm lính "Khinh binh" dò đường trước rồi mình sẽ theo xe hắn thì chắc ăn như bắp, vì xe hắn bánh cao và là dân địa phương nên "Nhường" cho hắn đi trước là quá "Lịch sự" rồi, anh tài xế xe tải thấy chiếc bảy chỗ đi trước mình tự dưng ngừng hẳn, không biết chuyện gì hắn cũng dừng lại chờ, hồi lâu không thấy xe bảy chỗ động tịnh gì anh ta mới vượt xe tụi tui để chạy qua vũng nước ngập kia, chắc cuối cùng anh ta cũng biết mình làm người lính "Khinh binh" bất đắc dĩ cho xe bảy chỗ này, chỉ chờ có vậy thôi khi thấy chiếc xe tải nọ vừa qua khỏi đầu xe mình, Hương vội "bò" theo liền một khi . 

  Qua khỏi chướng ngại vật này Hương cho xe phóng nhanh cho kịp sợ trời tối và mưa, vì lái xe trên đường đèo quanh co lúc có mưa thì hơi nguy hiểm, sau một hồi vòng vèo trên đường Yên Tử thì xe tụi tui cũng đến nơi, thấy Hương cho xe leo lên cái dốc nhỏ trước cổng tam quan của khu Resort, tui thấy choáng ngợp với thiết kế khá lạ mắt, điều này khiến tui liên tưởng mình sắp viếng khu Hoàng thành của vua chúa thời cách nay mấy ngàn năm trong thế kỷ  hăm mốt này. 

Image result for RESORT CỦA DU LỊCH YÊN TỬ



 Cho xe đậu ngay cổng Resort phía bên trong sân, quan sát một vòng nơi nào cũng có cổng kiểu mái vòm với những bức tường thật dầy, từ phía bên trong cánh cửa xịch mở, có hai ông  "Quan" (Nhân viên Resort ai cũng mặc quần áo nâu như các quan lại và lính tráng thời xưa) đưa chiếc xe đẩy loại nhỏ chất hết hành Lý lên đó,  hai "Quan" nghiêng mình mời tụi tui an tọa trên những chiếc ghế dài bọc nhung êm ái để nghỉ chân, cháu Hương cháu Quế đến quầy tiếp tân làm thủ tục cho cả đoàn, trong lúc ngồi chờ đợi thì tụi tui được một "Quan thị vệ" mang đến những ly nước nhỏ có màu vàng nhạt rất thơm, khi hớp thử hớp nhỏ vào miệng mùi thơm dịu ngọt nhẹ nhàng khiến tui sảng khoái tinh thần vô cùng, tui nghĩ chắc họ nấu một loại thảo dược nào đó mà từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ tui được nếm qua, nhìn quanh họ trang trí những tảng đá có vân màu rất đẹp, phía sau lưng quầy tiếp tân họ trưng bày thật nhiều kinh sách cổ do sưu tầm khắp nơi đem về, quả thật đây là một công trình văn hóa vô giá của tiền nhân để lại. 

 Nhận chìa khóa phòng, tui với cháu Bảo ở một phòng, mấy đứa kia ở các phòng khác cũng gần phòng tui cùng một dãy. 

 Đoạn từ phòng tiếp tân đi theo các lối đi rất yên tĩnh, qua các hành lang lót bằng loại gạch nung màu gan gà, thay vì đi thang máy,  tui tui chọn đi cầu thang bộ xuống tầng một để đến phòng của mình, dưới tầng trệt hai dãy hành lang dài hun hút được chia cách ra làm hai khu riêng biệt do họ trải những viên đá cuội suốt theo chiều dài của hành lang này còn tầng hai phía trên hành lang có lan can bằng gỗ Căm xe rất cứng cát và được thiết kế hệt như lối đi trong cung cấm ngày xưa. 

 Trong phòng từ giường ngủ, đến cửa nẻo đều bằng gỗ, loại có vân gỗ rất đẹp và chắc chắn, nơi ngồi tiếp khách ở cuối phòng, họ thiết kế giật cấp một bậc có bày bộ bàn và đôn ghế bằng đá cẩm thạch có vân đá thật đẹp, những khối đá có hình dáng tự nhiên, nên họ không phải cắt gọt gì hết, chỉ đánh bóng cho nhẵn nhụi rờ vô thật mát tay và nhìn mát mắt, họ còn bố trí hai bộ trường kỹ  bọc vải và những gối hơi lót thật êm lưng, riêng đèn chiếu sáng ở đây chỉ độc nhất ánh sáng vàng, đi khắp trong resort không tìm đâu ra đèn ánh sáng trắng như các nơi khác sử dụng. 

 Mỗi phòng là một không gian riêng lọt thỏm vào bên trong cách hành lang bên ngoài chừng hai mét,  có lẽ để giữ khoảng cách với người đi bên ngoài tránh ồn ào hoặc quấy nhiễu  khách bên trong, đứng phía ngoài nhìn vào những nơi này giống như chỗ tam cung lục viện cho ông chúa, bà hoàng, và có khu cho tì nữ cùng các ông Thái giám sinh hoạt. 

 Thú thật mới nhận phòng tui với cháu Bảo không khoái lắm, vì nó yên ắng  lạ thường bởi màu sắc nâu nâu trang trí đượm buồn, cháu Bảo vốn sợ ma tuy hai cái giường khá gần nhau mà cháu Bảo nhà tui cứ cằn nhằn :

 - Tối chắc con với ngoại nằm chung giường đi, khung cảnh nó lạnh lạnh u ám sao đó. 

 Tui nói:

- Ối ăn nhằm gì con ơi, tại họ trang trí theo chủ đề thôi, cung điện ngày xưa chắc màu sắc cũng vậy, tối cứ leo lên giường ngủ chứ mắc chứng gì phải sợ. 

 Tui nói cứng nhưng trong bụng tui không khoái kiểu trang trí như vậy, cháu Bảo nhận định đúng như ý tui, nhưng nếu tui "Lú mòi" sợ sệt giống ảnh thì ảnh sợ còn ác hơn nữa. 

 Vô quan sát phòng tắm và nhà vệ sinh, điều đặc biệt ở Resort này mọi cánh cửa bằng gỗ không xài ổ khóa kim loại, bất cứ cửa lớn nhỏ trong khu Resort chỉ xài cái chốt bằng gỗ để khóa cửa, riêng nhà tắm lại không có cửa hoặc rèm che gì cả,  hơn nữa bên trong một vách nhà tắm bọn gắn một tấm kiếng trông suốt, nhìn ra ngoài ta sẽ thấy ánh sáng thiên nhiên ban ngày mà không cần xài đèn,  điều này khiến du khách cũng hơi e ngại, nhưng rồi cũng quen khi đứng tắm mà không có rèm hoặc cửa. 

 Chiều đến, ra khu nhà hàng sang trọng bàn ghế, họ sử dụng bằng gỗ cây Căm xe loại gỗ cứng như thép và nặng trịch, sau khi ăn uống các món theo thực đơn rất ngon thì cả đám tụi tui kéo nhau ra bên ngoài để khám phá khung cảnh nơi này. 

 Đi ra phía sau khu Resort lần theo các bậc thang tụi tui nhìn cảnh trí thật êm đềm, trời chiều hơi se lạnh bởi cơn mưa lúc sáng nên không khí thật trong lành, nhìn xa xa những dãy núi liền nhau nhấp nhô cao độ, toàn bộ được cây rừng phủ xanh cả một góc trời, hồ bơi trong Resort thật rộng rãi, mực nước sâu tối đa một mét ba mươi nên rất dễ cho mọi người xuống nước đùa vui với nhau, nhìn nơi giống như khu lò để nung vôi của "Hoàng thành" nó nằm giáp với khu rừng ngập nước nhìn rất hoang sơ huyền bí. 

 Ngồi trên chiếc ghế cạnh hồ tắm tui mặc sức  thả hồn đi hoang, tui nghĩ nếu ở đây lâu dài chắc hồn thơ lai láng của tui sẽ tràn về như thác lũ, tiếc rằng chuyến đi hơi ngắn nên chưa đủ gây cho tui cảm hứng sáng tác. 

Đêm đầu tiên trong phòng (118), hai ông cháu tui mỗi người nằm trên giường riêng biệt,  cháu Bảo năn nỉ :

 -Ông ngoại qua nằm chung với con đi, nằm một mình thấy nó sao sao vậy đó

Tui thoái thác :

- Thôi nằm vậy chật lắm, tối cựa quậy ông ngoại không ngủ được mệt lắm, sáng mai làm sao có sức leo lên đỉnh núi Yên Tử. 

 Cháu Bảo đành chấp nhận nằm ngủ một mình, nhưng anh ta vớt vát :

 - Vậy cũng được nhưng ngoại đừng tắt đèn. 

 - Trời ! Không tắt đèn nó sáng trưng sao nhắm mắt được con, thôi ông ngoại tắt bớt đèn chỗ ngủ nhưng để đèn phòng khách cũng được. 

 Vậy là hai ông cháu đạt được thỏa thuận như vậy, để rồi mạnh ai nấy nhắm mắt chìm vào giấc ngủ. 

 Đang mơ màng ngủ, bổng tui cảm giác rờn rợn trong người vì khi không đèn đuốc tắt tối thui, chừng vài giây sau nó lại bật sáng,  rồi thỉnh thoảng có tiếng động lộp cộp trong phòng, tui "Nổi da gà" nhưng cố bình tĩnh nhắm mắt ngủ, trong bụng tui nghĩ chắc có thể khách sạn họ đổi nguồn điện nên mới tạm tắt trong giây lát, những tiếng lộp cộp kia có thể là chuột bọ hoặc con gì đó phá phách cũng nên, và cũng có thể do khách các phòng kế cận họ còn thức chăng, tui cố dỗ giấc để ngủ tiếp cho đến sáng, dự tính không cho cháu Bảo biết các hiện tượng đêm qua,  nhưng "Thần khẩu hại xác phàm" tự dưng tui "phun" ra hết ráo khiến cho Bảo "rét" trong bụng vô cùng . 

 Sáng ngày thứ nhì có mặt nơi vùng núi rừng Yên Tử, sau khi ăn sáng xong tụi tui ra xe điện của Resort chở đến ga cáp treo để chinh phục đỉnh Yên Tử . 

 Núi Yên Tử cao (1.068 m)  so với mặt nước biển, độ dài để leo núi chừng ba cây số,  với sáu ngàn bậc thang (Có đoạn đúc bằng bê tông cốt thép rộng rãi,  có đoạn rất hẹp là nơi những viên đá nhám lót cho khách bước đi, có đoạn len qua khe đá rêu phong phủ đầy,  theo tài liệu muốn lên đỉnh Yên Tử nơi chùa Đồng mà leo bộ phải mất đúng sáu tiếng leo liên tục mới đến nơi, bà con mình lưu ý muốn leo núi phải chuẩn bị các dụng cụ như sau : trước nhất phải có cái nón , Áo mưa mỏng , cây gậy trúc,  một ít nước uống,  nếu có loại nước uống dùng cho các lực sĩ thi đấu trong các môn thể thao là tốt nhất . 

Image result for yên tử cáp treo



 Vừa đến nơi cáp treo tui thấy họ bán đủ các dụng cụ như kể trên,  do hấp tấp nên cả đám tụi tui không ai trang bị "Cái chân thứ ba" cho mình,  sở dĩ tui gọi là chân thứ ba vì leo núi có cầm theo cây gậy nó giúp mình di chuyễn khỏe hơn, và trong đoàn tui chẳng ai mang theo cái áo mưa mỏng, cũng may phước hôm đó thời tiết trên núi Yên Tử thật dễ chịu,  không mưa,  nắng nhẹ,  trên đỉnh mây bay ngang người thật mát mẻ. 

 Lên ngồi cabin đoạn cáp treo đầu tiên ( Vé cáp treo mua tại khách sạn) sáu người tụi tui dồn hết vào một cabin lắp kiếng rộng rãi, dưới chân của cabin họ lắp tấm kiếng cường lực trong suốt cho du khách nhìn xuống ngọn cây dưới chân mình, nếu ai không quen độ cao thì có cảm giác không an tâm khi lơ lững giữa chín tầng mây này. 

 Sau khi vượt qua mấy đoạn dốc núi dựng đứng, cabin cáp treo cũng vào ga đầu tiên, rời ca bin nơi ga này tui thấy họ bày bán các loại thảo dược, một vài gian hàng bán thức  ăn  và đồ uống giải khát, chen lẫn vài gian hàng bán quà lưu niệm, do đoàn tụi tui  "xuất phát" tương đối sớm du khách còn thưa thớt nên không khí chỗ này ít chộn rộn, đến đây cuộc "Chơi" đã bắt đầu,  vì sau khi di chuyễn ra khỏi ga cáp treo thì các bậc thang đầu tiên cho hành trình chiêm bái Phật đã bắt đầu, những bậc thang đoạn đầu này không nhiều lắm nhưng khá dựng đứng, khi đến đoạn bậc thang tiếp theo quả là một thử thách thật sự, đoạn này dài chừng  ba trăm bậc thang bằng bê tông nhưng nó cao dựng đứng, nếu leo không khéo trượt chân rất nguy hiểm,  già yếu như tui phải đi nép sát vào nơi có tay vịn là hai con rồng đá nhỏ để men theo đó mà leo cho chắc ăn. Lên hết đoạn này tim tui đập liên hồi tui cảm thấy thấm mệt nên tui nghĩ trong đầu không biết mình có đủ sức để hoàn thành tâm nguyện lên tới đỉnh Yên Tử hay không? 



 Vừa lên khỏi đoạn này, một ngôi chùa hiện ra ( Tiếc một điều tui không nhớ tên chùa này vì ngồi thở dốc, cả tên tuổi mình còn không nhớ nữa là đàng khác vì quá mệt), sau một hồi lễ chùa và cúng  dường Tam bảo, tụi tui tiếp tục cắm đầu leo lên những bậc thang cho đoạn tiếp theo,  dọc đường lên núi họ bố trí các loa phát thanh nhỏ dọc theo lối đi, các loa này phát ra những bản nhạc thiền nghe êm dịu tâm hồn vô cùng, sau một hồi cật lực tui cũng đến được nơi đặt cáp treo tiếp theo ( Cáp treo nơi đây có hai nhà ga, nên lúc ta trở xuống núi nên quan sát các tấm bảng chỉ dẫn,  vì có một ga về Hoa Yên Tử (ga đầu tiên khi nãy),  một đường ga cáp treo về hướng đi Bắc giang, nếu không quan sát kỹ đi lộn ga thì rất phiền hà cho chuyến về của, mình. 

 Đoạn cáp treo tiếp theo này cabin nhỏ hơn nhưng cũng chứa đủ sáu mạng cho đoàn của tui,  đoạn này ngồi cabin mới thật sự khám phá khắp vùng, với đường cáp dựng đứng Cabin bò lần lên phía trên cao, tui phóng tầm mắt nhìn về bên phải thấy tượng Phật Hoàng bằng đồng đang ngồi giữa mênh mông của núi rừng yên Tử, thỉnh thoảng có vài sợi mây mỏng  bay vắt ngang qua pho tượng khiến lòng ta lâng lâng như phiêu bạt  cõi tiên bồng. 

 Xuống cabin đoạn đường đến chùa Đồng còn ước chừng độ cao cỡ năm trăm mét nữa sẽ đến đỉnh, như vậy tui đã chinh phục được phân nửa đoạn đường, tính ra ước chừng phải lội bộ lên dốc thêm một cây số rưỡi dốc đá cheo leo nữa,  tuy rất mệt tui thầm cầu nguyện trời phật giúp cho mình đủ sức để hoàn thành đoạn leo núi còn lại. 

 Một cây số rưỡi còn lại là một thử thách kinh hoàng , vì cứ leo chừng vài chục bậc thang là phải nghỉ mệt do đôi chân căng cứng, các triệu chứng đau các khớp chân bắt đầu xuất hiện,  lúc ngồi nghỉ chân là lúc tranh thủ thở vì lên cao khí Oxy cũng loãng bớt hơn nữa do mệt nên hơi thở mọi người dồn dập hơn,  có đoạn mệt quá tui gục đầu xuống sát những tảng đá nhìn những cây cỏ dại mọc nơi này,  vài loại cây quen thuộc tui được biết trong đó có những cây Mã Đề ( loại nấu nước uống rất mát) mọc hoang nơi này,  nhìn dòng nước nhỏ chảy róc rách bên khe đá tui cảm thấy mình đang hòa mình vào thiên nhiên thật thụ. 

 Càng lên cao khi gần tới đỉnh chùa Đồng thì các con dốc càng dựng đứng,  còn chừng hai mươi mét nữa thôi tui sẽ đến đỉnh núi,  vậy mà không thể nhấc đôi chân lên nổi, tui nằm ngữa xuống đá để thở và hớp chút nước cho khỏe,  hai mươi thước này thật sự nguy hiểm cho cuộc leo núi vì nó vừa dựng đứng vừa cheo leo,  ban quản lý chùa cho lắp một đoạn lan can bằng sắt cho du khách bám vào để leo nốt đoạn cuối cùng để lên tới đỉnh, những bậc thang không còn nữa,  thay vào đó những tảng đá nằm chỏng chơ cho du khách bước lên, nếu quay lưng nhìn lại phía sau bạn sẽ không thấy mặt đất , vì rừng cây che khuất nẻo cùng những áng mây trắng trôi liên tục ngang người khiến cho tui cảm thấy khoan khoái khi vừa đặt chân đến cõi thoát xa vòng tục lụy. 

 Chùa Đồng là di tích lâu đời,  toàn bộ kiến trúc ngôi chùa này bằng Đồng (Màu đen tuyền) thoạt nhìn tưởng chừng như được đúc thành một khối, ngày xưa đem được một trọng lượng đồng khổng lồ này lên đỉnh Yên Tử để đúc thành ngôi tam bảo này đúng là một kỳ tích khó nơi nào có được, sau khi lễ Phật tui cầu xin Phật Hoàng phù hộ cho gia đạo bình yên,  tai qua nạn khỏi, con cháu nên người,  tui cũng khấn vái giùm cho một vài người  bạn gửi gấm niềm tin vào đức Phật họ cầu mong khỏe mạnh làm ăn suôn sẻ... 

 Sau khi chụp ảnh lưu niệm trên chùa Đồng tụi tui bắt đầu "Hạ sơn", đường lên núi đã gian nan thì ngõ về cũng "Gai góc " không kém,  theo bảng chỉ dẫn tui nhảy qua những phiến đá nhỏ rồi nhanh chóng nắm lấy lan can sắt để lần mò xuống núi,  lúc leo có nỗi khổ của nó,  khi lúc xuống tưởng đâu nhẹ nhàng hơn nhưng lại khổ kiểu khác,  vì xuống là mình dồn trọng lực cơ thể xuống chân theo từng bậc thang,  nếu bước không khéo trượt chân té xuống núi như chơi,  và bước không có kỷ thuật cũng ảnh hưởng đến hệ xương,  thậm chí có thể bị gãy xương chân nếu ta không cẩn thận cho mỗi bước đi xuống. 

 Tưởng rằng khi xuống mình sẽ về ngay nhà ga cáp treo,  ai dè đi vòng vèo theo chỉ dẫn tụi tuu đến ngay dưới tượng Phật Hoàng bằng đồng đã nhìn thấy lúc đi cáp treo bận lên,  vậy là  tụi tui cách xa ga cáp treo một khoảng khá xa,  nên sau khi lạy phật xong cả đám lại lội ngược trở lên nhà ga cáp treo lần nữa quả là "ớn chè đậu".... 

                                 ***

 Cuối cùng sau gần hết một ngày leo núi Yên Tử ( có trợ giúp của 2 đoạn cáp treo),  đoàn tụi tui cũng hoàn thành tâm nguyện. 

Tá túc một đêm nữa trong khách sạn,  hôm sau tui trở lại Sài gòn kết thúc chuyến đi đầy thi vị, mong rằng với việc thuật lại chuyến đi này sẽ giúp cho những ai có dự định đến Yên Tử sẽ có kinh nghiệm để thử thách chính mình trên đoạn đường "chông gai " này nhe các bạn. 
Image result for YÊN TỬ


        Sài gòn 24.8.2019 ( 17:05 )

3 comments:

trường tôi said...

Anh Hai Hùng kể lại chuyến đi này rất tỉ mĩ và đầy thú vị , nhưng cũng có nhiều cảnh nghe hơi ớn lạnh .Cám ơn anh !
Người đọc truyện

trường tôi said...

Anh kể từng chi tiết coi như em đã đi rồi, thôi thì để dành tiền đi nơi khác kkk...
Người hà tiện

Quang Minh said...

Đọc chuyện của anh Hai Hùng SG , HTX đã ớn lạnh rồi còn đi thử gì nữa, Chỗ nào vui vui thì được vì Người Ham Vui mà